Tên hoạt chất: Oxacillin
Thương hiệu: Đây chỉ là hoạt chất. Không có thương hiệu
Tác giả: Thương Trần
Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư
Tác dụng
Tác dụng
Tác dụng của Oxacillin là gì?
Oxacillin là một kháng sinh nhóm penicillin. Oxacillin tiêu diệt vi khuẩn trong cơ thể.
Oxacillin được sử dụng để điều trị nhiều bệnh nhiễm trùng khác nhau do vi khuẩn, chẳng hạn như nhiễm khuẩn do tụ cầu (còn gọi là “staph”).
Oxacillin cũng có thể được sử dụng cho các mục đích khác không được liệt kê trong hướng dẫn sử dụng thuốc này.
Bạn nên dùng oxacillin như thế nào?
Dùng thuốc này chính xác theo chỉ định của bác sĩ. Không uống thuốc với liều lượng lớn hơn, hoặc dùng lâu hơn so với khuyến cáo của bác sĩ. Thực hiện cẩn thận theo các hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.
Uống thuốc với một ly nước đầy khi bụng đói, ít nhất trước 1 giờ hoặc 2 giờ sau bữa ăn.
Để bảo đảm tác dụng của thuốc, bạn sẽ cần phải được Xét nghiệm máu theo định kỳ. Chức năng thận hoặc gan cũng có thể cần phải được kiểm tra. Đến gặp bác sĩ theo đúng lịch thăm khám của bạn.
Dùng thuốc này đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Các triệu chứng bệnh của bạn có thể cải thiện trước khi nhiễm trùng được điều trị hoàn toàn. Oxacillin sẽ không có tác dụng đối với bệnh nhiễm virus như bệnh cảm hoặc cúm thông thường.
Không dùng chung oxacillin với những người khác, ngay cả khi họ có các triệu chứng tương tự bạn.
Thuốc này có thể gây ra kết quả bất thường thường cho những Xét nghiệm nhất định. Hãy cho bác sĩ đang điều trị cho bạn biết nếu bạn đang sử dụng oxacillin.
Bạn nên bảo quản oxacillin như thế nào?
Bảo quản ở hoặc dưới -20°C/-4°F, tránh ẩm, tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm. Không bảo quản trong ngăn đá. Mỗi loại biệt dược có thể có các yêu cầu bảo quản khác nhau. Đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi Dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Không vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có hướng dẫn. Vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Liều dùng
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng oxacillin cho người lớn là gì?
Liều dùng thông thường cho người lớn bị nhiễm trùng do vi khuẩn:
Liều dùng theo khuyến cáo của các nhà sản xuất:
Nhiễm trùng nhẹ đến trung bình: dùng 250 đến 500 mg, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp mỗi 4-6 giờ.
Nhiễm trùng nặng: dùng 1 g, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp mỗi 4-6 giờ.
Thời gian điều trị: Điều trị nên tiếp tục trong ít nhất 14 ngày trong trường hợp nhiễm trùng nặng do tụ cầu. Điều trị nên tiếp tục ít nhất 48 giờ sau khi bệnh nhân hết sốt, hết triệu chứng bệnh, và có kết quả cấy vi khuẩn âm tính. Viêm nội tâm mạc và viêm tủy xương có thể cần thời gian điều trị kéo dài hơn.
Chỉ định được phê duyệt: Điều trị các bệnh nhiễm trùng do tụ cầu nhạy cảm sinh men penicillinase.
Liều dùng thông thường cho người lớn bị viêm nội tâm mạc:
Liều dùng theo khuyến cáo của các nhà sản xuất: Xem Liều thông thường dành cho người lớn (nhiễm khuẩn).
Liều dùng theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo:
Viêm nội tâm mạc do tụ cầu trên van nguyên gốc: dùng 2 g, tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ hoặc 3 g tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ (tổng cộng 12 g/ngày).
Thời gian điều trị:
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn màng trong có biến chứng (IE), Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn mặt bên trái: 6 tuần.
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn màng trong không biến chứng: 2 tuần.
Liều dùng oxacillin cho trẻ em là gì?
Liều dùng thông thường cho trẻ em bị nhiễm trùng do vi khuẩn:
Liều dùng theo khuyến cáo của các nhà sản xuất:
Trẻ sinh non và trẻ sơ sinh: dùng 25 mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp
Trẻ nhỏ và trẻ em cân nặng dưới 40 kg:
Nhiễm trùng từ nhẹ đến trung bình: dùng 12,5 mg/kg, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp mỗi 6 giờ.
Nhiễm trùng nặng: dùng 100 mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, chia liều bằng nhau, chia mỗi 4-6 giờ.
Trẻ cân nặng 40 kg trở lên:
Nhiễm trùng nhẹ đến trung bình: dùng 250-500 mg, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp mỗi 4-6 giờ.
Nhiễm trùng nặng: dùng 1 g, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp mỗi 4-6 giờ.
Thời gian điều trị: Điều trị nên tiếp tục trong ít nhất 14 ngày đỗi với nhiễm khuẩn nặng do tụ cầu. Điều trị nên tiếp tục ít nhất 48 giờ sau khi bệnh nhân hết sốt, hết các triệu chứng bệnh, và có kết quả cấy vi khuẩn âm tính. Viêm nội tâm mạc và viêm tủy xương có thể cần thời gian điều trị dài hơn.
Chỉ định được phê duyệt: Điều trị các nhiễm khuẩn do tụ cầu nhạy cảm sinh men penicillinase.
Liều dùng theo Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo:
Trẻ nhỏ hơn 1 tuần tuổi với cân nặng:
Nhẹ hơn 1200 g: dùng 25 mg/kg, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp mỗi 12 giờ.
1200-2000 g: dùng 25-50 mg/kg, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp mỗi 12 giờ.
Lớn hơn 2000 g: dùng 25-50 mg/kg, tiêm tĩnh mạch hay tiêm cơ bắp mỗi 8 giờ.
1-4 tuần tuổi với cân nặng:
Ít hơn 1200 g: dùng 25 mg/kg tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp mỗi 12 giờ.
1200-2000 g: dùng 25-50 mg/kg tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp mỗi 8 giờ.
Lớn hơn 2000 g: dùng 25-50 mg/kg, tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp mỗi 6 giờ.
Từ 1 tháng tuổi trở lên:
Nhiễm trùng nhẹ đến trung bình: 100-150 mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp chia làm 4 liều.
Nhiễm trùng nặng: 150-200 mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp chia làm 4 liều.
Liều tối đa: 12 g/ngày.
Liều dùng thông thường cho trẻ em bị viêm nội tâm mạc:
Liều dùng theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo:
Viêm nội tâm mạc do tụ cầu trên van nguyên gốc: dùng 200 mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch 4-6 liều được chia bằng nhau.
Liều tối đa: 12 g/ngày.
Thời gian điều trị:
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn màng trong có biến chứng (IE), Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn mặt bên trái: 6 tuần.
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn màng trong không biến chứng: 2 tuần.
Viêm nội tâm mạc do tụ cầu trên van giả: 200 mg/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch 4-6 liều được chia bằng nhau.
Liều tối đa: 12 g/ngày.
Thời gian điều trị: 6 tuần hoặc lâu hơn.
Oxacillin có những dạng và hàm lượng nào?
Oxacillin có những dạng và hàm lượng sau:
Thuốc tiêm 50 ml.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng oxacillin?
Đến bệnh viện ngay lập tức nếu bạn có bất cứ dấu hiệu của một phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.
Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn mắc bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào sau đây:
Sốt, đau họng và đau đầu, phồng rộp nặng, bong tróc, và phát ban da đỏ;
Tiêu chảy chảy nước hoặc có máu;
Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, các triệu chứng cúm;
Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu, suy nhược bất thường;
Đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không;
Phát ban da, ngứa, hoặc bong da;
Kích động, lú lẫn, suy nghĩ hoặc hành vi khác thường;
Co giật.
Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng có thể bao gồm:
Buồn nôn, nôn, đau bụng;
Ngứa hoặc tiết dịch âm đạo;
Đau đầu;
Lưỡi sưng lên, màu đen, hoặc lưỡi lông;
Nấm (đốm trắng hay bên trong miệng hoặc cổ họng).
Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ
Cảnh báo
Thận trọng/ Cảnh báo
Trước khi dùng oxacillin bạn nên biết những gì?
Trước khi sử dụng oxacillin, cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với các kháng sinh nhóm cephalosporin như Ceclor, Ceftin, Duricef, Keflex, và những thuốc khác, hoặc nếu bạn bị bệnh hen suyễn, bệnh gan, bệnh thận, hoặc có tiền sử bất kỳ dị ứng nào.
Những điều cần lưu ý nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Thuốc này thuộc nhóm thuốc B đối với thai kỳ, theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Ghi chú: Phân loại thuốc dùng cho phụ nữ có thai:
A= Không có nguy cơ;
B = Không có nguy cơ trong vài nghiên cứu;
C = Có thể có nguy cơ;
D = Có bằng chứng về nguy cơ;
X = Chống chỉ định;
N = Vẫn chưa biết.
Tương tác
Tương tác thuốc
Oxacillin có thể tương tác với thuốc nào?
Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Không dùng thuốc này nếu bạn bị dị ứng với oxacillin hoặc với bất kỳ kháng sinh nhóm penicilin nào khác, chẳng hạn như:
Amoxicillin (Amoxil, Amoxicot, Biomox, Dispermox, Trimox);
Ampicillin (Omnipen, Principen);
Carbenicillin (Geocillin);
Dicloxacillin (Dycill, Dynapen);
Penicillin (Beepen -VK, Ledercillin VK, Pen-V, Pen- Vee K, Pfizerpen, V- cillin K, Veetids, và những thuốc khác).
Thức ăn và rượu bia có tương tác tới oxacillin không?
Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến oxacillin?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
Hen suyễn;
Bệnh gan;
Bệnh thận;
Chảy máu hoặc rối loạn đông máu;
Tiền sử bệnh tiêu chảy do dùng kháng sinh;
Tiền sử có bất kỳ loại dị ứng nào.
Quá liều
Khẩn cấp/ Quá liều
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa
Nguồn tham khảo
Oxacillin, http://www.drugs.com/dosage/oxacillin.html