Tên hoạt chất: Sucralfat
Thương hiệu: Đây chỉ là hoạt chất. Không có thương hiệu
Tác giả: Thương Trần
Tham vấn y khoa: Lê Thị Mỹ Duyên
Tên gốc: sucralfat
Tên biệt dược: Carafate®
Phân nhóm: thuốc kháng axit, chống trào ngược và chống loét.
Tác dụng
Tác dụng
Tác dụng của thuốc Sucralfat là gì?
Thuốc sucralfat được sử dụng phổ biến trong điều trị ngắn hạn (lên đến 8 tuần) một số loại viêm loét đường tiêu hóa. Những bệnh nhân đã bị loét đường tiêu hóa có thể dùng thuốc này để ngăn chặn tình trạng loét nặng hơn. Ngoài ra, thuốc sucralfat cũng có thể được sử dụng trong các tình trạng khác theo chỉ định của bác sĩ.
Sucralfat là một chất bảo vệ dạ dày. Thuốc hoạt động bằng cách hình thành một lớp bảo vệ trên vết loét để tạo một rào cản chống axit, muối mật và các enzym trong dạ dày.
Liều dùng
Liều dùng
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.
Liều dùng thuốc sucralfat cho người lớn như thế nào?
Liều lượng thuốc được dựa trên tình trạng sức khỏe và đáp ứng với điều trị của bạn.
Liều dùng thông thường cho người lớn để điều trị dự phòng xuất huyết tiêu hóa loét do stress:
Bạn dùng 1 g uống 6 lần một ngày. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không dùng quá 8 g một ngày.
Liều dùng thông thường cho người lớn để điều trị viêm loét dạ dày mạn tính:
Bạn dùng 1 g uống 4 lần một ngày hoặc dùng 2 g uống trong 4-8 tuần hoặc có thể trong 12 tuần nếu cần thiết. Liều duy trì 1 g để ngăn tình trạng tái phát. Liều tối đa là 8 g một ngày.
Liều dùng thuốc sucralfat cho trẻ em như thế nào?
Liều dùng thông thường cho trẻ em để điều trị dự phòng xuất huyết tiêu hóa loét do stress, điều trị viêm loét dạ dày mạn tính:
Bạn cho trẻ dùng liều lượng tùy theo độ tuổi của trẻ như sau:
Trẻ 1 tháng đến 2 tuổi, bạn cho trẻ dùng 250 mg uống 6 lần một ngày;
Trẻ 2-12 tuổi, bạn cho trẻ dùng 500 mg uống 4-6 lần một ngày;
Trẻ 12-18 tuổi, bạn cho trẻ dùng 1 g uống 4-6 lần một ngày.
Cách dùng
Cách dùng
Bạn nên dùng thuốc sucralfat như thế nào?
Bạn nên sử dụng sucralfat theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiểm tra nhãn trên thuốc để được hướng dẫn dùng thuốc chính xác.
Bạn nên dùng sucralfat bằng cách uống khi đói bụng, ít nhất trước 1 giờ hoặc 2 giờ sau khi ăn. Bạn không nên dùng thuốc kháng axit ít nhất 30 phút trước hoặc sau uống sucralfat.
Bạn có thể mất 4-8 tuần để chữa lành hoàn toàn các vết loét. Vì vậy, bạn nên tiếp tục dùng sucralfat ngay cả khi bạn cảm thấy khỏe hơn và đừng bỏ qua bất kỳ liều thuốc nào.
Đừng dùng sucralfate tại cùng thời điểm như các loại thuốc khác mà hãy dùng sucralfat ít nhất 2 giờ sau khi các loại thuốc khác. Nếu bạn không chắc chắn về thời gian dùng thuốc sucralfat, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Bạn nên làm gì trong trường hợp khẩn cấp hoặc dùng quá liều?
Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.
Bạn nên làm gì nếu quên một liều?
Nếu bạn quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Lưu ý rằng không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tác dụng phụ
Tác dụng phụ
Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc sucralfat?
Thuốc sucralfat có thể gây ra những tác dụng phụ, chẳng hạn như:
Táo bón;
Phát ban;
Ngứa;
Khó thở hoặc khó nuốt;
Sưng mặt, cổ họng, lưỡi, hoặc môi.
Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Cảnh báo
Thận trọng/Cảnh báo
Trước khi dùng thuốc sucralfat bạn nên biết những gì?
Trước khi dùng thuốc sucralfat, bạn nên báo với bác sĩ nếu:
Bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Bởi vì nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ;
Bạn đang dùng bất cứ loại thuốc khác, kể cả những thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn, sản phẩm thảo dược hoặc thực phẩm chức năng;
Bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc sucralfat hoặc bất kỳ thuốc nào khác.
Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)
Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Tương tác
Tương tác thuốc
Thuốc sucralfat có thể tương tác với thuốc nào?
Thuốc này có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc khác mà bạn đang dùng hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Để tránh tình trạng tương tác thuốc, tốt nhất là bạn viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ xem. Để đảm bảo an toàn khi dùng thuốc, bạn không tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.
Những thuốc có thể tương tác với thuốc sucralfat bao gồm:
Muối citrate hoặc thuốc chứa nhôm (ví dụ như một số thuốc kháng axit), đặc biệt ở những bệnh nhân mắc bệnh thận – vì bạn có thể gặp tác dụng phụ do tích tụ nhôm;
Penicillamine hoặc hormon tuyến giáp (ví dụ như levothyroxin) – vì sucralfat có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc này.
Thuốc sucralfat có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?
Thuốc sucralfat có thể tương tác với thức ăn hoặc rượu và làm thay đổi hoạt động thuốc hoặc làm tăng nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá trước khi dùng thuốc.
Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc sucralfat?
Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Bạn nên báo cho bác sĩ biết nếu mình có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:
Bệnh thân hoặc đang thẩm phân;
Tắc nghẽn đường tiêu hóa;
Khó nuốt.
Bảo quản
Bảo quản thuốc
Bạn nên bảo quản thuốc sucralfat như thế nào?
Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì, hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.
Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.
Dạng bào chế
Dạng bào chế
Thuốc sucralfat có những dạng và hàm lượng nào?
Thuốc sucralfat có dạng viên nén và hàm lượng 1 g.
Nguồn tham khảo
Sucralfat, http://www.webmd.com/drugs/2/drug-5254-68/sucralfate-oral/sucralfate—oral/details#uses
Sucralfat, https://www.drugs.com/cdi/sucralfate.html
Sucralfat, https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a681049.html