Mục lục:

5 vấn đề cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh

Tim bẩm sinh là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, tỷ lệ mắc tim bẩm sinh hiện nay là 8-10/1000 trẻ. Chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh là một điều không dễ dàng. Làm sao để người bệnh khỏe mạnh, phát triển bình thường, đủ sức khỏe để thực hiện các can thiệp phẫu thuật là sự băn khoăn của không ít bậc cha mẹ. Bài viết sau đây sẽ đưa ra những hướng dẫn quan trọng trong chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh nhằm giúp cha mẹ chăm sóc trẻ đúng cách.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Vệ sinh răng miệng cho trẻ bị tim bẩm sinh

Khi trẻ bị tim bẩm sinh, nguy cơ nhiễm khuẩn Tim mạch hay còn gọi là viêm nội tâm mạc cũng tăng lên. Đây là tình trạng vi khuẩn từ các vùng khác qua máu xâm nhập vào các khu vực trong tim. Viêm nội tâm mạc có thể gây các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Để ngăn ngừa nhiễm khuẩn này, vệ sinh răng miệng cho trẻ để phòng tránh các Nhiễm trùng răng miệng là hết sức quan trọng.

Các biện pháp vệ sinh răng miệng cho trẻ bị Tim bẩm sinh cần phù hợp theo độ tuổi như sau:

1.1. Trẻ từ 6-12 tháng tuổi

Các bậc cha mẹ nên bắt đầu khám răng miệng cho trẻ bị tim bẩm sinh tử 6-12 tháng tuổi. Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng cách đánh răng cho trẻ khi răng sữa vừa mọc, sử dụng bàn chải đầu nhỏ, lông mềm. Khi trẻ 1 tuổi cho trẻ cai bú mẹ (và/hoặc bú bình). Khi trẻ tập đi, cha mẹ cần theo sát trẻ để tránh té ngã gây Chấn thương răng.

1.2. Trẻ > 12 tháng tuổi

Khi trẻ lớn hơn 1 tuổi, cha mẹ phải đánh răng thường xuyên sau mỗi khi bú, ăn, buổi sáng thức dậy và trước khi đi ngủ. Lựa chọn loại kem đánh răng phù hợp với độ tuổi của trẻ. Phải luôn súc miệng sau khi uống những loại nước có đường như nước trái cây, si-rô. Tuy nhiên, cha mẹ phải hạn chế hết mức việc trẻ ăn quà vặt. Về ăn uống, cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ chén đũa, bữa ăn riêng, không cho trẻ ăn uống với người khác thậm chí là người trong gia đình để tránh nguy cơ bị lây bệnh.

5 vấn đề cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh - ảnh 1
Bố mẹ nên tập thói quen vệ sinh răng miệng cho trẻ càng sớm càng tốt

1.3. Trẻ 4-5 tuổi:

Khi trẻ lớn hơn, khoảng 4-5 tuổi, cha mẹ nên dạy trẻ cách tự đánh răng. Hướng dẫn trẻ đánh răng trong khoảng hai phút, làm sạch nhẹ nhàng tất cả các bề mặt của răng. Thay đổi bàn chải đánh răng cho trẻ mỗi ba tháng hoặc sớm hơn khi thấy bàn chải bị sờn lông.

Khám nha sĩ cho trẻ định kỳ mỗi 6 tháng để có kế hoạch theo dõi và phòng các bệnh răng miệng. Nếu trẻ cần nhổ răng, Cắt amidan hoặc làm các thủ thuật răng miệng khác, cha mẹ cần báo cho bác sĩ biết về bệnh lý tim mạch của trẻ để bác sĩ có biện pháp dự phòng nhiễm khuẩn, tránh nguy cơ nhiễm trùng.

2. Dinh dưỡng cho trẻ bị tim bẩm sinh

Trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị Suy dinh dưỡng vì nhu cầu năng lượng của trẻ cao hơn bình thường trong khi sự hấp thu lại kém. Nguyên nhân là do trẻ mệt mỏi, thở nhanh nên biếng ăn, hệ tiêu hóa của trẻ lại yếu. Để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ bị tim bẩm sinh, cha mẹ cần lưu ý:

  • Cho trẻ sử dụng sữa hoặc thực phẩm giàu năng lượng do nhu cầu của trẻ bị tim bẩm sinh cao hơn trẻ bình thường từ 120-170 kcal/kg/ngày. Cung cấp đầy đủ các nhóm chất, bổ sung sắt khi thiếu máu, bổ sung vitamin khi có chỉ định của bác sĩ. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày.
5 vấn đề cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh - ảnh 2
Bổ sung nhiều thực phẩm chứa Kali giúp ngăn ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ
  • Đối với trẻ còn đang bú mẹ, cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, mỗi lần một lượng vừa đủ, không nên để trẻ bú lâu vì trẻ dễ bị mệt và sặc sữa. Mẹ không được cho bé bú khi nằm mà phải bế bé lên và giữ đầu của bé cao. Sau khi bú xong, mẹ nên vỗ ợ hơi cho trẻ trước khi đặt nằm xuống. Cho trẻ nằm nghiêng sau khi bú vì nếu trẻ có bị ọc sữa thì không tràn vào mũi gây sặc.
  • Với trẻ đã ăn dặm thì cũng nên cho trẻ ăn từng ít một. Đối với trẻ đã lớn ăn cơm thì cho bé ăn nhạt, chế độ ăn có nhiều rau, trái cây để cung cấp nhiều vitamin và chống táo bón.

Bổ sung các thực phẩm giàu Kali như chuối, cam, đu đủ, nước dừa,... khi trẻ sử dụng thuốc lợi tiểu gây mất Kali. Những trẻ lớn bị suy tim nên hạn chế uống nước, chỉ uống nước khi khát. Còn những trẻ bẩm sinh có tim, máu bị cô đặc nhiều thì nên uống nhiều nước.

3. Cách chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh để phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp

Trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, để phòng tránh các bệnh lý này, cha mẹ cho trẻ tiêm đủ các vắc-xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm vắc-xin phế cầu. Riêng vắc-xin cúm cần được tiêm định kỳ hàng năm.

Bên cạnh đó, cần chú ý giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh. Đeo khẩu trang khi ra đường, tránh trẻ tiếp xúc với thuốc lá, không khí ô nhiễm,... Không cho trẻ bị tim bẩm sinh tiếp xúc gần với trẻ bị bệnh đường hô hấp.

Nếu thấy trẻ có nhiễm biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp như ho, thở nhanh, khò khè,... thì đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

5 vấn đề cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh - ảnh 3
Trẻ cần được tiêm vắc-xin đúng liều lượng

4. Cho trẻ bị tim bẩm sinh hoạt động thể lực hợp lý

Tập cho trẻ vận động hợp lý, vừa sức là một cách chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh, giúp trẻ nâng cao sức khỏe. Hầu hết trẻ bị tim bẩm sinh có thể vận động, vui chơi như bình thường. Các môn thể thao như đi bộ, bơi, xe đạp,.. được chứng minh là có lợi cho sức khỏe của trẻ. Vận động giúp trái tim trẻ thích nghi, trẻ có thể tận hưởng cuộc sống bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Trẻ bị tim bẩm sinh chỉ cần tránh các môn thể thao đòi hỏi nhiều sự gắng sức như bóng đá, bóng rổ, chạy cự li dài, các môn thể thao đối kháng như boxing, võ thuật,... Khi tuổi ở độ tuổi đi học, cha mẹ nên liên hệ nhà trường để xin miễn cho trẻ những hoạt động cần gắng sức nhiều.

5. Cho trẻ sử dụng thuốc điều trị theo đúng chỉ định và tái khám theo lịch

Trong chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh, việc tuân thủ điều trị là rất quan trọng. Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý tăng giảm liều hay ngưng thuốc mà không được sự cho phép của bác sĩ. Việc uống thuốc không hợp lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Trong quá trình điều trị nếu có bất kỳ triệu chứng gì bất thường, gia đình cần thông báo ngay cho bác sĩ.

Trẻ bị tim bẩm sinh cần tái khám định kỳ, tùy theo tình trạng của trẻ mà bác sĩ sẽ hẹn tái khám mỗi tháng, 2 tháng, 3 tháng hay 6 tháng. Cha mẹ cần đưa trẻ khám theo lịch dù sức khỏe trẻ bình thường. Việc tái khám có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ giúp bác sĩ đánh giá diễn biến bệnh, điều chỉnh phương pháp điều trị cho phù hợp với trẻ.

Đặc biệt cần đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ có các triệu chứng bất thường như Sốt cao, tiêu chảy, bú kém hoặc bỏ ăn, bỏ bú, bứt rứt, vật vã, lơ mơ, thở nhanh, Ho nhiều, khó thở, xanh xao, da tím, vã mồ hôi nhiều, chi lạnh...

Bệnh tim bẩm sinh là nhóm bệnh lý tương đối phức tạp trong chuyên khoa tim mạch, cả về sinh lý bệnh và nguyên tắc điều trị. Do đó, việc chăm sóc trẻ mắc bệnh tim cần được lưu tâm và thăm khám định kỳ, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung