Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

7 điều cần biết về Vắc xin HPV

11/11/2021
7 điều cần biết về Vắc xin HPV

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến cáo nên tiêm vắc-xin HPV cho trẻ vị thành niên ( 11 đến 12 tuổi), trước khi hoạt động tình dục là cách hiệu quả nhất phòng chống nhiễm virus HPV, đây là virus có liên quan đến một số bệnh ung thư, như ung thư cổ tử cung.

1. Vắc-xin HPV là gì?

Vắc-xin HPV là vắc-xin bảo vệ chống nhiễm trùng virus papilloma ở người (HPV). HPV là một nhóm gồm hơn 200 loại virus liên quan, trong đó hơn 40 loại lây lan qua quan hệ Tình dục trực tiếp. Trong số này, hai loại HPV gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục và khoảng một chục loại HPV có thể gây ra một số loại ung thư nhất định cổ tử cung, hậu môn, hầu họng, dương vật, âm hộ và âm đạo.

Ba loại vắc-xin ngăn ngừa nhiễm trùng các loại vi-rút HPV gây bệnh được cấp phép sử dụng tại Hoa Kỳ gồm: Gardasil®, Gardasil® 9 và Cervarix®. Tất cả ba loại vắc-xin này đều ngăn ngừa nhiễm vi-rút HPV loại 16 và 18, hai loại vi-rút có nguy cơ cao gây ra khoảng 70% bệnh Ung thư cổ tử cung và tỷ lệ cao hơn so với một số bệnh ung thư do vi-rút gây ra khác.

7 điều cần biết về Vắc xin HPV - ảnh 1
Virus HPV 16-18 là nguy cơ chính gây ung thư cổ tử cung

2. Ai nên tiêm vắc-xin HPV?

Ủy ban Tư vấn về Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung tâm Kiểm soát và Chủng ngừa (ACIP) xây dựng các khuyến nghị về tiêm Vắc-xin HPV như sau:

2.1 Trẻ em và người lớn từ 9 đến 26 tuổi

Tiêm vắc-xin HPV thường xuyên được khuyến nghị ở tuổi 11 hoặc 12 tuổi (cả trẻ nam và nữ); thậm chí có thể bắt đầu sớm nhất là lúc 9 tuổi.

2.2 Người lớn từ 27 đến 45 tuổi

Mặc dù vắc-xin HPV được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn sẽ được tiêm cho đến tuổi 45, nhưng vắc-xin HPV không được khuyến nghị cho tất cả người trưởng thành từ 27 đến 45 tuổi.

Thay vào đó, ACIP khuyến nghị các bác sĩ lâm sàng nên cân nhắc thảo luận với người bệnh trong độ tuổi này xem xét liệu tiêm vắc-xin HPV có phù hợp với họ hay không. Tiêm vắc-xin HPV ở độ tuổi này mang lại ít lợi ích hơn vì nhiều người đã tiếp xúc với vi-rút HPV.

2.3 Người đang mang thai

Không có bằng chứng cho thấy Tiêm chủng sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, sản phụ có thể chờ sau khi sinh xong và đi tiêm loại vắc-xin này.

7 điều cần biết về Vắc xin HPV - ảnh 2
Sản phụ không nên tiêm chủng trong thai kỳ

3. Cần bao nhiêu liều vắc-xin HPV?

Số liều của vắc-xin HPV có từ 2 đến 3 mũi tiêm. ACIP hướng dẫn lịch trình dùng thuốc khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi của từng cá nhân. Trẻ em bắt đầu loạt vắc-xin trước 15 tuổi chỉ cần hai liều để đạt được hiệu quả bảo vệ hoàn toàn. Những người từ 15 tuổi trở lên và người có một số điều kiện làm suy yếu hệ thống miễn dịch cần ba liều thì mới có hiệu lực bảo vệ đầy đủ.

4. Vắc-xin HPV hoạt động như thế nào?

Giống như các loại vắc-xin khác giúp cơ thể chống lại nhiễm virus, vắc-xin HPV kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể và trong tương lai, khi cơ thể có nguy cơ tiếp xúc với các loại vi-rút HPV, kháng thể sẽ liên kết với vi-rút và ngăn chặn nó lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh khác.

Các vắc-xin HPV hiện tại dựa trên các vi sinh vật có cấu trúc giống virus (Virus-like particles, VLPs) được hình thành bởi các thành phần bề mặt của HPV. Các VLP không lây nhiễm vì chúng thiếu ADN của virus. Tuy nhiên, chúng gần giống với virus tự nhiên và các kháng thể chống lại VLP cũng có hoạt động chống lại virus tự nhiên. Các VLP tạo được mức độ sản xuất kháng thể cao trong cơ thể, do đó làm cho vắc-xin có hiệu quả cao.

Tuy nhiên, các vắc-xin HPV không giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, cũng như không điều trị các bệnh nhiễm trùng hiện có hoặc bệnh do vi-rút gây ra.

7 điều cần biết về Vắc xin HPV - ảnh 3
Vắc-xin HPV không giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục khác

5. Tại sao tiêm vắc-xin HPV lại quan trọng?

Kết hợp giữa tiêm vắc-xin HPV và sàng lọc cổ tử cung là cách bảo vệ tốt nhất chống lại ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, tiêm chủng là can thiệp y tế công cộng đã được chấp thuận để giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư liên quan đến virus HPV tại các cơ quan khác ngoài cổ tử cung.

Tiêm vắc-xin HPV rộng rãi có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới lên tới 90%. Ngoài ra, vắc-xin có thể làm giảm số lần sàng lọc và chăm sóc y tế, sinh thiết và các thủ tục xâm lấn liên quan đến theo dõi sàng lọc các trường hợp cổ tử cung bất thường, do đó giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và lo lắng liên quan đến các thủ tục theo dõi.

6. Phụ nữ đã được tiêm vắc-xin HPV thì có cần sàng lọc ung thư cổ tử cung không?

Vắc-xin HPV không bảo vệ chống lại tất cả các loại vi-rút HPV có thể gây ung thư, do đó, phụ nữ đã được tiêm vắc-xin HPV vẫn nên tuân theo các khuyến cáo sàng lọc giống như phụ nữ chưa được tiêm chủng.

7 điều cần biết về Vắc xin HPV - ảnh 4
Phụ nữ vẫn nên thường xuyên đi sàng lọc để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

7. Tiêm vắc-xin HPV có an toàn không?

Trước khi được cấp phép, cả ba loại vắc-xin HPV đã được kiểm tra về tính an toàn và hiệu quả ở hàng chục ngàn người ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác. Kể từ khi được sử dụng đến nay, hàng triệu cá nhân đã được tiêm phòng và cho đến nay, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xuất hiện do vắc-xin gây ra. Các vấn đề phổ biến nhất là đau nhức trong thời gian ngắn và các triệu chứng tại vị trí tiêm.