9 triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản thường phát triển thầm lặng, tạo cho người bệnh tâm lý chủ quan, đánh giá sai lầm về tính chất bệnh. 9 triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản bạn không thể bỏ qua.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt
  • Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm men tiêu hóa, hơi, thức ăn,...) trào ngược lên thực quản, gây tổn thương các mô thực quản, thanh quản, miệng,...
  • Nếu các triệu chứng Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra với tần suất trên 2 lần/tuần thì bệnh nhân được xác định mắc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
  • Những yếu tố nguy cơ gây trào ngược dạ dày thực quản là: Vấn đề trên cơ thắt thực quản dưới, ăn quá nhiều, nằm xuống ngay sau khi ăn, thừa cân, béo phì, ăn khuya, ăn một số thực phẩm kích thích trào ngược (cam quýt, bạc hà, tỏi, hành tây, đồ cay, béo), uống một số đồ uống gây kích thích trào ngược (rượu, bia, đồ uống có ga, trà, cà phê), hút thuốc, mang thai, sử dụng một số loại thuốc (aspirin, ibuprofen, thuốc giãn cơ, thuốc huyết áp),...
  • Nếu trào ngược dạ dày thực quản không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách thì sẽ gây ra các biến chứng như viêm loét dạ dày, viêm thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.

2. 9 triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản

2.1 Ợ nóng khi nằm

  • Axit trong dạ dày sẽ trào lên thực quản nhiều hơn nếu bệnh nhân đang nằm hoặc cúi xuống - gây ợ nóng.
  • Cơ chế này là do khi đứng thẳng, trọng lực của cơ thể giữ thức ăn nằm yên trong dạ dày. Nhưng khi trọng lực giảm do nằm xuống, hiện tượng trào ngược dạ dày sẽ dễ xảy ra hơn.
  • Axit dạ dày tạo cảm giác nóng rát từ xương ức lan tới cổ họng và khiến người bệnh có cảm giác chua ở miệng. Đây là một dấu hiệu cơ bản giúp xác định bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Và để giảm ợ nóng, bệnh nhân nên kê cao đầu khi ngủ và không nên ăn nhiều trước khi đi ngủ;

2.2 Đau tức vùng ngực

Xảy ra do axit trong dạ dày và đôi khi cả thức ăn trào lên thực quản, làm người bệnh bị căng tức, khó chịu vùng ngực. Bệnh nhân có thể gặp cơn đau nặng, nhẹ, dài hoặc ngắn;

2.3 Đau họng sau khi ăn

Hiện tượng đau họng sau khi ăn, đặc biệt là sau khi ăn nhiều thường do dạ dày bị quá tải, làm cho dịch vị và thức ăn bị trào ngược lên thực quản. Với những người bị trào ngược dạ dày thực quản, tốt nhất không nên ăn quá nhiều, hạn chế thực phẩm giàu chất béo, không hút thuốc lá và uống rượu để giảm nhẹ triệu chứng này;

2.4 Đắng miệng

Ở một số bệnh nhân, trào ngược dạ dày làm cho van môn vị bị đóng mở quá mức, dịch mật trào ngược từ tá tràng vào dạ dày, theo dịch dạ dày lên thực quản, vào tới khoang miệng gây đắng miệng. Nếu gặp triệu chứng này, đặc biệt là vào ban đêm thì bệnh nhân nên sớm đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác;

2.5 Buồn nôn

Nếu bệnh nhân cảm thấy nôn nao không rõ nguyên nhân, đặc biệt là sau khi ăn thì có thể là do họ mắc bệnh trào ngược. Hiện tượng này là do dạ dày co thắt liên tục đẩy axit và thức ăn ra ngoài, khiến người bệnh buồn nôn và bị nôn ói;

2.6 Khàn giọng, ho, hen

Axit dạ dày trào ngược lên thực quản sẽ gây viêm dây thanh quản. Ho do trào ngược có thể trở thành mãn tính và lâu dần dễ chuyển biến thành bệnh hen.

Vì vậy, khi bị khàn giọng hay đau họng, đặc biệt là khi triệu chứng này xuất hiện sau khi ăn hoặc đi kèm với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi thì bệnh nhân nên thận trọng vì đây là một trong những biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản;

2.7 Nóng dạ dày

Người bị trào ngược dạ dày có cảm giác nóng cồn cào trong bụng. Hiện tượng này là do lượng axit nhiều gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm dạ dày bị tổn thương, sinh sôi nhiều vi khuẩn có hại, sinh ra nhiệt lượng lớn, gây nóng rát dạ dày;

2.8 Tiết nhiều nước bọt

Tiết nhiều nước bọt cũng là một triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất phổ biến. Khi bị trào ngược dạ dày, cơ thể phản ứng tiết nhiều nước bọt để trung hòa axit dạ dày.

2.9 Khó nuốt

Trào ngược dạ dày thực quản lặp lại nhiều lần sẽ làm tổn thương niêm mạc thực quản, gây viêm mô thực quản, dẫn tới hẹp thực quản và bệnh nhân sẽ có biểu hiện khó nuốt.

Ngay khi xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ trào ngược dạ dày thực quản như trên, bệnh nhân nên nhanh chóng đi khám bác sĩ để được xác định chính xác vấn đề sức khỏe mà mình đang gặp phải và có hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung