Mục lục:

Bệnh giang mai ở nam giới

Bệnh giang mai ở nam giới chỉ lây lan qua khi tiếp xúc trực tiếp với các vết loét trên da hay còn gọi là săng giang mai. Bệnh giang mai không lây nhiễm từ việc sử dụng chung nhà vệ sinh, nắm cửa, bể bơi, bồn tắm nước nóng, quần áo hoặc đồ dùng ăn uống chung
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh giang mai là gì?

Bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường Tình dục (sexually transmitted Infection – STI) do một loại vi khuẩn được gọi là Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn này thường được gọi là “kẻ bắt chước vĩ đại” vì rất nhiều dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Giang mai không thể phân biệt được với những bệnh khác.

2. Dấu hiệu giang mai ở nam giới?

Triệu chứng lâm sàng của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú. Bệnh giang mai ở nam giới diễn tiến qua ba thời kỳ, tùy theo từng thời kỳ mà có các triệu chứng khác nhau:

Giang mai thời kỳ thứ nhất

  • Thương tổn thường xuất hiện sau khi bị lây khoảng 3-4 tuần.
  • Đặc trưng của giang mai thời kỳ này là săng (Chancre) giang mai: là một vết trợt nông, hình tròn hoặc bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ tươi, nền cứng, thường gặp nhất là ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật..., ngoài ra có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi,...
  • Hạch: hạch bẹn sưng to, thành chùm.
  • banner image

Giang mai thời kỳ thứ hai

Bắt đầu sau khi có săng khoảng 6-8 tuần với các biểu hiện:

  • Đào ban: thân mình xuất hiện các dát đỏ hồng rải rác.
  • Sẩn giang mai với hình thái đa dạng: sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm, có thể có viền vảy xung quanh; hoặc sẩn dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoại tử, sẩn phì đại (hay ở vị trí hậu môn, sinh dục),...
  • Viêm hạch lan tỏa.
  • Rụng tóc.

Giang mai thời kỳ thứ ba

Bắt đầu khi mắc bệnh năm thứ 3 với các biểu hiện:

  • “Gôm” giang mai (ở da, cơ, xương).
  • Tổn thương tim mạch (giang mai tim mạch).
  • Tổn thương thần kinh gây Bại liệt (giang mai thần kinh).
  • Tuy nhiên không phải lúc nào bệnh cũng xuất hiện các triệu chứng như mô tả ở trên, đó là giang mai kín, và bệnh nhân phát hiện ra mình mắc bệnh qua xét nghiệm.

3. Chẩn đoán bệnh giang mai ở nam giới

Nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị giang mai, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn sẽ được bác sĩ tư vấn và dùng các biện pháp kiểm tra chẩn đoán bệnh giang mai.

Bạn có thể phải thực hiện một xét nghiệm để chẩn đoán là lấy mẫu máu. Ngay sau khi nhiễm trùng xảy ra, cơ thể sản xuất kháng thể chống giang mai và các kháng thể này có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu một cách an toàn và chính xác. Một lượng kháng thể thấp sẽ vẫn còn trong máu trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, ngay cả sau khi bệnh đã được điều trị thành công.

Bác sĩ có thể lấy mẫu từ vết loét để xác định xem vi khuẩn giang mai có hiện diện hay không. Trường hợp bác sĩ nghi ngờ rằng bạn đang gặp vấn đề về hệ thần kinh do giang mai giai đoạn cuối, bạn có thể cần phải xét nghiệm dịch não tủy bằng cách dùng kim chọc vào vùng thắt lưng hoặc tủy sống. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ lấy dịch Não tủy để có thể xét nghiệm vi khuẩn giang mai.

4. Cách điều trị bệnh giang mai ở nam giới

Bác sĩ có thể chỉ định điều trị bệnh giang mai ở nam giới trong giai đoạn sơ cấp và thứ phát bằng thuốc tiêm penicillin. Penicillin là một trong những thuốc kháng sinh được sử dụng rộng rãi nhất và thường có hiệu quả trong điều trị bệnh giang mai. Những người bị dị ứng với penicillin có thể sẽ được điều trị bằng một loại kháng sinh khác, chẳng hạn như:

  • Doxycycline
  • Azithromycin
  • Ceftriaxone

Nếu bạn bị biến chứng giang mai thần kinh, bạn sẽ được dùng penicillin đường tiêm tĩnh mạch hàng ngày. Thông thường bạn sẽ được yêu cầu nằm viện trong một khoảng thời gian. Quá trình điều trị sẽ tiêu diệt vi khuẩn giang mai và ngăn ngừa thêm thiệt hại, nhưng không chữa những tổn thương đã có, điều trị rất có thể sẽ tập trung hơn vào giảm đau và giảm các triệu chứng khó chịu. Lưu ý, không có biện pháp điều trị tại nhà hoặc sử dụng thuốc không kê đơn để điều trị bệnh giang mai.

Trong khi điều trị, bạn hãy tránh tiếp xúc tình dục cho đến khi tất cả các vết loét trên cơ thể lành và bác sĩ cho rằng hiện tại bạn đã an toàn để tiếp tục quan hệ tình dục. Người bị giang mai phải thông báo cho bạn tình của mình để họ cũng có thể được xét nghiệm và được điều trị.

5. Phòng bệnh giang mai ở nam giới như thế nào?

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục, do đó để phòng bệnh giang mai ở nam giới cần:

  • Tuyên truyền, giáo dục lối sống lành mạnh, chung thủy.
  • Giáo dục về tình dục an toàn (sử dụng bao cao su).
  • Tầm soát bệnh để điều trị sớm, tránh lây truyền bệnh.
  • Khi phát hiện có các dấu hiệu bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung