Bại liệt

Là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Polio gây ra. Có 3 thể cơ bản của bệnh bại liệt: nhiễm cận lâm sàng, thể nhẹ (không liệt) và bại liệt. Ở thể nghiêm trọng nhất, vi-rút bại liệt gây bại liệt, khó thở và đôi khi tử vong. Bệnh lây lan qua đường tiêu hóa và hô hấp.

Tên gọi khác: Poliomyelitis, Bại liệt

Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp: Đa số trường hợp nhiễm vi-rút Polio không có biểu hiện lâm sàng nhưng để lại miễn dịch đặc hiệu suốt đời. Khoảng 5% số trường hợp có biểu hiện giống cảm cúm như: mệt mỏi, nhức đầu, đỏ họng, sốt nhẹ, đau họng, nôn mửa, tiêu chảy, đau ở tay và chân. Bại liệt bất toại: nhức đầu, sốt, táo bón, đau cổ, yếu, tê liệt.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Các xét nghiệm để xác định sự lây nhiễm và mức độ của bệnh bao gồm: chọc ống sống thắt lưng, kiểm tra dịch não tủy, xét nghiệm mức độ của kháng thể với vi-rút bại liệt, nuôi cấy dịch mẫu các chất tiết họng, phân hay dịch não tủy để kiểm tra sự hiện diện của vi-rút Polio.

Điều trị

Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).

Bại liệt - Ảnh minh họa 1
Bại liệt - Ảnh minh họa 2
Bại liệt - Ảnh minh họa 3
Bại liệt - Ảnh minh họa 4

Nguyên nhân

Bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm vi-rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hoá do vi-rút Polio (Poliovirus) gây nên, có thể lan truyền thành dịch. Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp. Vi-rút Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, tại đây một số ít vi-rút Polio xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương gây tổn thương ở các tế bào sừng trước tủy sống và tế bào thần kinh vận động của vỏ não.

Tỷ lệ mắc bại liệt cao nhất ở trẻ dưới 3 tuổi, tỷ lệ này càng thấp ở những tuổi càng lớn hơn. Tuy nhiên, trong những vụ dịch gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ở lứa tuổi trên 15 tuổi tăng lên rõ rệt. Lý do khiến bại liệt hay thấy ở trẻ dưới 3 tuổi là do sự lưu hành rộng rãi của vi-rút Polio. Một số lớn trẻ đang bú mẹ hãy còn miễn dịch do mẹ truyền sang nên nếu có nhiễm vi-rút thì cũng không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt và ít để lại di chứng.

Khả năng đáp ứng miễn dịch týp sau phơi nhiễm sẽ tồn tại suốt đời, kể cả mắc bệnh thể ẩn. Vì vậy sẽ không bị bệnh lần 2 với cùng một týp vi-rút.

Trẻ nhỏ được thừa hưởng đáp ứng miễn dịch của mẹ truyền qua. Vắc-xin bại liệt được sử dụng đúng qui cách và áp dụng rộng rãi ở cộng đồng sẽ để lại miễn dịch lâu bền, góp phần quan trọng trong công tác loại trừ bệnh này.

Phòng ngừa

Tác nhân gây bệnh

  • Vi-rút bại liệt Polio (Poliovirus) là căn nguyên gây ra bệnh bại liệt, thuộc chi vi-rút đường ruột (Enterovirus) thuộc họ Picornaviridae. Vi-rút bại liệt Polio có 3 týp :

    • Týp I : Giữ vai trò chính trong gây bệnh (90%) có tên gọi là Brunhilde

    • Týp II: có tên gọi là Lansing

    • Týp III: có tên gọi là Leon

  • Hình thái: Dưới kính hiển vi điện tử, vi-rút bại liệt có hình khối cầu, không có vỏ, đường kính 27 nm bao gồm 1 protein capsid có cấu trúc bền vững bao bọc lấy ARN của vi-rút, trọng lượng phân tử 6,8 x 106 dalton.

  • Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài của vi-rút:

    • Vi-rút bại liệt sống dai ở môi trường bên ngoài. Trong phân, chúng sống được vài ba tháng ở nhiệt độ 0-4 độ C. Trong nước, ở nhiệt độ thường, chúng sống được 2 tuần.

    • Vi-rút bại liệt chịu đựng khô hanh, bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C sau 30 phút và bị tiêu diệt bởi thuốc tím. Liều clo thường dùng để diệt khuẩn nước không tiêu diệt được vi-rút bại liệt.

Nguồn truyền nhiễm

  • Ổ chứa: Người là ổ chứa duy nhất, đặc biệt là những người nhiễm vi-rút bại liệt Polio thể ẩn, nhất là trẻ em.

  • Nguồn truyền bệnh: Là bệnh nhân ở các thể lâm sàng và người lành mang vi-rút bại liệt Polio. Họ đào thải rất nhiều vi-rút bại liệt theo phân làm ô nhiễm nguồn nước và thực phẩm.

  • Thời kỳ ủ bệnh: Từ 7-14 ngày, đối với các trường hợp có dấu hiệu liệt thực thể. Tuy nhiên, thời kỳ ủ bệnh có thể dao động từ 3-35 ngày.

  • Thời kỳ lây truyền: Chưa xác định, nhưng có thể kéo dài trong thời gian vi-rút còn tồn tại trong cơ thể và đào thải ra ngoài. Sau khi xâm nhập, vi-rút có trong dịch tiết hầu họng sau 36 giờ, trong phân sau 72 giờ; ở trong phân, vi-rút thường tồn tại từ 3-6 tuần hay lâu hơn. Lây truyền có thể từ 7-10 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng.

Phương thức lây truyền

Lây truyền từ người sang người chủ yếu là qua đường phân - miệng. Vi-rút bại liệt chủ yếu từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào người qua đường ruột. Cũng có khi lây truyền qua đường hầu họng. Không bao giờ lây nhiễm qua côn trùng trung gian.

Điều trị

Biện pháp dự phòng

  • Tuyên truyền giáo dục cộng đồng vệ sinh chung, vệ sinh cá nhân. Vì bệnh bại liệt do vi-rút Polio thâm nhập qua đường ruột nên tuyên truyền tập trung vào vệ sinh nguồn nước, thực phẩm, các phương pháp giữ gìn vệ sinh bảo quản, chế biến trong ăn uống.

  • Ăn uống theo các qui định của vệ sinh an toàn thực phẩm.

  • Phòng bệnh chủ động:

    • Vắc-xin sống giảm độc lực (OPV: Oral Polio Vaccine) còn được gọi là vắc-xin Sabin sống giảm độc lực tạo ra từ các chủng vi-rút bại liệt hoang dại, là loại vắc-xin được sử dụng rất thuận lợi theo đường uống. Vắc-xin vào cơ thể đồng thời tạo được đáp ứng miễn dịch đường ruột (IgA) và đáp ứng miễn dịch dịch thể (IgG). Vì vậy, OPV không những ngăn được vi-rút bại liệt hoang dại nhân lên ở đường tiêu hoá mà còn chống được vi-rút gây bệnh lan lên hệ thống thần kinh trung ương. OPV trong khi tạo ra miễn dịch cá thể, còn tạo được miễn dịch cộng đồng khi nó đào thải ra ngoài đường tiêu hoá. Bên cạnh nhiều ưu điểm, vắc-xin Sabin vì được tạo ra từ chủng vi-rút hoang dại, nên sau quá trình sử dụng rộng rãi lâu dài vi-rút vắc-xin Sabin có xu hướng trở lại gây độc với tế bào thần kinh, gây nên bại liệt do vắc-xin, song với tỷ lệ cực thấp là một trường hợp trong hàng triệu liều vắc-xin được sử dụng.

    • Vắc-xin bất hoạt (IPV: Inactivated Polio Vaccine) còn gọi là vắc-xin Salk, chủng vi-rút được gây nhiễm trên tế bào thận khỉ tiên phát và bất hoạt bằng formalin. Vắc-xin IPV tạo miễn dịch thể (IgG) ngăn vi-rút gây bệnh xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương. Miễn dịch tại chỗ (IgA) chỉ tạo ra ở hầu họng vì vậy không ngăn được vi-rút hoang dại xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Vì vậy, IPV cũng có mặt hạn chế, mặc dầu được tiêm vắc-xin nhưng cơ thể vẫn có thể mang vi-rút, thành nguồn lây truyền ngẫu nhiên cưỡng bức. IPV chỉ tạo miễn dịch cá thể nên khó có thể sử dụng cho công cuộc thanh toán bại liệt ở những nước đang phát triển.

Biện pháp chống dịch

  • Tổ chức hệ thống giám sát dịch tễ và báo cáo

    • Giám sát trọng điểm: Tại những vùng, những điểm có nguy cơ cao và xảy ra dịch bệnh: Trạm y tế, bệnh viện khu vực, nhà trẻ, trường học. Bệnh nhân được thăm khám và báo cáo các trường hợp liệt mềm cấp nghi ngờ.

    • Giám sát bệnh và người lành mang mầm bệnh.

    • Lấy bệnh phẩm: ở các trường hợp có chẩn đoán xác định về lâm sàng, lấy đủ 2 mẫu phân cách 24-48 giờ bảo quản lạnh 4-8 độ C gửi đến phòng thí nghiệm chuẩn Quốc gia.

    • Giám sát tác nhân gây bệnh: Xây dựng và chuẩn hoá các phòng thí nghiệm đủ khả năng phân lập xác định týp huyết thanh học, hệ thống xét nghiệm sinh học phân tử để chẩn đoán phân biệt và xác định vật liệu di truyền. Phòng thí nghiệm chuẩn được Tổ chức Y tế Thế giới giám sát, kiểm tra chất lượng và cấp chứng nhận Quốc tế.

    • Xây dựng hệ thống báo cáo thường xuyên định kỳ theo tuyến từ cơ sở đến quốc gia; từ quốc gia đến khu vực và Tổ chức Y tế Thế giới.

  • Tổ chức thu dung bệnh nhân, điều trị và xử lý môi trường

    • Khi xảy ra dịch, các bệnh nhân đã được chẩn đoán lâm sàng xác định hoặc nghi ngờ mắc bệnh bại liệt được chuyển đến bệnh viện được chỉ định (khoa lây với phòng cách ly) để điều trị và theo dõi.

    • Xử lý môi trường: Xử lý địa bàn xảy ra dịch, bệnh viện nơi thu dung điều trị bệnh nhân. Áp dụng các thuốc khử trùng, tẩy uế chloramin B, formalin, các chất oxy hoá, vôi bột. Đặc biệt phải tiệt trùng quần áo, chăn màn, đồ dùng và vật dụng sinh hoạt bằng hấp khử trùng nhiệt độ cao có áp lực.