1. Mở khí quản và mục đích của mở khí quản
Mở khí quản là thủ thuật mở da, cơ cổ, rạch khí quản và đưa một ống thông vào khí quản để duy trì đường thở cho bệnh nhân. Mục đích của việc mở khí quản là tạo một đường dẫn khí ngắn hơn thông thường giúp giảm khoảng chết sinh lý cho bệnh nhân.
2. Mở khí quản có những loại nào?
Có 2 dạng mở khí quản cơ bản là mở khí quản cao và mở khí quản thấp.
- Mở khí quản cao: Là kỹ thuật tiếp cận khí quản ở trên eo tuyến giáp tại các vòng sụn khí quản số 1 và 2..
- Mở khí quản thấp: Là kỹ thuật mở khí quản tại các vòng sụn dưới eo tuyến giáp, (tại các vòng từ 4-6).
Đối với trường hợp cấp cứu bệnh nhân nặng thường áp dụng kỹ thuật mở khí quản cao, kỹ thuật này tương đối nhanh khi thực hiện. Ngược lại, mở khí quản thấp thường áp dụng cho trường hợp bệnh nhân chỉ khó thở nhẹ, chưa đến mức đe dọa ngạt, kỹ thuật này đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề thành thạo và tốn thời gian hơn.
3. Chỉ định và chống chỉ định mở khí quản cấp cứu
3.1 Chỉ định
3.1.1 Chỉ định mở khí quản trong trường hợp bệnh nhân gặp các vấn đề tai- mũi- họng
- Bệnh nhân bị U lành tính hoặc u ác tính (ung thư hạ họng thanh quản ở người lớn, u nhú thanh quản đối với trẻ em).
- Bệnh nhân gặp Chấn thương họng và thanh quản.
- Sau viêm hoặc chấn thương, bệnh nhân gặp các di chứng về Sẹo hẹp thanh khí quản.
- Một số dị tật bẩm sinh ở họng hoặc thanh khí quản.
- Các dạng viêm tiến triển cấp tính ở thanh quản như: Lao thanh quản gặp ở người lớn hoặc Bạch hầu thanh quản thường gặp ở trẻ em.
- Bệnh nhân gặp dị vật cản trở đường thở.
- Các dạng liệt thường gặp ở thanh quản như: Liệt cơ mở, liệt hồi quy,..
3.1.2 Chỉ định mở khí quản thuộc phạm vi hồi sức hô hấp
- Mở khí quản cho bệnh nhân mắc bệnh thần kinh trung ương mà có biểu hiện hô hấp (suy hô hấp do bệnh tích Não trung ương, hình thái hành tủy gặp phải trong Bại liệt ở trẻ em,...).
- Mở khí quản cho bệnh nhân bị ứ đọng đờm và xuất tiết trong khí quản do hôn mê kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau
- Bệnh nhân mắc Uốn ván có kết hợp cứng hàm gây khó nuốt, cần phải mở khí quản đề phòng cơn co thắt thanh môn.
- Bệnh nhân bị Nhược cơ có biểu hiện hô hấp cũng cần được mở khí quản.
- Mở khí quản cấp cứu trong trường hợp bệnh nhân suy hô hấp nặng hoặc mãn tính.
- Mở khí quản cho bệnh nhân cần phẫu thuật như phẫu thuật lồng ngực, phẫu thuật tim mở, phẫu thuật thần kinh (ở một số bệnh của hố não sau và tuỷ sống).
Trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân nặng như: Chấn thương ở lồng ngực, sọ não, hoặc những vết thương hàm mặt nặng, Bỏng nặng... khi đó mở khí quản được xem là cần thiết vì giúp tạo điều kiện hồi sức và kéo dài thêm thời gian để có thể di chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế cấp cứu.
3.2 Chống chỉ định
Trong trường hợp cấp cứu đặc biệt là cấp cứu bệnh nhân nặng, mở khí quản không có chống chỉ định.