Bệnh tay chân miệng ở trẻ bao lâu thì khỏi?

Khi phát hiện dấu hiệu của tay chân miệng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để chẩn đoán và xử trí kịp thời vì nếu chậm trễ hoặc chữa trị không đúng cách thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao, nhất là trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Tay chân miệng là bệnh gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm do virus gây ra, đặc trưng bởi dấu hiệu Sốt và phát ban, thường thấy nhất ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng. Các loại virus gây bệnh tay chân miệng có tên là coxsackievirus a16 và enterovirus 71, chúng được gọi chung là coxsackie virus.

Đối tượng mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi, phần đông bệnh Nhi dưới 5 tuổi. Các trung tâm chăm sóc trẻ em là môi trường dễ bùng phát dịch tay chân miệng vì bệnh nhiễm dễ dàng lây lan qua tiếp xúc giữa người với người và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Tốc độ lây lan virus bệnh khá nhanh, đôi khi bệnh cảnh trở nên nguy hiểm với các biến chứng như trụy mạch, phù phổi cấp, viêm màng não, Viêm cơ tim,... nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.

2. Khả năng lây lan của tay chân miệng

Trẻ em thường phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên đối với bệnh tay chân miệng khi chúng lớn lên bằng cách tạo ra kháng thể sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Tuy nhiên, thanh thiếu niên và người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh, mặc dù tỷ lệ mắc ở nhóm đối tượng này khá thấp.

Trẻ em có nguy cơ mắc tay chân miệng thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ trẻ mắc bệnh khi ho, hắt hơi hoặc gián tiếp thông qua vật dụng bị nhiễm virus, chẳng hạn như đồ chơi, máy tính bảng, bàn ghế và tay nắm cửa. Bệnh có xu hướng lây lan mạnh nhất và đạt đỉnh vào mùa hè và mùa thu. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở các trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân kém và thường tiếp xúc với nhiều trẻ khác ở nơi đông người, như nhà trẻ, khu vui chơi.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ bao lâu thì khỏi? - ảnh 1
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm do virus gây ra, đặc trưng bởi dấu hiệu Sốt và phát ban

3. Bệnh tay chân miệng ở trẻ bao lâu thì khỏi?

Thời gian ủ bệnh tay chân miệng từ 3 - 7 ngày. Khi mới phát bệnh, trẻ sơ sinh và trẻ em có những dấu hiệu tương tự như Cảm cúm thông thường, như mệt mỏi, đau họng, sốt nhẹ. Sau 2 ngày, những biểu hiện này giảm đi, khi đó dấu hiệu của bệnh tay chân miệng mới bắt đầu xuất hiện. Thông thường, những vết mụn nước, lở loét sẽ tự biến mất sau 1 - 2 tuần kể từ thời điểm khởi phát bệnh.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ bao lâu thì khỏi phụ thuộc vào khả năng miễn dịch và tình trạng sức khỏe của từng trẻ. Mặc dù các dấu hiệu của bệnh không còn nữa nhưng virus vẫn có khả năng tồn tại trong cơ thể trẻ trong nhiều tuần sau đó.

Do đó, để tránh lây bệnh sang các bé khác, bố mẹ nên cách ly con mình từ 7 đến 10 ngày, khi đó bé sẽ khỏe hẳn và được xem là khỏi bệnh hoàn toàn, gần như không còn khả năng lây truyền bệnh.

4. Chẩn đoán tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh nhiễm gây ra triệu chứng lở loét miệng. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ có thể xác định dấu hiệu Loét miệng do bệnh tay chân miệng gây ra bằng cách xem xét:

  • Độ tuổi của bệnh nhi;
  • Những triệu chứng mắc phải;
  • Biểu hiện phát ban và loét miệng.

Đôi khi bác sĩ sẽ tiến hành thu thập mẫu bệnh phẩm từ cổ họng hoặc phân của bé, sau đó gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra sự có mặt của virus.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ bao lâu thì khỏi? - ảnh 2
Chẩn đoán tay chân miệng thông qua các dấu hiệu lâm sàng

5. Bệnh tay chân miệng và cách điều trị

Hiện nay bệnh tay chân miệng và cách điều trị là chưa có phương pháp cụ thể. Do đó, biện pháp điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng bằng những cách sau đây:

  • Sốt: Khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, cần cho dùng thuốc hạ sốt Acetaminophen (paracetamol);
  • Bổ sung đủ nước bằng nước đun sôi để nguội hoặc dung dịch điện giải (Oresol). Nếu không thể nuốt chất lỏng, phải truyền dịch cho bệnh nhi qua đường tĩnh mạch;
  • Bổ sung vitamin C, kẽm;
  • Điều trị Loét miệng họng: Có thể dùng dung dịch glycerin borat để lau sạch miệng trước và sau ăn. Sử dụng gel rơ miệng để sát khuẩn và giảm đau do loét, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn;
  • Khi có triệu chứng Não - màng não, cần chỉ định thuốc chống co giật và điều trị chuyên sâu.

Trong quá trình điều trị tay chân miệng, nếu nhận thấy các triệu chứng diễn biến bất thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được xử trí phù hợp, tránh nguy cơ để xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Mặc dù tuần đầu tiên của bệnh là thời điểm dễ lây lan nhất, nhưng virus vẫn có thể tồn tại trong cơ thể một thời gian sau đó, ngay cả khi các dấu hiệu và triệu chứng không còn nữa. Như vậy, trẻ vẫn có thể lây nhiễm cho trẻ khác sau khi điều trị khỏi bệnh. Do đó, bố mẹ cần lưu ý cách ly trẻ từ 7 - 10 ngày, khi đó kháng thể trung hòa tăng cao và virus gần như bị thải loại hoàn toàn. Nhiễm bệnh tay chân miệng có thể tạo nên kháng thể đặc hiệu chống lại virus, tuy nhiên bệnh vẫn có khả năng tái diễn do một chủng virus khác gây ra.

Bệnh tay chân miệng ở trẻ bao lâu thì khỏi? - ảnh 3
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây

6. Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Hiện tại chưa có vắc-xin phòng chống virus gây bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu và sẽ sớm phát minh ra loại vắc-xin có khả năng chủng ngừa bệnh tay chân miệng trong tương lai.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, có thể thực hiện những cách sau đây:

  • Khuyến khích và nhắc nhở trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Bố mẹ cũng cần vệ sinh tay, nhất là trước khi cho bé ăn và sau khi thay tã cho bé;
  • Làm sạch và khử trùng các bề mặt trẻ thường xuyên chạm vào (tường, nền nhà, drap trải giường, bàn ghế, tay nắm cửa) và các vật dụng của trẻ (đồ chơi, máy tính bảng).
  • Tránh những cử chỉ tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn, ôm hoặc dùng chung dụng cụ ăn uống hoặc cốc nước với những trẻ mắc bệnh tay chân miệng;
  • Cố gắng che kín miệng và mũi cho trẻ khi Ho và hắt hơi, lau mũi và miệng trẻ bằng khăn giấy dùng một lần.

Bệnh tay chân miệng phổ biến nhất ở các cơ sở chăm sóc trẻ em vì nhân viên thường xuyên phải thay tã và cho trẻ ngồi bô. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh tại nhiều cơ sở này cũng chưa được đảm bảo và không thể quản lý hết tất cả các trẻ, nhất là những khi trẻ đưa tay vào miệng sau khi chơi đùa chung với các trẻ khác.

Một số người, đặc biệt là người trưởng thành, có thể lây truyền virus tay chân miệng ngay cả khi không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh.

Cần theo dõi chặt chẽ biểu hiện sốt ở trẻ, đặc biệt là trong vùng dịch. Khi phát hiện bệnh tay chân miệng, bố mẹ cần trình bày với phía nhà trường để cách ly trẻ cho đến khi khỏi bệnh.

Nguồn tham khảo: webmd.com, cdc.gov

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung