Bệnh Viêm phần phụ có thể gây vô sinh

Viêm phần phụ là một căn bệnh phụ khoa khá phổ biến ở phụ nữ, gây ra những hiện tượng viêm nhiễm ở phần phụ bao gồm vòi trứng, buồng trứng và hệ thống dây chằng rộng. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng mang thai ngoài tử cung và gây vô sinh ở phụ nữ... Chính vì vậy hiểu và nắm rõ bệnh Viêm phần phụ, biết cách phòng bệnh sẽ giúp chị em tránh được những hậu quả đáng tiếc về sau.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Bệnh Viêm phần phụ và dấu hiệu nhận biết

Phần phụ ở phụ nữ bao gồm: Vòi trứng (vòi tử cung), buồng trứng, hệ thống dây chằng rộng. Viêm phần phụ được hiểu đơn giản là một bệnh phụ khoa gây nên hiện tượng viêm nhiễm xảy ra ở phần phụ. Viêm phần phụ thường khởi phát ở vòi trứng sau đó lan ra xung quanh.

Viêm phần phụ là hậu quả của việc quan hệ Tình dục không an toàn, giữ vệ sinh vùng kín không sạch sẽ, những biến chứng sinh đẻ như: Nạo phá thai không an toàn, nạo sót rau, bóc rau sau đẻ,... Bên cạnh đó, viêm phần phụ thường xảy ra thứ phát sau các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm nhiễm âm đạo, âm hộ, tử cung, cổ tử cung hay niêm mạc tử cung. Viêm phần phụ có hai thể là viêm phần phụ cấp tính và viêm phần phụ mãn tính.

Dấu hiệu viêm phần phụ:

  • Đau bụng dưới là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh. Viêm phần phụ sẽ tạo ra các cơn đau âm ỉ ở phần bụng dưới và nằm trong khả năng có thể chịu đựng được của chị em nên thường xuyên bị bỏ qua. Cơn đau chỉ rõ rệt hơn khi vận động mạnh. Các cơn đau ở phần bụng dưới sẽ tăng mức độ khi bệnh nặng, khi nhấn vào bụng dưới hoặc khi đang đại tiện và khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, hông cũng thường xuyên đau và mỏi ngay cả khi chưa đến kỳ kinh.
  • Sốt: Viêm nhiễm phụ khoa ở mức độ nặng cũng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, sức đề kháng giảm khiến chị em bị ốm và sốt, thường là Sốt cao, có thể lên đến 40 độ C. Trong cơn sốt, người bệnh có thể cảm thấy rùng mình, cảm giác ớn lạnh, nhiệt độ thì tăng giảm bất thường. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng Chóng mặt và buồn nôn.
  • Dịch âm đạo tiết bất thường: Viêm phần phụ cũng khiến khí hư tiết ra từ âm đạo có mùi tanh khó chịu, màu sắc khác thường (vàng hoặc xanh), dạng đặc hoặc lỏng đôi khi có cả mủ kèm theo.
  • Tiểu rắt hoặc tiểu buốt: Viêm nhiễm phần phụ kéo dài sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến những cơ quan lân cận, trong đó có cả bàng quang và niệu quản. Hai bộ phận này sẽ bị chèn ép dẫn đến các hiện tượng đái dắt, Tiểu buốt và ứ nước ở thận.
  • Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt ra nhiều trong thời kỳ hành kinh, xuất huyết bất thường, đau bụng kinh dữ dội, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài bất thường, máu kinh có màu đen, vón cục, có thể ra máu giữa chu kỳ kinh.

Bên cạnh đó, một số chị em phụ nữ còn gặp các hiện tượng đau rát vùng kín, đau khi giao hợp, đau ngang thắt lưng, rối loạn tiêu hóa, nếu để lâu viêm phần phụ có thể dẫn đến viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng máu. Nhìn chung, những dấu hiệu nhận biết viêm phần phụ khá giống so với các bệnh phụ khoa khác. Do vậy, nếu gặp phải các hiện tượng này chị em cần đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh.

Bệnh Viêm phần phụ có thể gây vô sinh - ảnh 1
Dấu hiệu nhận biết viêm phần phụ khá giống so với các bệnh phụ khoa khác

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm phần phụ

Viêm phần phụ ở phụ nữ được gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Quan hệ tình dục không an toàn là căn nguyên gây nên các bệnh phụ khoa nói chung, bao gồm phần phụ.
  • Vệ sinh không sạch sẽ vùng kín sẽ gây nên các bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, Viêm cổ tử cung và viêm phần phụ. Trong thời kỳ kinh, cổ tử cung và âm đạo của phụ nữ thường mở rộng hơn bình thường để kinh nguyệt có thể đi ra bên ngoài một cách dễ dàng. Đây cũng là thời điểm mà môi trường âm đạo thường xuyên ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh từ đó, tạo cơ hội cho các bệnh phụ khoa trong đó có viêm phần phụ hình thành và phát triển.
  • Sinh đẻ quá nhiều, nạo phá thai thường xuyên, nạo phá thai không an toàn sẽ khiến bộ phận sinh sản của chị em bị tổn thương và rất khó phục hồi. Bên cạnh đó, sau khi sinh, phá thai, Sảy thai sức đề kháng của chị em cũng giảm đi rõ rệt. Hai yếu tố này tạo điều kiện để các yếu tố gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là vùng kín có cơ hội phát triển, lây lan và gây bệnh phụ khoa, viêm phần phụ.
  • Sử dụng thủ thuật y tế không an toàn: Các thủ thuật y tế như: Đặt vòng, đặt dụng cụ tử cung,... nếu không được thực hiện đúng cách, không được vô trùng, được thực hiện bởi cán bộ y tế chưa có kinh nghiệm có thể dẫn đến Tình trạng viêm nhiễm ở các cơ quan sinh dục bao gồm cả phần phụ.
  • Trang phục không phù hợp: Thường xuyên mặc trang phục quá chật, đặc biệt là quần lót sẽ khiến cho vùng kín thường xuyên bị áp lực, ẩm ướt. Tình trạng ẩm ướt kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm xâm nhập và phát triển tại vùng kín, cụ thể là viêm âm đạo. Viêm âm đạo kéo dài có thể dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn ngược lên vòi trứng, gây viêm nhiễm và tắc vòi trứng rồi lan sang những vùng xung quanh.
  • Viêm nhiễm phụ khoa kéo dài: Các bộ phận trong cơ quan sinh dục của phụ nữ đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu một cơ quan bị viêm nhiễm không được điều trị dứt điểm, hoặc Tình trạng viêm nhiễm đã trở nặng sẽ làm ảnh hưởng đến những cơ quan sinh dục khác, trong đó có phần phụ.

3. Hậu quả khi viêm phần phụ

Viêm phần phụ được chia làm viêm phần phụ cấp tính và viêm phần phụ mãn tính. Viêm phần phụ cấp tính không được điều trị dứt điểm và kịp thời sẽ chuyển sang viêm phần phụ mãn tính. Viêm phần phụ mãn tính gây cho bệnh nhân rất nhiều khó chịu và khó có thể được điều trị khỏi hoàn toàn, vi khuẩn vẫn còn tồn tại nên thỉnh thoảng lại xuất hiện một đợt bùng phát trở lại. Chưa dừng lại ở đó, viêm phần phụ còn gây ra hàng loạt các hậu quả nguy hiểm.

  • Mang thai ngoài tử cung cao: Khi phần phụ bị viêm thì vòi trứng có nguy cơ viêm cũng rất cao. Vòi trứng bị viêm có thể dẫn tới tắc và chít hẹp làm trứng không đi đi sâu vào bên trong tử cung làm tổ. Do đó, trứng có thể làm tổ ở bên ngoài tử cung và gây ra hiện tượng mang thai ngoài tử cung, rất nguy hiểm cho người phụ nữ.
  • Vô sinh: Viêm phần phụ sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trứng, làm chất lượng trứng bị giảm. Đồng thời, viêm nhiễm vòi trứng có thể làm vòi trứng tắc hoàn toàn khiến trứng không thể gặp được tinh trùng và làm quá trình thụ thai bị cản trở. Nếu có thụ thai được nhưng chất lượng trứng không tốt cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi sau này.
  • Ảnh hưởng đến những bộ phận khác trong cơ thể, đặc biệt là bộ phận sinh dục. Nếu bệnh viêm phần phụ kéo dài sẽ khiến vi khuẩn lây lan sang các bộ phận xung quanh rồi gây bệnh ở đó và kéo theo hàng loạt các bệnh phụ khoa khác: viêm âm đạo, âm hộ, viêm tử cung thậm chí là ung thư cổ tử cung,...
  • Ảnh hưởng đến chất lượng sống: Viêm phần phụ kéo dài khiến cho cơ thể người bệnh bị suy nhược, thường xuyên mệt mỏi, ốm vặt, có cảm giác buồn nôn và nôn.
  • Viêm phần phụ có thể viêm phúc mạc tiểu khung, viêm phúc mạc toàn thể, nhiễm trùng máu và có thể dẫn đến tử vong.

Viêm phần phụ cần được điều trị sớm để có thể ngăn chặn những hậu quả này như đã được chia sẻ ở trên. Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm (dạng uống hoặc dạng đặt ở âm đạo). Các loại thuốc này có công dụng diệt khuẩn, diệt các tác nhân gây viêm nhiễm, phẫu thuật nội soi khi điều trị nội khoa khối viêm giảm ít hoặc khối viêm chuyển sang mãn tính.

4. Phòng ngừa viêm phần phụ

Phòng ngừa các bệnh phụ khoa nói chung và bệnh viêm phần phụ nói riêng là điều cần làm mỗi ngày của các chị em. Cách phòng ngừa khá đơn giản và dễ thực hiện nhưng quan trọng là chị em cần nắm rõ và thực hiện hàng ngày.

  • Vệ sinh vùng kín mỗi ngày, không lạm dụng các chất tẩy rửa vùng kín. Cần đặc biệt quan tâm vệ sinh vùng kín trong thời gian hành kinh, sau khi thực hiện nạo phá thai.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Điều trị dứt điểm các bệnh phụ khoa như viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm âm đạo... để tránh tình trạng nhiễm khuẩn ngược dẫn đến viêm phần phụ.
  • Đi khám phụ khoa định kỳ. Quan tâm, chăm sóc và lắng nghe cơ thể mỗi ngày, nếu có những biểu hiện bất thường như rối loạn kinh nguyệt, vùng kín có mùi khó chịu, đau bụng thường xuyên nên đi gặp bác sĩ.

Để giúp khách hàng dự phòng các bệnh lý phụ khoa cũng như có thể phát hiện, điều trị kịp thời, Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được xây dựng dành cho đối tượng khách hàng:

  • Khách hàng nữ có những triệu chứng bất thường như: Chảy máu bất thường vùng âm đạo; Gặp vấn đề về kinh nguyệt; Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi, màu sắc khác bình thường); Đau, Ngứa vùng kín....
  • Khách hàng nữ có một vài yếu tố nguy cơ như vệ sinh cá nhân không tốt, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai,...
  • Khách hàng nữ có triệu chứng viêm nhiễm khác.

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung