1. Các biến chứng có thể gặp sau chọc hút trứng
Sau khi điều trị bằng hormone để kích thích buồng trứng tạo ra nhiều trứng cùng một lúc, các bác sĩ hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm sẽ chọc hút lấy những quả trứng đã đạt độ chín mùi ra ngoài.
Thủ thuật chọc hút trứng sẽ diễn ra trong khoảng 36 giờ sau khi tiêm gonadotropin màng đệm ở người (hCG), báo hiệu cho các nang trứng chuẩn bị rụng trứng. Trong quá trình rụng trứng, một nang trứng sẽ vỡ ra và tống trứng ra khỏi túi nang. Sau đó, trứng sẽ nhanh chóng được hút vào loa vòi, đi qua ống dẫn trứng hướng về phía tử cung. Chính vì thế, việc lấy trứng phải được hẹn giờ chính xác để có thể kịp bắt lấy trứng ngay trước khi chúng bắt đầu hành trình này, tại thời điểm chúng đã sẵn sàng thụ tinh nhưng vẫn ở trong nang và có thể dễ dàng quan sát thấy dưới siêu âm.
Để lấy trứng, bác sĩ sẽ đặt một thiết bị vào âm đạo nhằm đẩy kim qua thành âm đạo và vào buồng trứng. Tất cả các thao tác đều được hướng dẫn bởi siêu âm. Một khi đầu kim đã nằm trong buồng trứng, bác sĩ sẽ điều chỉnh kim chọc thủng lần lượt các nang trứng. Khi kim nằm trong nang, máy hút sẽ hút toàn bộ dịch nang theo kim cho vào ống nghiệm. Cuối cùng, các bác sĩ sẽ tìm trong chất lỏng lấy được từ các nang trứng để tìm thấy tế bào trứng.
Cuộc thủ thuật thường kéo dài khoảng 30 phút và được thực hiện ngoại trú. Chính vì thế, người phụ nữ sau thời gian quan sát ổn định sẽ được về nhà. Mặc dù vậy, đây vẫn là một thủ thuật cần được thực hiện dưới gây mê và không thể phủ nhận những rủi ro tiềm ẩn. Theo đó, các biến chứng có thể gặp khi chọc hút trứng được trình bày lần lượt sau đây.
2. Các biến chứng có thể gặp sau khi chọc hút trứng
Hầu hết các biến chứng do thủ thuật chọc hút trứng bắt nguồn từ con đường đi của kim được đẩy qua âm đạo và vào buồng trứng, gây tổn thương một số cơ quan và mô nhạy cảm khác nằm gần đó, như là động mạch chậu trong chạy qua buồng trứng hay niệu quản nằm ngay bên cạnh buồng trứng.
Theo đó, người bệnh có nguy cơ bị xuất huyết trong ổ bụng sau chọc hút trứng do chọc kim vào động mạch lớn. Thành các động mạch trong bụng chậu có thể dễ bị xé nát thêm sau từng nhịp đập, càng làm ổ chảy máu thêm nặng nề. Máu có thể lan tràn ổ bụng hay chảy ra âm đạo; theo đó, đôi khi cần phải phẫu thuật cấp cứu để cầm máu và dọn rửa ổ bụng. Tuy nhiên, nhờ vào hướng dẫn của siêu âm, tỷ lệ xảy ra các biến chứng do thủ thuật tương đối thấp.
Các biến chứng khác có thể xảy ra là Chấn thương đường ruột, viêm phúc mạc, tổn thương niệu quản gây chít hẹp, áp xe vùng chậu...
Một biến chứng khác cũng đã được báo cáo xuất hiện sau chọc hút trứng là xoắn buồng trứng, xảy ra khi buồng trứng xoắn quanh chính nó, làm cắt đứt nguồn cung cấp máu. Trong một nghiên cứu trên 1.500 phụ nữ, tỷ lệ Xoắn buồng trứng xảy ra trong 0,13% các chu kỳ. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là sự xoắn vặn của buồng trứng thường xảy ra muộn, 6 đến 13 tuần sau khi lấy tế bào trứng. Đồng thời, do đây cũng là biến chứng cũng có thể gặp trong một thai kỳ bình thường, thai kỳ của bào thai thụ tinh trong ống nghiệm sẽ có khả năng Xoắn buồng trứng tăng lên.
Nhằm tránh các biến chứng nêu trên, những thao tác thực hiện sẽ đặt yêu cầu mức độ chuẩn xác cao nhất. Điều này đặc biệt lưu ý ở các đối tượng nguy cơ cao như từng có phẫu thuật trong vùng bụng chậu, tiền sử bệnh viêm vùng chậu hay cả lạc nội mạc tử cung.
3. Các biến chứng do gây mê/gây tê
Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc thủ thuật, phụ nữ sau khi trải qua quá trình chọc hút trứng cũng lại phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn nhất định từ việc gây mê được sử dụng để kiểm soát cơn đau trong lúc thực hiện.
Theo đó, cơn đau do chọc hút trứng là do sự kéo dài của đáy chậu khi đưa dụng cụ vào thao tác, lực đẩy kim qua thành âm đạo và đưa kim vào buồng trứng. Do các tín hiệu đau này sẽ trở về tủy sống trước khi lên Não bộ, người bệnh có thể xem xét dùng một loại thuốc gây tê thường được sử dụng trong khi sinh con. Đây là các loại thuốc tiêm gây tê tủy sống, ức chế dẫn truyền Thần kinh ở hai bên cổ tử cung để ngăn chặn cơn đau. Nếu không sử dụng được thuốc Gây tê tủy sống, bệnh nhân có thể cần tiêm thuốc tĩnh mạch để gây mê. Lúc này, người bệnh sẽ có nguy cơ khi dùng thuốc mê tương tự như các bệnh nhân trong phẫu thuật thông thường khác như Dị ứng với thuốc mê, tụt huyết áp, ức chế Hô hấp kéo dài...
4. Các biến chứng dài hạn trên chức năng sinh sản
Có hai lý do để giải thích các nguy cơ có thể xảy ra sau chọc hút trứng mà có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai. Lý do đầu tiên bắt đầu với biến chứng nhiễm trùng và chảy máu, như được mô Tả ở trên và đôi khi cần phải phẫu thuật lại nhằm bóc tách các dây dính, giải thoát các tắc nghẽn.
Lý do thứ hai là những tổn thương trên các cơ quan của hệ sinh sản khi đâm kim xuyên qua bề mặt, đi từ âm đạo cho đến buồng trứng. Có một số giả thiết đã cho rằng các Chấn thương này có thể dẫn đến sự hình thành các kháng thể chống lại buồng trứng, và thực tế, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ sau khi chọc hút trứng sẽ có tỷ lệ kháng thể đối với mô buồng trứng cao hơn so với những người không trải qua thủ thuật này.
Hơn nữa, các kháng thể đối với kháng nguyên buồng trứng đã được chứng minh là có liên quan đến sự thất bại khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Vì do các kháng thể sẽ làm cản trở sự liên kết của tinh trùng khi xâm nhập vào tế bào trứng và do đó sẽ làm cho việc thụ tinh trứng trở nên khó khăn hơn.
Tóm lại, thủ thuật chọc hút trứng từ nang trứng bằng cách đưa kim xuyên qua thành âm đạo vào buồng trứng cần được thực hiện với gây mê thì khó tránh khỏi một số biến chứng nhất định. Tuy các thống kê cho thấy nguy cơ biến chứng là tương đối thấp, nếu đã xảy ra biến chứng, nguy cơ thất bại trong lần can thiệp sinh sản này gần như chắc chắn và khả năng có thai lại càng bị đe dọa thêm trong các chu kỳ sau. Chính vì thế, việc lựa chọn trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín, chuyên môn cao là điều vô cùng cần thiết, nhằm giảm thiểu tuyệt đối nguy cơ xảy ra biến chứng là bước cơ bản đầu tiên trong hành trình tìm kiếm nụ cười trẻ thơ.