1. Cắt amidan bằng phương pháp coblator
Kỹ thuật Cắt amidan bằng dao plasma hay coblator là phương pháp sử dụng năng lượng từ sóng điện từ có tần số cao (còn gọi là sóng radio) để tạo ra một đám mây dẫn điện bao quanh thiết bị cắt, cho phép cắt và phá hủy mô tế bào amidan ở nhiệt độ khá thấp chỉ từ 60 đến 70 độ C. Toàn bộ quy trình cắt được diễn ra dưới sự hỗ trợ của đầu dò đa chức năng. Điều này giúp cho thủ thuật được tiến hành một cách nhanh chóng mà hạn chế được tối đa những tổn thương và nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân.
Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật cắt amidan bằng phương pháp Coblator:
- Thiết bị cắt Coblator có chế độ đồng thời vừa cắt vừa hút và vừa vảy nước, dùng sóng cao tần để bóc tách amidan bằng đốt điện ở nhiệt độ 60-70 độ C nên không gây bỏng, ít đau và rất ít chảy máu.
- Thủ thuật đơn giản, thời gian thực hiện một ca tiểu phẫu cắt amidan bằng dao plasma chỉ diễn ra trong vòng 10-15 phút (Đã bao gồm cả thời gian gây tê). Điều này có thể giúp giảm căng thẳng áp lực, hạn chế được yếu tố Tâm lý và sợ hãi của bệnh nhân trước khi cắt amidan.
- Ngay sau làm tiểu phẫu, bệnh nhân hoàn toàn có thể về nhà, sinh hoạt và ăn uống như bình thường, không bị ảnh hưởng đến vấn đề giao tiếp. Đối với những bệnh nhân nặng, thời gian nằm viện theo dõi không quá một ngày.
- Là phương pháp ít xâm lấn, tổn thương vùng cắt nhỏ và có thể thông qua quá trình cắt để tiếp cận trực tiếp với các vùng viêm khác.
- Ít xảy ra biến chứng sau phẫu thuật.
2. Các phương pháp cắt amidan khác
2.1.Cắt amidan bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực
Phương pháp sử dụng dao cắt được nối liền với nguồn điện có điện năng vừa phải để cắt bỏ khối amidan. Cắt Amidan bằng phương pháp này có thể hạn chế được nguy cơ chảy máu sau và trong cắt amidan nhưng tổn thương sâu và dễ để lại sẹo. Kỹ thuật cắt đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm cũng như phải có sự khéo léo trong thao tác để cắt đúng vị trí mà không gây tổn thương các vùng khác.
2.2.Cắt amidan bằng laser
Cắt amidan bằng laser là phương pháp sử dụng năng lượng từ các bước sóng ánh sáng laser để cắt bỏ khối amidan một cách nhanh chóng.
Ưu điểm của phương pháp này là không đau, thời gian thực hiện nhanh, ít gây chảy máu cả trong và sau phẫu thuật. Đồng thời ánh sáng laser cũng có tính diệt khuẩn tốt.
Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là dễ gây nhiễm trùng vết mổ, dễ gây tổn thương lớn có thể để lại sẹo, đôi khi có thể ảnh hưởng đến dây thanh quản gây khàn giọng.
2.3.Cắt amidan bằng phương pháp Sluder
Cắt amidan nạo VA bằng phương pháp Sluder là phương pháp được sáng chế ra bởi một thầy thuốc tai mũi họng ở Anh quốc. Phương pháp này dựa trên nguyên tắc là dưới gây mê, sẽ cho toàn bộ khối amidan chui qua một lỗ cửa sổ của dụng cụ, sau đó sử dụng một lưỡi dao đè chặt cuống amidan, đồng thời phối hợp một ngón tay với dụng cụ để tách đứt khối amidan và đưa ra ngoài một cách nhanh chóng.
Phương pháp này được thực hiện khi khối amidan có kích thước tương đối to và có chân cuống amidan, khối amidan di động dễ dàng và không bị dính vào hố amidan.
Do vậy nên chỉ định của phương pháp này là có giới hạn, đa số áp dụng cho các trường hợp trẻ nhỏ và thiếu niên. Mặt khác, phương pháp này yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật cao, phải phối hợp cả 2 bàn tay mới có thể thực hiện thành công được. Vậy nên chỉ những bác sĩ có tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm mới có thể tiến hành được thủ thuật này.
So với các phương pháp cắt amidan khác, phương pháp Sluder có khả năng gây biến chứng hậu phẫu cao hơn, thường gặp là Ngất do gây mê, nhiễm khuẩn và chảy máu.
Ngoài những phương pháp trên còn có phương pháp cắt amidan bằng phương pháp bóc tách sử dụng dao, kéo hoặc thòng lọng. Đây là phương pháp truyền thống có nhiều nguy cơ biến chứng nên hiện nay ít sử dụng hơn các phương pháp khác.
3. Chế độ chăm sóc sau khi cắt amidan
Lưu ý về chế độ chăm sóc trẻ sau cắt amidan:
- Ngày đầu sau cắt: nên cho trẻ uống sữa lạnh là tốt nhất. Sữa lạnh vừa có Dinh dưỡng và có thể giúp giảm triệu chứng đau tạm thời cho trẻ, giảm tình trạng sưng nề và viêm.
- Ngày thứ 2 đến ngày thứ 7: Cho trẻ ăn thức ăn loãng, nguội và mềm nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng. Nên tránh ăn đồ nếp và những thức ăn có thể gây đau nhức vùng cắt như thịt bò, thịt gà...
- Ngày thứ 7 đến ngày thứ 14: Cho trẻ ăn thức ăn loãng, nguội và mềm, có thể bắt đầu ăn cơm nấu hơi nhão một chút.
- Ngày thứ 14: cho trẻ ăn uống bình thường
- Không cho trẻ ăn uống đồ chua cay như nước cam, chanh và quá cứng vì có thể dẫn đến Tình trạng viêm họng ở trẻ sau mổ và tổn thương lại vết cắt.
- Sau cắt amidan có thể cho trẻ nói chuyện bình thường nhưng nên nhắc trẻ hạn chế la hét, gào khóc hay nói to.