1. Sỏi đường tiết niệu là gì?
Cơ quan đường tiết niệu gồm có: thận, niệu quản, bàng quang (bọng đái) và niệu đạo. Khi sỏi xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào của hệ tiết niệu nghĩa là đã mắc sỏi tiết niệu. Như vậy Sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Sỏi tiết niệu gây ra nhiều biến chứng nguy hại như:
- Sỏi di chuyển, cọ xát vào niêm mạc đường niệu gây phù nề, chảy máu, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm đường tiết niệu.
- Sỏi kẹt lại ở vị trí hẹp, gây bí đái cấp hoặc mạn.
- Chức năng thận có thể bị suy giảm, dẫn đến tình trạng suy thận cấp hoặc mạn tính.
2. Có phải tất cả trường hợp mắc sỏi đường tiết niệu đều phải điều trị?
Nếu sỏi đường tiết niệu nhỏ, có kích thước dưới 4mm thì 90% có thể tự thải ra bằng đường tự nhiên khi bệnh nhân uống nhiều nước. Nếu sỏi từ 4mm - 6mm thì khả năng ra ngoài theo đường tiểu thấp hơn, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra. Một số trường hợp sỏi nhỏ nhưng không thể ra được do đường tiết niệu bị hẹp.
Tỷ lệ ra bằng đường tự nhiên đối với kích thước sỏi trên 6mm thấp. Đặc biệt với sỏi trên 1cm khả năng ra rất thấp.
Đối với những trường hợp sỏi không thể đào thải bằng con đường tự nhiên, tùy theo vị trí và ảnh hưởng của sỏi đến chức năng thận để lựa chọn phương thức điều trị thích hợp.
3. Các phương pháp điều trị sỏi đường tiết niệu
Tùy theo vị trí và ảnh hưởng của sỏi đến chức năng thận để lựa chọn phương thức điều trị khác nhau:
3.1 Đối với sỏi thận, sỏi niệu quản
- Điều trị nội khoa trong trường hợp:
- Kích thước sỏi nhỏ hơn 7mm, nhẵn.
- Chức năng thận còn tốt, lưu thông niệu quản tốt.
- Sỏi chưa gây biến chứng, toàn thân không quá yếu, không có bệnh mạn tính.
- Điều trị: Dùng thuốc giãn cơ trơn, tăng cường vận động, uống nhiều nước.
- Điều trị nội khoa khi có biến chứng:
- Trường hợp sỏi to, gây ảnh hưởng chức năng thận.
- Tình trạng người bệnh yếu.
- Không sử dụng phương pháp phẫu thuật được.
- Điều trị: dùng thuốc kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ.
- Điều trị bằng các phương pháp ít xâm lấn: đây là phương pháp hiệu quả được áp dụng rộng rãi hiện nay, bao gồm:
- Tán sỏi ngoài cơ thể: Áp dụng khi Sỏi thận < 2cm, Sỏi niệu quản < 1cm, chức năng thận còn tốt, lưu thông bể thận niệu quản bình thường, không có bệnh lý ở thận như u thận... Với phương pháp này có thể điều trị được tới 60% sỏi cần can thiệp.
- Tán sỏi qua Nội soi niệu quản: Áp dụng khi sỏi < 1cm, chức năng thận còn tốt. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.
- Tán sỏi qua da: Áp dụng với sỏi san hô, Sỏi thận hay sỏi 1/3 trên niệu quản có kèm dị dạng đường tiết niệu. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.
- Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: Áp dụng với những loại sỏi kích thước to >1cm, hoặc khi điều trị bằng các phương pháp trên thất bại. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.
- Điều trị phẫu thuật: Phương pháp này sử dụng khi đã thất bại với phương pháp điều trị ít xâm lấn, trong trường hợp:
- Khi có nhiều sỏi san hô
- Xảy ra tai biến ở phương pháp tán sỏi.
- Sỏi kèm hẹp đường tiết niệu.
- Các phương pháp điều trị bao gồm: Mở bể thận, mở niệu quản lấy sỏi, dẫn lưu thận khi ứ mủ, cắt thận khi thận không còn chức năng.
3.2. Đối với sỏi bàng quang
- Điều trị nội khoa: Áp dụng trong trường hợp sỏi nhỏ, mới từ niệu quản rơi xuống. Điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau chống viêm, giãn cơ.
- Điều trị bằng phương pháp ít xâm lấn: Lấy sỏi qua Nội soi khi sỏi nhỏ <3cm, không đái ra sỏi được.
- Điều trị phẫu thuật: Chỉ định khi sỏi to >3cm, sỏi bàng quang kèm các bệnh gây hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt...
3.3. Đối với sỏi niệu đạo
Căn cứ vào vị trí sỏi để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp:
- Sỏi ở niệu đạo trước: Gắp sỏi niệu đạo qua miệng sáo.
- Sỏi ở niệu đạo sau đẩy ngược vào bàng quang: điều trị như sỏi bàng quang.
- Phẫu thuật: Áp dụng khi sỏi kẹt ở niệu đạo không gắp và không đẩy được vào bàng quang, sỏi ở Túi thừa bàng quang hay có hẹp niệu đạo.