Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Cách Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

15/09/2020
Sự kiện: Sốt xuất huyêt
Cách Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà

Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là bệnh vô cùng nguy hiểm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Làm sao để nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết, cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà,….

1. Bệnh Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh Truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

2. Sự nguy hiểm của bệnh Sốt xuất huyết:

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

3. Triệu chứng điển hình khi trẻ bị sốt xuất huyết

3.1 Giai đoạn sốt:

  • Sốt cao đột ngột, liên tục. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
  • Da xung huyết, có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

3.2. Giai đoạn nguy hiểm:

Thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Các biểu hiện có thể gặp:

  • Nề mi mắt, đau bụng, nôn, đau ngực, khó thở.
  • Nếu nặng có thể có biểu hiện sốc: vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, thân nhiệt có thể hạ đột ngột, tiểu ít.
  • Chấm xuất huyết rải rác dưới da hoặc ban xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; có thể có ban dát ngứa.
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc sớm hơn kì hạn. Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen/có máu), xuất huyết phổi, Não là biểu hiện nặng.

3.3. Giai đoạn hồi phục:

Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, tiểu nhiều

4. Hướng dẫn chăm sóc khi trẻ bị Sốt xuất huyết tại nhà

  • Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ, báo cho nhân viên y tế bất kỳ khi nào nếu nhận thấy trẻ sốt lên.
  • Phối hợp dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprufen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ gây xuất huyết.
  • Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng Dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.
  • Chế độ dinh dưỡng: Cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola...) vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh..) oresol, hydrit, hoặc nước cháo loãng...
  • Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.

Theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng để xử trí kịp thời:

  • Vật vã, lừ đừ, li bì. Đầu chi lạnh, da ẩm, hạ thân nhiệt. Đau bụng, đau ngực, khó thở.
  • Chảy máu cam, chảy máu chân răng.
  • Nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu, tiểu ít.

3. Hướng dẫn phòng bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

  • Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
  • Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
  • Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
  • Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
  • Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Phòng chống muỗi đốt:

  • Mặc quần áo dài tay.
  • Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
  • Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
  • Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
  • Cho người bị Sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh Muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.