1. Tìm hiểu về Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú
Điều trị bảo tồn vú trong ung thư vú là phẫu thuật ra đời từ những năm 1980 do bác sĩ FISHER, VERONESI thực hiện. Phương pháp này đến nay đã được áp dụng rộng rãi tại các nước tiên tiến.
Bờ phẫu thuật an toàn là yếu tố quan trọng nhất của phẫu thuật bảo tồn, do đó cần thiết phải lấy thêm mô lành xung quanh không còn u. Việc kiểm tra còn tế bào u hay không sẽ được thực hiện qua cắt lạnh ngay trong lúc mổ và gửi cho bác sĩ Giải phẫu bệnh đọc kết quả tức thì. Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú thường được thực hiện cùng với nạo hạch nách.
Tùy theo độ rộng của phẫu thuật, mô tuyến vú được lấy đi nhiều hay ít mà ta có cần đặt túi độn hay không, hoặc là độn bra giả. Cơ thể bạn cũng sẽ tạo ra mô xơ sẹo để lấp đầy khuyết hổng tổn thương, hình ảnh sẹo khác biệt mô thường sẽ quan sát thấy được trên nhũ ảnh sau này. Sẹo trên da trong trường hợp lành tốt sẽ mờ nhạt dần. Bác sĩ của bạn sẽ hướng dẫn cách chăm sóc để Sẹo lành tốt và Thẩm mỹ nhất
2. Ai có thể được điều trị bằng phẫu thuật bảo tồn vú?
Không phải tất cả mọi phụ nữ ung thư vú đều phù hợp với điều trị bảo tồn tuyến vú. Điều trị bảo tồn tuyến vú chỉ dành cho những phụ nữ bệnh ung thư vú giai đoạn sớm, khối u chưa lan ra ngoài tuyến vú, và chỉ có di căn hạch ở nách. Lý do là vì phẫu thuật chỉ có thể thực hiện an toàn khi lấy bỏ nguyên khối gồm u và mô vú bình thường xung quanh. Mô tuyến vú xung quanh khối u phải được kiểm tra để đảm bảo rằng hoàn toàn không còn tế bào ung thư nhằm giảm nguy cơ tái phát. Chúng tôi cân nhắc việc điều trị bảo tồn vú dựa trên những yếu tố sau: Tuổi, Tình trạng hạch di căn, Độ mô học của u, Độ biệt hóa nhân tế bào u, Tình trạng ER, PR, Ki 67, sự Xâm lấn khoang lympho mạch máu, Mô học dạng comedo hay không.
Việc điều trị bảo tồn tuyến vú không thể thực hiện khi:
- Ung thư đa ổ
- Khối u lan đến nhiều phần (các góc tư) vú
- Ung thư trong ống tuyến lan tỏa
- Khối u lan đến phức hợp quầng vú, núm vú (không đảm bảo tính thẩm mỹ khi bảo tồn)
Do sau mổ bắt buộc phải điều trị tiếp theo bằng xạ trị để giảm nguy cơ tái phát, phẫu thuật bảo tồn cũng không thực hiện được ở những phụ nữ:
- Bệnh lý mô liên kết và da như bệnh xơ cứng bì (scleroderma), do tác dụng phụ sau xạ sẽ rất nặng nề
- Tiền căn điều trị xạ trị vào thành ngực trước đó do một bệnh lý khác
- Không đồng ý xạ trị sau mổ
3. Sơ lược về 2 phương pháp phẫu thuật ung thư vú
Ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Ở Việt Nam, ung thư vú và Ung thư cổ tử cung là 2 loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới. Tỷ lệ mắc ung thư vú chiếm 7 - 10% các loại u ác tính trên cơ thể và độ tuổi hay mắc bệnh là 40 - 60.
Lựa chọn điều trị ung thư vú phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, kích thước khối u, tính chất, sự xâm lấn của khối u, vị trí u, tình trạng hạch nách, thể giải phẫu bệnh của u, yếu tố phát triển biểu mô, thụ thể hormone,... Ngoài ra, các yếu tố như tuổi tác, tiền sử gia đình, bệnh cảnh phối hợp, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân,... cũng ảnh hưởng tới lựa chọn điều trị bệnh.
Thông thường, có 2 lựa chọn phẫu thuật ung thư vú được chỉ định cho bệnh nhân ung thư vú là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú hoặc phẫu thuật bảo tồn vú.
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (mastectomy): Là phương pháp cắt bỏ toàn bộ nhu mô tuyến vú, quầng và núm vú, chỉ để lại cơ và da thành ngực. Ưu điểm của phương pháp này là khu vực cắt bỏ rộng, tạo tâm lý yên tâm cho bệnh nhân, sau mổ có thể không phải xạ trị. Tuy nhiên, đây là phẫu thuật phức tạp, có thời gian can thiệp kéo dài, nhiều biến chứng và thời gian nằm viện lâu. Đặc biệt, cắt bỏ toàn bộ tuyến vú ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và Tâm lý bệnh nhân do mất một bên vú. Những bệnh nhân có nhu cầu làm đẹp thường sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình vú sau đó.
- Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú (lumpectomy): Là phương pháp chỉ cắt bỏ khối u và một phần nhu mô tuyến vú bao quanh khối u (cách khối u khoảng 1 - 2cm), đủ để không còn tế bào ung thư tại diện cắt nên vẫn giữ được tuyến vú với kích thước gần như bình thường. Phương pháp điều trị này đảm bảo tính thẩm mỹ, đặc biệt với bệnh nhân trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Đồng thời, là phương pháp can thiệp tối thiểu nên phẫu thuật ung thư vú theo hướng bảo toàn tuyến vú có thời gian lành vết thương nhanh. Hạn chế của phương pháp này là không áp dụng được cho trường hợp phát hiện ung thư vú muộn, khối u nằm ở vị trí trung tâm, gần núm vú, u vú lớn ở phụ nữ có tuyến vú nhỏ,... ngoài ra, bệnh nhân cũng phải xạ trị bổ trợ sau mổ để tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.
4. Trường hợp nào có thể hoặc không thể bảo tồn tuyến vú
Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú được chỉ định cho bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú dựa vào khám lâm sàng, phim chụp X-quang tuyến vú, Xét nghiệm tế bào học. Bệnh nhân có chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học, kích thước khối u < 3cm, có một ổ tổn thương, hạch vùng chưa di căn hoặc di căn số lượng ít, chưa có di căn xa, canxi hóa khu trú trên phim chụp X-quang tuyến vú. Phụ nữ trẻ tuổi cũng được khuyến khích nên phẫu thuật bảo tồn tuyến vú để đảm bảo tính thẩm mỹ, sự tự tin.
Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú chống chỉ định tuyệt đối cho các trường hợp có nhiều u (đa ổ), canxi hóa lan tỏa trên phim chụp X-quang tuyến vú hoặc người đang Mang thai (không thể xạ trị khi đang mang thai). Phương pháp này chống chỉ định tương đối với các trường hợp u vú lớn ở phụ nữ có tuyến vú nhỏ, những người có tiền sử bệnh Collagen mạch máu vì có thể gặp biến chứng xơ hóa và Hoại tử mô sau phẫu thuật.
Phẫu thuật bảo tồn tuyến vú là phương pháp mang lại nhiều lợi ích về mặt thẩm mỹ và tâm lý cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân phát hiện ung thư vú từ giai đoạn sớm. Vì vậy, phụ nữ nên định kỳ đi kiểm tra tầm soát ung thư vú để được phát hiện bệnh sớm và có phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả. Phát hiện sớm làm tăng khả năng bảo tồn vú, giữ được vẻ đẹp thẩm mỹ của người phụ nữ. Đồng thời, việc điều trị bệnh ở giai đoạn sớm cũng đạt hiệu quả cao hơn, ít biến chứng và ngăn ung thư tiến triển, di căn hoặc tái phát.