Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Cách nhận diện sớm dấu hiệu ung thư vú bằng nhìn - sờ - nắn

26/04/2021
Cách nhận diện sớm dấu hiệu ung thư vú bằng nhìn - sờ - nắn

Ung thư vú là một loại ung thư xảy ra rất phổ biến trên cơ thể nữ giới. Ở thời điểm đầu, tế bào ung thư sẽ là một khối u có đường kính khoảng 1cm. Do đó, bạn có thể nhận diện sớm dấu hiệu ung thư vú bằng nhìn - sờ - nắn.

1. Các dấu hiệu cảnh báo sớm của ung thư vú

Triệu chứng, dấu hiệu của ung thư vú rất đa dạng, thường không có biểu hiện đau nên phải dựa theo những dấu hiệu bất thường điển hình khác để phát hiện.

  • Có khối u: 80-90% bệnh nhân ung thư vú có khối u và có thể sờ nắn được bằng tay khi kích thước từ 1cm trở lên.
  • Tiết dịch núm vú: Khoảng 5% bệnh nhân ung thư vú có tiết dịch núm vú, nhất là khi có lẫn máu hoặc dịch hồng.
  • Núm vú bị thụt vào trong: Núm vú bị tụt sâu, cứng, dùng tay kéo cũng không được.
  • Nhăn bề mặt vú: Đây là triệu chứng gặp ở một số ít bệnh nhân. Khi ngực xuất hiện khối u sẽ phá vỡ cấu trúc da và tạo nên những nếp nhăn ở bên ngoài bề mặt vú.
Để tra xem, chỉ cần đứng trước gương, giơ cánh tay lên (bởi những nếp nhăn này không xuất hiện khi đưa tay xuống). Nếu thấy xuất hiện những nếp nhăn ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt vú thì cần phải đến gặp bác sĩ Ung bướu càng sớm càng tốt.
  • Viêm da vùng quanh vú: Da đỏ, phù dưới dạng da cam. Ngoài ra có thể bong da vảy nến, da sần sùi kèm Nổi mẩn ngứa ở ngực.
  • Hạch ở nách: Nếu có một khối u hoặc vết sưng đau dưới cánh tay kéo dài trong một tuần không rõ nguyên nhân, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư vú.
Để phát hiện hạch có thể vuốt từ bầu ngực lên trên theo đường hõm nách, nếu có sẽ thấy hạch nổi lên ở hõm nách.

2. Hướng dẫn tự khám vú tại nhà

Thao tác tự khám vú tại nhà vô cùng đơn giản mà mọi phụ nữ cần biết để thực hiện cho chính mình. Tuy nhiên, cần nắm rõ trình tự và cách làm để việc thăm khám đạt hiệu quả, tránh bỏ sót các dấu hiệu báo động ngay từ thời điểm mới khởi phát.

Cách thứ tự khám vú bao gồm năm bước được trình bày lần lượt như sau:

Bước 1:

Bắt đầu bằng cách quan sát vào ngực của mình trong gương với hai vai để suôn thẳng và hai tay chống trên hai bên hông.

Sau đây là những gì bạn cần ghi nhận:

  • Vú có kích thước, hình dạng và màu sắc như thông thường
  • Vú có dáng vẻ đồng đều hai bên, không bị biến dạng hoặc sưng phù

Nếu bạn thấy bất kỳ sự thay đổi nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:

  • Lột da, da nhăn nhúm lại hoặc da phồng lên
  • Một bên núm vú đã có thay đổi vị trí hoặc núm vú bị rút lõm vào trong
  • Đỏ, đau, nổi mẩn hoặc sưng nề bất kì phần nào của vú
Bước 2:
  • Bạn giơ cả hai cánh tay cao lên và tìm kiếm những thay đổi như trên.

Bước 3:

  • Bạn quan sát trong gương, tìm dấu hiệu của sự chảy dịch từ một hoặc cả hai núm vú.
  • Đây có thể là chất lỏng, màu trắng đục như sữa, màu vàng hoặc cũng có thể là máu.

Bước 4:

  • Tiếp theo, khám ngực của bạn trong tư thế nằm ngửa bằng cách sử dụng tay phải để sờ nắn vú trái của và sau đó ngược lại là dùng tay trái cho vú phải.
  • Thao tác cần nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng vẫn chắc chắn, trơn tru với đầu các ngón tay. Luôn giữ cho các ngón tay thẳng và khép lại với nhau trong khi đưa bàn tay theo chuyển động vòng tròn vừa vặn một phần tư mỗi bên vú cho đến hết toàn bộ vú. Cần tuân theo một trình tự nhất định nhằm tránh bỏ sót như từ trên xuống dưới, từ bên này sang bên kia.
  • Luôn nhớ trình tự khám này và áp dụng thống nhất mỗi lần thực hiện để chắc chắn rằng bạn đã sờ nắn toàn bộ nhu mô vú. Nếu không chọn cách khám theo vòng tròn mỗi một phần tư, bạn có thể chọn vị trí bắt đầu ở núm vú, di chuyển theo vòng tròn lớn hơn và lớn hơn nữa cho đến khi bạn chạm đến mép ngoài của vú. Bạn cũng có thể di chuyển ngón tay lên xuống theo chiều dọc hay theo hàng ngang.
  • Trong quá trình sờ nắn, hãy chắc chắn về sự cảm nhận mật độ trên tất cả các mô từ phía trước đến phía sau ngực của bạn. Theo đó, đối với da và mô ngay bên dưới da, sử dụng áp lực nhẹ; kế tiếp, sử dụng áp lực trung bình cho mô ở giữa ngực và sử dụng áp lực lớn cho các mô sâu ở phía sau. Dấu hiệu báo cho bạn biết đã đạt đến mô sâu là bạn sẽ có thể cảm thấy xuống các xương lồng ngực của mình.
Bước 5:
  • Cuối cùng, sờ nắn và cả quan sát toàn bộ ngực của bạn trong khi đang đứng hoặc ngồi. Nhiều phụ nữ thấy rằng cách dễ nhất để cảm nhận ngực là khi da ướt và trơn, vì vậy họ thích thực hiện bước này khi tắm. Đừng bỏ sót bất cứ phần vú nào của bạn bằng cách sử dụng các động tác tay tương tự được mô Tả trong bước 4.

3. Phải làm gì nếu bạn tìm thấy vú có u cục?

Đừng hoảng loạn lên nếu bạn nghĩ rằng bạn cảm thấy một khối ung thư trong vú của bạn ngay từ lần khám đầu tiên. Lý do là có một số phụ nữ có thể có khối u cục trong vú và hầu hết các khối này là lành tính (hoàn toàn không phải ung thư). Nguyên nhân gây ra khối u trong vú mà không ung thư là sự thay đổi Nội tiết tố khi mang thai, vào chu kỳ kinh, các bệnh lý U vú lành tính hoặc chấn thương.

Tuy nhiên, cần có sự thăm khám chuyên môn cũng như thực hiện các Xét nghiệm cần thiết mới có thể đảm bảo việc vú có u cục là không đáng lo ngại gì. Vậy nên, điều tốt nhất nên làm là đến khám bác sĩ khi bạn đã nhận thấy một khối u cũng như các thay đổi trên vú như vú chảy mủ, da vú co rút lại. Điều này cần phải càng được quan tâm nếu những thay đổi này kéo dài suốt hơn một chu kỳ kinh nguyệt.

Tại cuộc hẹn thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra lại bằng mắt thường và sờ nắn bằng đầu các ngón tay nhằm đưa ra những mô Tả đầy đủ nhất về các đặc điểm của khối u cục trong nhu mô vú. Ngoài ra, hệ thống hạch bạch huyết xung quanh, như trên hõm thượng đòn, trong hố nách cũng cần được khảo sát. Quá trình thực hiện cũng tương tự như các tự thao tác như đã trình bày, đảm bảo toàn bộ nhô mô vú và đồng đều cả hai bên.

Bên cạnh đó, chỉ định siêu âm cũng sẽ được đạt ra. Đây là phương tiện hình ảnh đầu tiên nhằm đánh giá một khối u, nhất là ở những phụ nữ dưới 30 tuổi hoặc đang mang thai, cho con bú. Đối với phụ nữ trên 30 tuổi hay không mang thai, cho con bú, phương tiện thay thế là chụp X-quang tuyến vú. Nếu một trong hai kết quả siêu âm và chụp quang tuyến vú có nghi ngờ bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các khảo sát hình ảnh khác như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp hình ảnh vú mức độ phân tử (MBI) và/hoặc sinh thiết để tìm ra bản chất của khối u là gì.

4. Làm thế nào để tự kiểm tra vú đúng cách nhằm giúp sàng lọc ung thư vú?

Không có cách nào khác là làm thường xuyên. Bạn càng kiểm tra bộ ngực của mình nhiều lần, bạn sẽ càng hiểu biết về chúng nhiều hơn và bạn sẽ dễ dàng biết được nếu có gì đó bỗng nhiên thay đổi.

Theo đó, mỗi phụ nữ, ngay từ tuổi dậy thì, hãy tập thói quen tự kiểm tra vú trước gương ít nhất mỗi tháng một lần để làm quen với bộ ngực của bạn bình thường là trông thấy và cảm nhận như thế nào. Thời điểm tự khám vú thích hợp nhất là vài ngày sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc. Đây là lúc ngực của bạn không còn bị sưng nề, nhạy cảm do các hormone liên quan đến quá trình rụng trứng. Nếu bạn không còn kinh nguyệt nữa, hãy chọn một ngày dễ nhớ, chẳng hạn như ngày đầu tiên hoặc ngày cuối cùng của tháng.

Bên cạnh đó, việc tầm soát ung thư vú sẽ đạt hiệu quả toàn diện nếu người phụ nữ tuân thủ khám sức khỏe định kỳ, có thăm khám và xét nghiệm ung thư Phụ khoa nói chung, bao gồm cả tầm soát Ung thư cổ tử cung.