Nhận biết chóng mặt trung ương như thế nào?

Cảm giác chóng mặt, choáng váng hay xoay tròn là những khó chịu rất thường gặp, đôi khi còn kèm với buồn nôn, tư thế không vững, dáng đi xiêu vẹo. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; trong đó, chóng mặt trung ương cần được chú ý hơn cả, do đây là biểu hiện của các tổn thương trong não bộ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Chóng mặt là gì?

Chóng mặt là một trạng thái chủ quan mơ hồ, nhưng thường được mô Tả là một cảm giác quay vòng hoặc nghiêng ngả, sắp rơi xuống hay văng ra ngoài. Chóng mặt cũng có thể khiến chúng ta cảm thấy đầu óc quay cuồng, choáng váng hay khó khăn khi bước đi như bình thường. Đôi khi người bệnh có thể khai báo rằng dù cho có nằm yên trên giường vẫn cảm thấy rằng bản thân đang di chuyển hay căn phòng đang chuyển động xung quanh họ.

Bên cạnh chóng mặt, người bệnh còn có các triệu chứng khác kèm theo như nôn hoặc buồn nôn; nhức đầu hoặc nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn; nhìn đôi, khó nói hoặc nuốt hay cảm thấy yếu liệt tay chân; thở hổn hển hoặc đổ mồ hôi, tim đập nhanh...

Khi đến khám bệnh, người bệnh nên mô Tả cho bác sĩ biết các triệu chứng xảy ra như thế nào, kéo dài trong bao lâu, yếu tố kích thích xảy ra và bất kỳ vấn đề liên quan khác. Những dữ kiện này là manh mối giúp xác định có phải thực sự là chóng mặt hay không và tìm ra nguyên nhân chóng mặt cũng như loại trừ các bệnh lý tại những cơ quan khác.

Theo tiếp cận của chuyên khoa, chóng mặt có nhiều nguyên nhân khác nhau, liên quan đến hệ thống tiền đình ngoại biên nằm ở tai trong hoặc do Não bộ. Theo đó, ở một số người, vấn đề này không nghiêm trọng, lặp đi lặp lại, tự khởi phát và tự thuyên giảm; trong khi ở những người khác, chóng mặt lại tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng người bệnh.

Nhận biết chóng mặt trung ương như thế nào? - ảnh 1
Chóng mặt có thể khiến người bệnh cảm thấy đầu óc quay cuồng, choáng váng

2. Chóng mặt trung ương là gì?

Khác với chóng mặt ngoại biên - là do những tổn thương trong hệ thống tiền đình nằm trong ốc tai, chóng mặt trung ương là do những tổn thương trong chính não bộ. Cụ thể là các tổn thương tại thân não và tiểu não cũng như thùy thái dương trên đại não sẽ gây ra cảm giác chóng mặt rất dữ dội.

Chóng mặt trung ương có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe sau:

  • Thiếu máu cục bộ, đột quỵ não như hội chứng Wallengerg;
  • Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua của tuần hoàn não sau, qua động mạch đốt sống thân nền;
  • Bóc tách động mạch đốt sống;
  • Xuất huyết não;
  • Các u tăng sinh, như u trên cầu-tiểu não;
  • Bệnh thoái hoá myelin;
  • Migraine động mạch thân nền;
  • Nhiễm trùng Thần kinh trung ương;
  • Xơ cứng rải rác;
  • Động kinh thuỳ thái dương.

3. Nhận biết chóng mặt trung ương như thế nào?

Cả 2 loại chóng mặt đều có đặc điểm chung là ảo giác hay hoang tưởng về cử động của cơ thể hoặc môi trường đang xoay tròn, mất cân bằng. Tuy vậy vẫn có nhiều điểm khác biệt giúp phân biệt chóng mặt trung ương và chóng mặt ngoại biên. Theo đó, bác sĩ cần dựa trên bệnh sử và các triệu chứng được mô tả chi tiết, tỉ mỉ của bệnh nhân cũng như kết quả từ các phương pháp chẩn đoán để xác định loại chóng mặt.

Trong chóng mặt kịch phát tư thế lành tính - dạng thường gặp nhất của chóng mặt do nguyên nhân ngoại biên, các triệu chứng khởi phát khi cử động đầu, ngay khi bệnh nhân quay đầu khỏi giường và giảm đi khi không cử động, xảy ra từng cơn, mỗi cơn kéo dài chỉ vài phút, hay tái phát và kéo dài đến vài ngày, vài tuần rồi sẽ thuyên giảm. Chóng mặt trung ương có thể nhẹ hơn về mức độ nhưng lại xảy ra liên tục và có khuynh hướng sẽ ngày càng nặng dần. Vì đây là các tổn thương thực sự trên não bộ nên khó có thể tự hồi phục được.

Bên cạnh đó, triệu chứng buồn nôn và nôn ói thường nặng nhất ở chóng mặt ngoại biên, trong khi lại ít nặng hơn hay có thể hoàn toàn không gặp ở chóng mặt trung ương. Trái lại, chóng mặt trung ương còn có những biểu hiện Thần kinh khu trú khác mà chóng mặt ngoại biên không có như thất điều thân người, dáng đi, yếu liệt tay chân, méo mặt, nuốt khó, nói khó...

4. Làm gì khi bị chóng mặt trung ương?

Do chóng mặt trung ương là hệ quả của các bệnh lý tại hệ thần kinh trung ương, người bệnh cần được tích cực tìm kiếm nguồn gốc tổn thương và điều trị kịp thời, giúp khu trú sớm và tránh để tổn thương lan rộng. Theo đó, khi nhận thấy đặc điểm của cơn chóng mặt xảy ra lần đầu tiên, không giống các lần trước đó, không liên quan đến tư thế, có kèm theo yếu liệt tay chân, cần đưa bệnh nhân đến các trung tâm y tế kịp thời để được bác sĩ thăm khám và chụp hình sọ não.

Khi tìm được nguyên nhân gây ra chóng mặt trung ương, tùy theo từng bệnh lý, như đột quỵ thiếu máu não, xuất huyết não, u tân sinh, nhiễm trùng, xơ cứng rải rác, đau nửa đầu Migraine hay động kinh..., người bệnh sẽ được lên kế hoạch điều trị cụ thể.

Khác với chóng mặt kịch phát lành tính - chỉ cần điều trị khi có cơn chóng mặt xảy ra, ngoài cơn không cần uống thuốc gì, các bệnh lý gây ra chóng mặt trung ương lại cần phải uống thuốc lâu dài, thăm khám định kỳ và dự phòng các tổn thương tái phát về sau. Trong một số ít trường hợp lại có thể cần can thiệp ngoại khoa, nhất là khi não bộ có khối u, ổ xuất huyết đe dọa chèn ép...

Tóm lại, chóng mặt là cảm giác ai cũng từng gặp ít nhất một lần trong đời, thường tự thuyên giảm mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, không nên chủ quan vì có những trường hợp chóng mặt lần này có thể là do nguyên nhân trung ương. Chính sự nhầm tưởng và trì hoãn đi thăm khám có thể khiến tình trạng chóng mặt ngày càng diễn tiến trầm trọng hơn, kèm theo các yếu liệt không hồi phục và sa sút chất lượng cuộc sống về sau.

Nguồn tham khảo: Hội Thần kinh học Việt Nam

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ CKII Nguyễn thị tuyết minh

  • Số 458 Phố Minh Khai, Khu đô thị Times City, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Tim Mạch - Tim mạch can thiệp

Ngày khám*

Giờ khám*