1. Khi nào nên cắt Amidan?
Amidan là hàng rào miễn dịch tại vùng họng miệng. Khi amidan chống lại sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh vào mũi họng vượt quá mức thì sẽ xảy ra hiện tượng viêm amidan với triệu chứng bị sưng, đỏ. Kết quả của sự tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn, mô Hoại tử thành các cục mủ hôi. Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, từ chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm tại vùng họng.
Nguyên nhân gây viêm amidan có thể do viêm đường Hô hấp trên, nhiễm siêu vi, cảm cúm... Người bệnh bị viêm amidan có biểu hiện như:
- Sốt cao trên 39-400C
- Amidan bị sưng đỏ và có thể có giả mạc trắng bám vào
- Khô cổ, đau cổ, khó nuốt và nhức đầu vùng hai bên thái dương
- Nghẹt mũi, chảy dịch hốc mũi, dịch nhầy, trong, sau đó dịch đặc hơn, màu trắng hay vàng...
Viêm amidan tái phát nhiều lần, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại các biến chứng như: Bệnh tinh hồng nhiệt, áp-xe quanh amidan, Viêm khớp cấp, viêm cầu thận... Tuy nhiên không phải cứ viêm amidan là phải cắt, chỉ Cắt amidan trong những trường hợp:
- Hay bị viêm, tái phát nhiều, từ 5-6 lần trong một năm
- Áp-xe và gây nên những biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang hoặc các biến chứng nặng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận
- Amidan quá to, gây cản trở đường thở, ngủ ngáy, ngưng thở trong lúc ngủ hoặc nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đời sống của người bệnh...
- Cắt Amidan khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng hoặc nghi ngờ ác tính...
2. Nguyên nhân chảy máu sau cắt Amidan
Do sai lầm về chỉ định:
- Nguyên nhân chảy máu sau cắt Amidan có thể là do khi Viêm họng còn đang diễn biến
- Người bệnh nhân có bệnh máu hoặc đang có kinh nguyệt.
Do sai lầm về kỹ thuật:
- Cắt Amidan còn sót
- Quá trình cắt làm đứt các trụ sau, trụ trước (các cơ màn hầu), khi cơ bị đứt không được khâu lại thì thường chảy máu dai dẳng nhưng không chảy mạnh
- Chọc thủng thành bên họng gồm cân và cơ khít họng, dẫn đến tổn thương các động mạch phía trong thành họng gây chảy máu sau cắt Amidan.
- Cắt amidan bằng kìm bấm, kỹ thuật này không đi vào khoang bóc tách đã quy định, thường đi quá thành bên họng, vào điểm nguy hiểm ở phía sau amidan là động mạch cảnh trong
- Thương tổn các động mạch khẩu cái đi lên và động mạch amidan vùng chân cuống sẽ gây những chảy máu sau cắt Amidan, nhiều khi phải thắt động mạch cảnh ngoài
- Trong quá trình tách trụ trước, nếu làm rách quá nhiều trụ sát đường trung vị, sẽ có thể gây thương tổn động mạch khẩu cái đi xuống
3. Xử trí và theo dõi chảy máu sau cắt Amidan
3.1.Theo dõi sau cắt Amidan
- Phải theo dõi chảy máu sớm trong 24 giờ sau cắt Amidan
- Sau cắt Amidan người bệnh không nên vận động mạnh và cần phải nằm nghiêng sang một bên không gối đầu để tránh làm tổn thương vết cắt dẫn đến chảy máu
- Trong 2 ngày đầu người bệnh uống sữa, 3 ngày tiếp theo ăn cháo loãng, từ ngày thứ 7 trở đi có thể ăn cơm nhão, sau ngày thứ 10 có thể ăn uống bình thường. Tránh thức ăn, nước uống chua, cay, mặn, nóng và cứng
- Thông thường, chảy máu sau cắt amidan 7 ngày hoặc có thể sớm hơn, muộn hơn, lúc này cần nhanh chóng kiểm tra và can thiệp kịp thời.
3.2 Xử trí chảy máu sau cắt Amidan
Xử trí tại chỗ:
- Khi bị chảy máu sau cắt Amidan nên cho bệnh nhân ngậm từng cục nhỏ nước đá, nuốt hoặc nhổ đi, có thể cho cục nước đá vào túi ni lông chườm vùng cạnh cổ
- Dùng bông cầu tẩm một dung dịch có tác dụng cầm máu như nước oxy già rồi ấn chặt vào hố amidan đúng điểm Chảy máu trong khoảng 10 phút.
- Tiêm 1 ml novocain 1% có pha adrenalin nhằm vào đúng chỗ rỉ máu để ép các mao mạch lại làm ngưng chảy máu
- Dùng kẹp Kocher không mấu dài 17cm kẹp đúng nơi chảy máu trong một giờ. Sau khi bỏ ra nếu vẫn chảy thì phải buộc chỉ
- Buộc chỉ mạch máu được áp dụng một cách đặc hiệu cho chảy máu do động mạch hoặc tĩnh mạch, chảy máu ở cực trên hay ở cuống amidan, trong khi phẫu thuật hay hậu phẫu. Sau 7 ngày mối chỉ sẽ tự rụng ra.
- Đặt kẹp nén Boisviel đối với những chảy máu ở cuống amidan và ở chỗ sâu rãnh lưỡi amidan.
- Làm đông điện bằng cách dùng kẹp Kocher kẹp đúng chỗ chảy máu. Đặt cực điện bất hoạt vào một bên tay người bệnh rồi di cực điện hoạt tính của máy đông điện vào kẹp Kocher, khi đó tổ chức ở đầu kẹp sẽ bị cháy xám đen và mạch máu bị đông lại.
- Khâu chập hai trụ lại theo phương pháp của Tarneaud, khâu 2 hoặc 3 mũi chỉ (cagut hoặc chỉ trắng) xuyên từ trụ sau ra trụ trước rồi buộc chập hai trụ lại, giữa hai trụ nhét một đoạn bấc. Các mũi khâu ở cách bờ tự do của trụ khoảng 5 mm. Nếu đặt bấc thường và khâu bằng chỉ thường thì 24 giờ sau rút bỏ bấc và 3 ngày sau cắt bỏ chỉ.
- Thắt động mạch cảnh ngoài hoặc nút mạch chỉ nên được áp dụng khi các cách cầm máu nói trên đều đã thất bại.
Xử trí toàn thân:
- Tiêm thuốc tác dụng tăng cường đông máu cho toàn thân
- Tiêm thuốc trợ tim
- Truyền dịch mặn, ngọt
- Truyền máu tươi nếu thấy cần thiết