Rối loạn mỡ máu xảy ra 70% là do các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể và 30% là do ăn uống. Chúng ta cố gắng hạn chế 70% bằng cách dùng thuốc và 30% bằng ăn uống hợp lý. Dưới đây là chế độ Dinh dưỡng dành cho người bệnh sau phẫu thuật mạch vành:
1. Lựa chọn chất béo
Thực phẩm tốt cho người bệnh sau phẫu thuật Mạch vành cần đảm bảo dinh dưỡng, nhưng không chứa quá nhiều chất béo có hại. Tổng số lượng chất béo tiêu thụ trong ngày không nên quá 25 – 35%. Người bệnh Mạch vành nên hạn chế các loại chất béo có hại và tăng cường chất béo có lợi.
Hạn chế chất béo có hại
Các loại chất béo có hại mà người bệnh sau phẫu thuật mạch vành cần hạn chế là chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa.
Chất béo bão hòa và cholesterol có nhiều trong mỡ, da, phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò, thịt dê), lòng đỏ trứng, tôm...
Chất béo chuyển hóa có nhiều trong thực phẩm đóng gói, đồ ăn nhanh và các thức ăn chế biến sẵn...
Tăng cường chất béo có lợi
Chất béo có lợi là các loại chất béo không bão hòa có nhiều trong dầu oliu, cá và các loại hạt như óc chó, hạnh nhân... Chúng có thể giúp làm giảm LDL-c máu, giảm huyết áp, hạn chế xơ vữa mạch và mang nhiều lợi ích cho người bệnh mạch vành.
2. Ăn giảm muối
Các nghiên cứu cho thấy rằng giảm lượng muối ăn 6g/ngày có thể làm giảm 24% nguy cơ đột quỵ và 18% nguy cơ biến cố mạch vành nặng. Vì vậy, người bệnh sau phẫu thuật mạch vành nên có chế độ ăn giảm muối, không nên ăn mặn trong các món ăn hàng ngày.
3. Ăn nhiều chất xơ
Một chế độ ăn nhiều chất xơ cũng được khuyến khích với người bệnh mạch vành. Có hai loại chất xơ: Chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan.
Chất xơ hòa tan giúp giảm hấp thu chất béo và giảm nồng độ cholesterol máu. Chúng được tìm thấy trong yến mạch, các loại đậu, cám gạo, lúa mạch, hoa quả họ cam quýt, dâu tây, táo.
Chất xơ không hòa tan được tìm thấy trong hầu hết các loại ngũ cố, trái cây và rau quả như bắp cải, củ cải, cà rốt, súp lơ...
4. Ăn nhiều trái cây, rau quả
Các loại trái cây và rau chứa nhiều vitamin và khoáng chất, chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa nên giúp giảm cholesterol và ngăn ngừa bệnh mạch vành tiến triển.
5. Hạn chế lượng carbohydrate (đường)
Hạn chế các loại carbohydrate như tinh bột mì trắng, gạo trắng, thực phẩm chế biến sẵn, Thay vào đó nên ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
6. Hạn chế uống rượu
Uống quá nhiều rượu bia có thể làm tổn hại tới hệ tim mạch, Đặc biệt nguy hiểm với người đã có bệnh tim mạch, bởi rượu có thể làm tăng huyết áp, tăng nồng độ triglyceride, thúc đẩy quá trình xơ vữa mạch. Vì vậy, người bệnh mạch vành nên hạn chế uống rượu không quá 2 lon bia hoặc 1 ly rượu mạnh (tương đương với khoảng 50ml) mỗi ngày. Nên lựa chọn các loại rượu có lợi cho Tim mạch như rượu vang đỏ, đồng thời uống rượu cách xa thời điểm uống thuốc ít nhất 1 – 2h để tránh các tương tác nguy hiểm.
Ngoài ra, bệnh nhân phải ngưng hút thuốc do Nicotine làm co mạch máu và làm tim hoạt động vất vả hơn. Nếu có đái tháo đường đi kèm, người bệnh nên tuân thủ chế độ ăn để kiểm soát đường huyết tốt.
Nhìn chung, người bệnh mạch vành nên duy trì một trọng lượng khỏe mạnh và ăn đa dạng các loại thức ăn, không nên ăn nhiều để giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành cũng như hạn chế mảng xơ vữa.
Cần luôn luôn nhớ rằng bên cạnh chế độ ăn, tập thể dục thể thao đều đặn và phù hợp cho lứa tuổi giúp cơ thể đốt lượng mỡ và đường thừa trong cơ thể, điều chỉnh cholesterol có lợi HDL và có hại LDL, tạo sự lưu thông mạch tốt, giúp tim phát triển tuần hoàn vành tốt có thể giúp tim tránh tái hẹp mạch vành. Cai thuốc lá, điều trị kiểm soát tốt huyết áp và điều chỉnh rối loạn chuyển hóa mỡ, nhất là điều chỉnh lối sống, làm việc để giảm stress có thể làm chậm quá trình lão hóa của mạch máu nói chung và mạch vành của tim.