1. Bệnh tiểu đường là gì?
Tiểu đường là căn bệnh biểu hiện bởi tình trạng tăng đường trong máu mãn tính do thiếu insulin (vì tuyến tụy không tiết Insulin hoặc Insulin hoạt động không hiệu quả). Các triệu chứng đầu tiên của bệnh tiểu đường khá mơ hồ nên nhiều người không nhận ra hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác.
Nếu không được điều trị thì bệnh tiểu đường sẽ làm giảm chất lượng sống, gây ra các biến chứng trên thận, mắt, tim, hệ Thần kinh và làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân. Đó chính là lý do giải thích vì sao việc chẩn đoán bệnh sớm, ví dụ dựa vào chỉ số Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường đóng vai trò vô cùng quan trọng.
2. Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường?
Glucose (còn gọi là đường) là nguồn năng lượng chính đi nuôi cơ thể, được chuyển hóa từ các loại thực phẩm mà chúng ta cung cấp cho bản thân mỗi ngày. Trong máu của con người luôn có một lượng Glucose nhất định để đảm bảo việc cung cấp năng lượng cho các hoạt động thường ngày:
- 90 - 130 mg/dl (tức 5 - 7,2 mmol/l) ở thời điểm trước bữa ăn.
- Dưới 180 mg/dl (tức 10 mmol/l) ở thời điểm sau ăn khoảng 1 - 2 tiếng.
- 100 - 150 mg/l (tức 6 - 8,3 mmol/l) ở thời điểm trước khi đi ngủ.
Đo chỉ số Glucose của mình ở những khoảng thời gian đo này và đối chiếu chỉ số cho phù hợp để biết mình có mắc bệnh tiểu đường hay không.
Chỉ số Glucose trong máu bao nhiêu là tiểu đường?Với bệnh nhân đái tháo đường, chỉ số Glucose như sau:
- Đo chỉ số Glucose lúc đói (trong khoảng 8 tiếng chưa ăn) ra kết quả là 126 mg/dl (7 mmol/l) trở lên thì chứng tỏ đã bị tiểu đường. Lưu ý là cần đo 2 lần liên tiếp để có kết quả chính xác hơn bởi đôi khi các thông số này có những dao động lên xuống không đồng nhất. Trong trường hợp đo lại mà kết quả chỉ số sau dưới 110 mg/dl (6,1 mmol/l) nên đem kết quả tới bác sĩ để được tư vấn phù hợp.
- Nếu mức Glucose đo lúc đói trong khoảng 110 - 126 mg/dl (6,1 - 7 mmol/l) thì đang nằm trong giai đoạn bị rối loạn đường huyết lúc đói. Nói cách khác thì đây là giai đoạn tiền tiểu đường. Có khoảng 40% người có chỉ số Glucose như này sẽ mắc bệnh tiểu đường trong 4 - 5 năm sau. Cho nên, nếu đang trong khoảng chỉ số này thì bạn cần có lộ trình điều trị phù hợp, tránh xảy ra bệnh nặng rồi mới điều trị vì vừa kém hiệu quả lại tốn nhiều chi phí.
Nếu bị tiểu đường hay rối loạn đường huyết lúc đói thì người bệnh cũng không quá lo lắng. Với chế độ ăn ít tinh bột, giữ cân nặng ở mức hợp lý, sống lạc quan và duy trì hoạt động thể dục thể thao đều đặn hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh bình thường.
Tại Vinmec luôn cung cấp các Gói sàng lọc Tim mạch và tiểu đường - một trong những phương pháp giúp chúng ta tầm soát và phát hiện sớm bệnh tiểu đường, từ đó đưa ra phác đồ điều trị cụ thể, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh.