Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Chọc hút nước tiểu trên xương mu

28/06/2021
Chọc hút nước tiểu trên xương mu

Chọc hút nước tiểu trên xương mu là phương pháp lấy nước tiểu chẩn đoán và điều trị một số bệnh liên quan đến hệ tiết niệu. Kỹ thuật này chỉ được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.

1. Chọc hút nước tiểu trên xương mu là gì?

Chọc hút nước tiểu trên xương mu là kỹ thuật lấy nước tiểu để chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, hoặc trường hợp dẫn lưu nước tiểu khi Bí tiểu mà phương pháp thông đái không thực hiện được.

Chọc hút nước tiểu trên xương mu được chỉ định trong trường hợp:

  • Nghi ngờ người bệnh bị Nhiễm trùng thận tiết niệu
  • Người bệnh Sốt không rõ nguyên nhân
  • Bí tiểu nhưng không đặt được sonde bàng quang
  • Cấy tìm vi khuẩn niệu làm kháng sinh đồ trong trường hợp khó chữa trị, đặc biệt ở trẻ em
  • Không đặt được sonde tiểu khi người bệnh Bí tiểu và cầu bàng quang bị căng to quá mức

Chọc hút nước tiểu trên xương mu chống chỉ định trong trường hợp:

  • Rối loạn đông máu nặng
  • Trẻ trên 2 tuổi
  • Đang điều trị với chống đông

2. Các bước tiến hành chọc hút nước tiểu trên xương mu

Chọc hút nước tiểu trên xương mu - ảnh 1
Kiểm tra huyết áp cho người bệnh trước khi tiến hành chọc hút nước tiểu trên xương mu

Bước 1: Kiểm tra mạch, huyết áp cho người bệnh trước khi tiến hành chọc hút nước tiểu trên xương mu. Bác sĩ khám và có thể siêu âm để chắc chắn người bệnh có cầu bàng quang ở thời điểm tiến hành thủ thuật.

Bước 2: Bác sĩ rửa tay, mặc áo thủ thuật, đi găng vô trùng

Bước 3: Yêu cầu người bệnh nằm ngửa, chân duỗi thẳng hoặc gập (tư thế chân ếch). Sau đó trải mảnh vải nhựa dưới mông người bệnh sau đó trải săng vô khuẩn không lỗ. Sát trùng rộng toàn bộ vùng chuẩn bị làm thủ thuật.

Bước 4: Xác định vị trí sẽ chọc dò là đường trắng giữa, trên nếp lằn da ngay sát xương mu. Điều dưỡng phụ sát trùng vị trí chọc (da bụng từ khớp vệ đến giữa rốn).

Bước 5: Gây tê da và tổ chức dưới da vùng chọc hút nước tiểu. Chọc kim thẳng đứng qua da và tổ chức dưới da. Khi kim đã qua thành bàng quang thì hút nước tiểu, bỏ 5ml nước tiểu đầu để loại bỏ hồng cầu khi đầu kim đi qua thành bàng quang, tổ chức dưới da sau đó hút nước tiểu cho vào các ống nghiệm. Trường hợp người bệnh bí tiểu thì có thể tiến hành hút bớt nước tiểu trong bàng quang ra ngoài để làm giảm áp lực trong bàng quang cho người bệnh.

3. Theo dõi và xử trí tai biến

Theo dõi sau chọc hút nước tiểu trên xương mu:

  • Chảy máu chỗ chọc hút nước tiểu
  • Dò nước tiểu qua chỗ chọc

Xử trí tai biến:

  • Chảy máu chỗ chọc hút nước tiểu: Cần tiến hành băng ép vị trí chảy máu, theo dõi sát.
  • Chọc quá sâu xuyên qua thành sau bàng quang vào trực tràng dẫn đến nhiễm trùng: Cần điều trị kháng sinh.
  • Nhiễm trùng, rò nước tiểu: Điều trị theo phác đồ chuyên môn.