1. Chụp cộng hưởng từ tim là gì?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp sử dụng 1 từ trường mạnh, các sóng vô tuyến và 1 máy vi tính để chụp các bộ phận trên cơ thể, giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau. Chụp cộng hưởng từ tim là kỹ thuật Chẩn đoán hình ảnh được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán cho các bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh lý ở tim.
Ưu điểm của phương pháp chụp MRI tim mạch là độ tương phản mô mềm cao, độ phân giải không gian cao, có nhiều mặt cắt, không sử dụng tia xạ và không xâm lấn. Toàn bộ quá trình chụp không gây tác dụng phụ như khi chụp X-quang hoặc Chụp CT nhưng vẫn có khả năng phát hiện các vấn đề bất thường sau các lớp xương - điều mà các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác khó làm được. Đồng thời, phương pháp này còn cho hình ảnh nhanh, chính xác hơn so với tia X trong chẩn đoán các bệnh lý tim mạch. Hiện nay, kỹ thuật chụp MRI Tim mạch đã được sử dụng rộng rãi trong các bệnh lý mạch vành, van tim, cơ tim, tim bẩm sinh, suy tim,...
2. Quy trình chụp cộng hưởng từ tim
Cộng hưởng từ tim đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi các bệnh lý tim mạch.
2.1 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
- Bệnh tim bẩm sinh: Đánh giá các bất thường về giải phẫu, luồng thông,... Những bệnh lý bẩm sinh ở tim thường gặp gồm thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot, tắc nghẽn đường ra thất phải, hẹp eo động mạch chủ,...;
- Bệnh lý cơ tim: Cơ tim giãn, cơ tim phì đại, cơ tim không kết bè, Viêm cơ tim, lắng đọng sắt trong cơ tim,...;
- Bệnh lý mạch vành: Đánh giá chức năng và vận động của thất trái, đánh giá tính sống còn cơ tim trong bệnh lý nhồi máu cơ tim;
- U tim Nguyên phát và thứ phát: Cung cấp các tính chất khối u, giúp chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ xâm lấn của khối u;
- Bệnh lý khác: Bệnh lý van tim, bệnh lý màng ngoài tim, bệnh lý chuyển hóa cơ tim.
Chống chỉ định
- Bệnh nhân có thiết bị kim loại cấy ghép trong cơ thể (máy tạo nhịp, máy phá rung) cần lấy ra trước khi chụp vì từ trường cao của máy MRI có thể gây hại cho các thiết bị này;
- Người mắc hội chứng sợ ở trong không gian kín;
- Người có dị vật kim loại trong hộp sọ;
- Phụ nữ Mang thai 3 tháng đầu.
2.2 Chuẩn bị trước khi thực hiện
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật viên điện quang và điều dưỡng;
- Phương tiện kỹ thuật: Máy chụp cộng hưởng từ, phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh;
- Vật tư y tế: Kim luồn chọc tĩnh mạch, bơm tiêm, nước cất (hoặc nước muối sinh lý), bông, gạc, găng tay, băng dính vô trùng, hộp thuốc, dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang;
- Thuốc: Thuốc đối quang từ, thuốc an thần và thuốc sát trùng da;
- Bệnh nhân: Được giải thích kỹ về thủ thuật, không cần nhịn ăn, được kiểm tra các chống chỉ định cần thiết, được hướng dẫn thay quần áo của phòng chụp cộng hưởng từ, tháo bỏ các vật dụng chống chỉ định, có phiếu yêu cầu chụp cộng hưởng từ hoặc hồ sơ bệnh án đầy đủ nếu cần.
2.3 Tiến trình thực hiện
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa trên bàn chụp cộng hưởng từ; lựa chọn, định vị cuộn dây tín hiệu; di chuyển bàn chụp vào vùng khoang máy MRI, định vị vùng chụp;
- Chụp định vị;
- Tùy thuộc bệnh lý và yêu cầu lâm sàng để chụp cộng hưởng từ tim theo các quy trình thích hợp;
- Chụp các chuỗi xung nhằm đánh giá hình thái, chức năng của tim;
- Tiêm thuốc đối quang từ để đánh giá tưới máu cơ tim, đánh giá động học của thuốc qua các buồng tim;
- Tiêm thuốc chụp ở thì muộn sau 10 phút, đánh giá tính sống còn của cơ tim;
- Kỹ thuật viên điện quang xử lý hình ảnh, in phim và chuyển hình ảnh, dữ liệu cho bác sĩ;
- Bác sĩ phân tích hình ảnh MRI thu được.
2.4 Đánh giá kết quả
- Hình ảnh thu được thấy rõ các cấu trúc giải phẫu của động Mạch vành và tim;
- Đánh giá chính xác chức năng của tim.
2.5 Tai biến và cách xử trí
- Bệnh nhân sợ hãi, kích động: Bác sĩ nên động viên và an ủi người bệnh;
- Bệnh nhân quá lo lắng, sợ hãi: Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc an thần dưới sự theo dõi của bác sĩ gây mê;
- Tai biến liên quan tới thuốc đối quang: Tuy không gây độc cho cơ thể nhưng nó có thể gây Dị ứng nhẹ với các biểu hiện như mẩn ngứa, tê chân tay, buồn nôn, đau đầu,... hoặc cũng có thể gây phản ứng nghiêm trọng hoặc nặng như sốc phản vệ. Tùy từng trường hợp cụ thể để có cách xử trí thích hợp theo đúng phác đồ chuẩn.
Chụp cộng hưởng từ tim là phương pháp chẩn đoán, theo dõi bệnh lý tim mạch hiện đại nhất hiện nay. Nhờ kỹ thuật này, bác sĩ có thể tiên lượng, đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả cho bệnh nhân tim bẩm sinh, từ đó ngăn chặn diễn tiến của bệnh, nâng cao cơ hội chữa khỏi bệnh hoặc kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.