Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Đặc điểm và chức năng cơ trơn

27/05/2021
Đặc điểm và chức năng cơ trơn

Cơ trơn là một trong ba loại cơ trong cơ thể chúng ta. Cơ trơn là thành phần cấu tạo của mạch máu, các cơ quan nội tạng rỗng như dạ dày, ruột và bàng quang. Chúng đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng của cơ thể, có thể nói, không có cơ trơn thì chúng ta không thể sống được.

1. Cơ trơn là gì?

Cơ trơn là một trong những loại mô cơ trong cơ thể. Cơ trơn cùng với cơ vân (cơ xương) và cơ tim tạo thành hệ thống cơ bắp trong cơ thể.

Cơ trơn được coi là trơn tru vì nó không có các đường cực nhỏ (các đường vân) như trong cơ vân.

Cơ trơn tạo thành các mô nâng đỡ của các mạch máu, các cơ quan nội tạng rỗng trong cơ thể như:

  • Dạ dày
  • Ruột
  • Bàng quang
  • Phế quản
  • Tử cung
  • Niệu quản
  • Niệu đạo
Đặc điểm và chức năng cơ trơn - ảnh 1
Cấu tạo của cơ trơn

2. Chức năng của cơ trơn là gì?

Cơ trơn là loại cơ yếu nhất trong ba loại cơ. Nhưng nó lại đóng vai trò thiết yếu trong nhiều chức năng của cơ thể.

Cơ trơn được kích hoạt tự động. Khác với cơ vân, chúng ta thậm chí không biết chúng đang hoạt động. Cơ trơn không phụ thuộc vào suy nghĩ có ý thức, hay nói cách đơn giản là chúng ta không thể dùng suy nghĩ của mình để điều khiển hoạt động của cơ trơn. Cơ trơn cũng co thắt để đáp ứng với các kích thích và xung thần kinh.

Khi cơ trơn co bóp, chuyển động bước sóng của nó sẽ đẩy mọi thứ qua hệ thống cơ thể như thức ăn qua dạ dày, nước tiểu qua bàng quang,...

Dưới đây là những chức năng chính của cơ trơn trong cơ thể chúng ta:

2.1. Tham gia vào chức năng lưu thông máu, không khí trong cơ thể

Như mọi người đã biết, trái tim như chiếc máy bơm, bơm máu đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, các cơ trơn trong thành mạch máu (động mạch, tĩnh mạch) cũng có vai trò trong việc lưu thông máu trong cơ thể.

Các cơ trơn này có thể giúp duy trì huyết áp và lưu thông trong trường hợp mất máu hoặc mất nước. Khi chúng giãn rộng sẽ tăng lưu lượng máu trong thời gian tập luyện cường độ cao, khi cơ thể cần nhiều oxy hơn.

Trong cấu tạo của phế quản có lớp cơ trơn được gọi là cơ Reissessen. Lớp cơ này có khả năng giãn rộng giúp cho việc lưu thông không khí được dễ dàng hơn.

Đặc điểm và chức năng cơ trơn - ảnh 2
Cơ trơn trong thành mạch giúp máu lưu thông dễ dàng trong cơ thể

2.2. Tham gia vào chức năng tiêu hóa của cơ thể

Cơ trơn là một trong các thành phần cấu tạo nên đường tiêu hóa của cơ thể kéo dài từ miệng đến hậu môn.

Thức ăn có thể di chuyển qua đường tiêu hóa là nhờ các chuyển động giống như sóng, còn gọi là nhu động do cơ trơn tạo ra. Cơ trơn trong đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già) co lại và giãn ra sẽ tạo thành các chuyển động trên, đẩy thức ăn từ thực quản vào dạ dày.

Các cơ phía trên của dạ dày giãn ra cho phép thức ăn đi vào, trong khi các cơ ở phía dưới trộn thực ăn với dịch tiêu hóa. Thức ăn sau khi được tiêu hóa ở dạ dày được tống xuống ruột non, sau đó xuống ruột già tạo thành phân và được đưa ra ngoài cơ thể. Tất cả đều nhờ chuyển động của cơ trơn, còn được gọi là nhu động ruột.

2.3. Tham gia vào chức năng đi tiểu của cơ thể

Hệ thống tiết niệu trong cơ thể chúng ta bao gồm cả cơ trơn và cơ vân. Hệ thống này gồm các bộ phận sau:

  • Bàng quang
  • Thận
  • Dương vật hoặc âm vật
  • Tuyến tiền liệt (nam giới)
  • Niệu quản
  • Niệu đạo

Các cơ và dây Thần kinh phải phối hợp với nhau để giữ và giải phóng nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Đặc điểm và chức năng cơ trơn - ảnh 3
Cơ trơn tham gia vào chức năng đi tiểu của cơ thể

2.4. Tham gia vào chức năng sinh con ở phụ nữ

Trong quá trình mang thai, các cơ trơn ở tử cung sẽ giãn rộng để cho thai Nhi phát triển. Khi chuyển dạ, các cơ này sẽ giãn rộng và co lại để đẩy em bé ra ngoài qua âm đạo.

Cùng với đó là hoạt động của các cơ sàn chậu giúp hướng đầu em bé xuống phía âm đạo, để ra ngoài.

2.5. Tham gia vào chức năng điều tiết đồng tử

Tùy theo lượng ánh sáng chiếu vào Mắt chúng ta mà đồng tử sẽ co lại hoặc giãn ra. Những động tác này phụ thuộc vào chuyển động của các cơ trơn ở mắt.

Cơ trơn là một trong ba loại cơ của cơ thể chúng ta. Cơ trơn là thành phần cấu tạo của nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể như hệ thống mạch máu, các cơ quan rỗng như dạ dày, ruột, bàng quang, tử cung,... Chính vì vậy cơ trơn đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như lưu thông máu và không khí, tiêu hóa, đi tiểu, sinh con,... Một cách ngắn gọn để nói về tầm quan trọng của cơ trơn trong cơ thể đó là: thiếu cơ trơn, chúng ta sẽ không thể sống được.

Nguồn tham khảo: medicinenet.com; healthline.com; medicalnewstoday.com