Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, Chẩn đoán và điều trị

06/09/2020
Đái tháo đường thai kỳ: Nguyên nhân, Chẩn đoán và điều trị

Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ được định nghĩa là những trường hợp được phát hiện đường huyết cao lần đầu tiên trong thời gian mang thai, không loại trừ khả năng có ĐTĐ từ trước mà chưa được chẩn đoán.

Ngày nay, ĐTĐ thai kỳ đang có chiều hướng gia tăng do sự gia tăng tỷ lệ béo phì, ĐTĐ type 2 ở người trẻ và đề kháng insulin trong hội chứng buồng trứng đa nang. Hiện nay, ước tính có khoảng 5% phụ nữ Mang thai bị bệnh ĐTĐ thai kỳ và thường gặp ở 3 tháng giữa của thai kỳ.

1. Thời điểm nào cần tầm soát ĐTĐ thai kỳ?

  • Đối với những thai phụ có yếu tố nguy có cao: Tuổi > 35, béo phì, có tiền sử bị ĐTĐ thai kỳ, sinh con to > 4kg, buồng trứng đa nang, Thai chết lưu không rõ nguyên nhân, có tiền sử gia đình bị ĐTĐ, đường niệu (+) thì nên được làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh ĐTĐ thai kỳ từ lần khám thai đầu tiên. Nếu Xét nghiệm ở 3 tháng đầu của thai kỳ thì áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ như người bình thường (bỏ tiêu chẩn về HbA1C).
  • Thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ ở tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ cho tất cả các thai phụ chưa được chẩn đoán ĐTĐ trước đó.
  • Thực hiện xét nghiệm để chẩn đoán ĐTĐ thực sự (bền vữngt) đối với thai phụ có ĐTĐ thai kỳ sau khi sinh từ 4 – 12 tuần (áp dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ như người bình thường).
  • Ở phụ nữ có ĐTĐ thai kỳ nên xét nghiệm để phát hiện sự tiến triển của ĐTĐ hay tiền ĐTĐ ít nhất mỗi 3 năm/lần.

2. Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ như thế nào?

Có hai phương pháp chẩn đoán:

Phương pháp 1: Một bước: Dùng nghiệm pháp dung nạp 75g đường Glucose uống. Xét nghiệm được thực hiện vào buổi sáng khi thai phụ đã nhịn ăn được 8 giờ. Đo nồng độ đường huyết tại các thời điểm lúc đói (trước uống đường), và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ sau uống đường. Kết quả chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ khi có 2/3 mẫu máu thỏa mãn các tiêu chuẩn sau:

  • Đường máu lúc đói ≥ 5,1 mmol/l (92 mg/dl)
  • Đường máu ở thời điểm 1 giờ ≥ 10 mmol/l (180 mg/dl)
  • Đường máu ở thời điểm 2 giờ ≥ 8,5 mmol/l (153 mg/dl)

Phương pháp 2: Hai bước

  • Bước 1: Uống 50g glucose (trước đó không nhịn đói), đo Glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ sau uống đường, nếu kết quả thu được ≥ 7,2 mmol/l thì làm tiếp bước thứ 2.
  • Bước 2: Bệnh nhân nhịn đói 8 giờ, uống 100g glucose pha trong 250-300ml nước. Đo mức glucose huyết tại các thời điểm: Lúc đói, 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ sau uống đường. Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ khi có 2/4 mẫu máu thỏa mãn các yêu cầu sau:


3. Thai Nhi của các thai phụ bị ĐTĐ thai kỳ có nguy cơ gì?

3.1. Các dị tật bẩm sinh

Nếu người mẹ không được kiểm soát tốt đường huyết thì thai nhi có nguy cơ cao bị mắc các dị tật bẩm sinh. Tỷ lệ này là 6-12% ở các bà mẹ không được kiểm soát đường huyết tốt. Các dị tật có thể gặp phải: Dị tật ở hệ Thần kinh (thai vô sọ, nứt đốt sống, Não úng thủy), hệ tiết niệu (teo thận, nang thận, hai niệu đạo), nhưng phổ biến nhất là các dị tật Tim mạch (thông liên thất, thông liên nhĩ, đảo chỗ các mạch máu lớn)….

3.2. Thai to trên 4000g hoặc thai kém phát triển

3.3. Đa ối

3.4. Xảy thai hoặc thai chết lưu

4. Điều trị ĐTĐ thai kỳ như thế nào?

4.1. Mục tiêu kiểm soát đường huyết

  • Các bệnh nhân này phải được kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
  • Đường huyết lúc đói < 5,8 mmo/l, đường huyết 1 giờ sau ăn < 7,8 mmol/l và 2 giờ sau ăn < 7,2 mmol/l. Không nên để mức đường huyết lúc đói thấp < 3,4 mmol/l.

4.2. Dinh dưỡng điều trị

  • Tổng số năng lượng mỗi ngày dành cho bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ được tính dựa trên cân nặng lý tưởng. Tổng số năng lượng mỗi ngày là 30 Kcal/kg. Chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo sự tăng trọng cần thiết trong thai kỳ: 0,45kg/mỗi tháng trong quý đầu, 0,2 - 0,35 kg/mỗi tuần trong quý 2 và quý 3 của thai kỳ.
  • Tổng số năng lượng trong cả ngày nên chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn quá nhiều carbon hydrat vào bữa sáng.

4.3. Điều trị bằng thuốc

  • Cho đến nay Insulin human là thuốc duy nhất được FDA công nhận cho điều trị ĐTĐ thai kỳ.
  • Các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ cần đo đường huyết 4- 6 lần/ngày (vào trước bữa ăn, 2h sau ăn và trước khi đi ngủ). Cần liên hệ với bác sỹ ngay khi đường huyết cao hoặc thấp hơn bình thường.

Tóm lại, những thai phụ có yếu tố nguy cơ cao cần được sàng lọc Đái tháo đường thai kỳ ngay từ lần khám thai đầu tiên, những thai phụ chưa được chẩn đoán Đái tháo đường trước đó cần được sàng lọc Đái tháo đường thai kỳ từ tuần thứ 24- 28 của thai kỳ. Những bệnh nhân Đái tháo đường thai kỳ cần đươc kiểm soát đường huyết chặt chẽ và theo dõi thường xuyên sự phát triển của thai nhi để phát hiện sớm, kịp thời những biến chứng để có những biện pháp can thiệp thích hợp, hiệu quả.