Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh: Những điều cần biết

21/06/2021
Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh: Những điều cần biết

Thực tế hiện nay có rất nhiều trẻ sơ sinh không ăn uống được bằng đường miệng mà cần phải nuôi dưỡng bằng phương pháp đặt ống thông dạ dày. Phương pháp đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh này nhằm đưa thức ăn vào ống thông đến tận dạ dày của trẻ, đồng thời cũng góp phần dẫn lưu khí từ dạ dày của trẻ sơ sinh.

1. Tổng quan về đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh: Những điều cần biết - ảnh 1

Đặt ống thông dạ dày giúp đưa thức ăn và thuốc vào dạ dày của bé

Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh là biện pháp dùng ống thông để đưa thức ăn đến dạ dày của trẻ, có thể bằng đường mũi hay đường miệng đối với những đứa trẻ không có khả năng ăn uống bình thường được.

Nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh có thể được tiến hành tại bệnh viện. Đặt ống thông dạ dày giúp đưa thức ăn, đưa thuốc vào dạ dày của bé. Đặt sonde dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể trước mỗi lần cho ăn sau đó rút ra, hoặc có thể đặt cố định tại chỗ để nuôi dưỡng trẻ sơ sinh trong thời gian dài.

Những mục đích quan trọng của việc đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh là:

  • Dẫn lưu, lấy mẫu dịch dạ dày phục vụ cho việc làm Xét nghiệm cận lâm sàng, rửa dạ dày.
  • Giúp các bác sĩ theo dõi được tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.
  • Đưa thuốc, thức ăn vào dạ dày.
  • Góp phần chẩn đoán bệnh lý teo thực quản bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Chỉ định nuôi ăn qua sonde dạ dày ở trẻ sơ sinh bao gồm những đối tượng như sau:

  • Trẻ em không chịu ăn, ăn ít dẫn đến tình trạng không thể tăng cân.
  • Mất phản xạ bú, nuốt.
  • Trẻ em có dị tật về đường tiêu hóa và các bệnh lý, hiện tượng như bụng chướng, viêm ruột hoại tử, teo, tắc đường tiêu hóa bẩm sinh...
  • Trẻ em mắc phải những bệnh lý hệ Hô hấp cần phải dẫn lưu khí từ dạ dày hoặc dẫn lưu dịch dạ dày, điển hình là tình trạng thở máy, thở CPAP...
  • Trẻ em gặp tình trạng mất cân bằng điện giải, thải trừ.
  • Trẻ em mắc những bệnh lý khác và cần lấy dịch dạ dày làm xét nghiệm củng cố chẩn đoán bệnh.
Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh: Những điều cần biết - ảnh 2
Trẻ em không chịu ăn, ăn ít dẫn đến tình trạng không thể tăng cân.

2. Các loại ống thông dạ dày

Trước khi tiến hành đặt sonde dạ dày cho trẻ em, bác sĩ và nhân viên y tế cần chuẩn bị ống thông dạ dày có kích thước phù hợp với độ tuổi của trẻ. Trong trường hợp đặt ống thông với mục đích rửa dạ dày hoặc dẫn lưu dịch, khí dạ dày thì cần chọn ống thông dạ dày tương đối lớn hơn. Ngoài ra, còn cần phải chuẩn bị ống tiêm 20ml, găng tay sạch, khay hạt đậu, gạc, cây đè lưỡi, băng keo, ống nghe, que gòn, viết acetone, nước cất hoặc nước muối sinh lý để phục vụ cho việc đặt ống thông dạ dày.

Tùy theo độ tuổi của bé mà có các loại ống thông dạ dày với kích thước khác nhau như sau:

  • Trẻ sơ sinh đẻ non tháng: cỡ ống là 5-6.
  • Trẻ sơ sinh đẻ đủ tháng: cỡ ống là 6-8.
  • Trẻ nhỏ: cỡ ống là 8.
  • Trẻ lớn: cỡ ống là 8-10.

3. Quy trình đặt sonde dạ dày trẻ em

Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc sau:

  • Dùng ống nghe để nghe tim trước và sau khi đặt ống thông dạ dày vì phản xạ Thần kinh số X có thể làm chậm nhịp tim của trẻ.
  • Việc rút ống thông dạ dày ở trẻ sơ sinh phẫu thuật thực quản, dạ dày cần có chỉ định của bác sĩ. Nếu có trường hợp tuột ống, không tự động đặt lại mà cần báo cho bác sĩ điều trị để có hướng xử lý phù hợp.
  • Thay ống 3 ngày/lần và đặt lại ở mũi phía bên kia.
  • Trẻ sơ sinh thì nên đặt ống thông dạ dày qua đường miệng.

Các bước cho ăn qua sonde dạ dày được tiến hành như sau:

  • Thông báo, chuẩn bị và giải thích cho người nhà trẻ trước khi tiến hành kỹ thuật.
  • Đảm bảo vô khuẩn bằng cách rửa tay đúng quy trình, mang khẩu trang.
  • Chuẩn bị dụng cụ.
  • Mang găng tay.
  • Đặt trẻ nằm ở tư thế ngửa, đầu cao 1 góc 30°, cố định bệnh nhân để việc thực hiện được xảy ra thuận lợi.
  • Ước lượng chiều dài ống phù hợp với bệnh nhân bằng cách đo từ miệng hay lỗ mũi của bé đến vành tai dưới, rồi xuống điểm giữa đoạn nối mũi ức đến rốn, dùng bút đánh dấu lên ống.
  • Làm ấm và trơn đầu ống bằng cách nhúng nó vào nước cất hoặc nước muối sinh lý.
  • Giữ đầu của đứa trẻ và từ từ nhẹ nhàng đưa ống thông vào mũi hoặc miệng của bé, đối với miệng thì dùng ngón tay trỏ đẩy lưỡi của bé xuống dưới còn đối với mũi thì hướng ống về phía chẩm, không hướng lên trên, nếu không được thì ta đổi sang mũi bên còn lại.
  • Gập nhẹ cổ của bé, nhẹ nhàng đẩy ống theo nhịp nuốt của cơ thể bé đến ngay đoạn ống đã được đánh dấu ở những bước trước đó. Kiểm tra ống thông đã vào đúng vị trị hay chưa bằng cách dùng ống tiêm gắn vào ống thông và rút ra xem có dịch hay không, sử dụng ống nghe để nghe ở vị trí thượng vị có tiếng khí di chuyển khi ta dùng ống tiêm bơm hơi vào dạ dày hay không, nếu có dịch thì đo độ pH của dịch rút ra được từ ống thông và đây cũng là cách phổ biến nhất để kiểm tra vị trí của ống, cũng có thể chụp X-quang để xác định lại vị trí ống thông. Đối với đối tượng là trẻ lớn, tỉnh táo thì có thể bảo bệnh nhân phối hợp thực hiện kỹ thuật bằng cách nuốt và đồng thời đưa ống vào, sau đó dùng cây đè lưỡi để xem ống có cuộn trong miệng hay không, nếu có cảm giác vướng thì lập tức dừng lại, xoay ống và đặt lại. Trường hợp teo thực quản bẩm sinh thì ống sẽ không đưa được đến mức đã đánh dấu bằng bút trước đó, cần chụp X-quang để xác định bệnh lý.
  • Quan sát trẻ có đột ngột khó thở, tím tái hay không để kịp thời rút ống ra.
  • Cố định ống bằng băng keo.
  • Ghi nhận ngày, giờ đặt ống thông dạ dày lên ống thông dạ dày.
  • Dọn dẹp dụng cụ, rửa tay.
  • Ghi nhận vào hồ sơ những vấn đề sau: ngày, giờ, tên người thực hiện đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh, mục đích đặt ống, vị trí đặt ống thông dạ dày, kích thước ống, lượng cũng như tính chất của dịch dạ dày, gửi xét nghiệm dịch dạ dày nếu có chỉ định của bác sĩ điều trị, phản ứng của bệnh nhân nếu có.
  • Sau khi ống thông đã cố định, sữa mẹ, sữa công thức hay thuốc sẽ được tiêm vào ống thông bằng một ống tiêm bơm hoặc 1 máy bơm. Điều lưu ý là trước khi nuôi ăn qua sonde dạ dày ở trẻ sơ sinh, cần hút dịch dạ dày trước mỗi lần cho ăn để đánh giá được lượng dịch bị ứ đọng trong dạ dày.
  • Sau khi trẻ ăn xong thì sẽ được bác sĩ tiến hành rút sonde ra khỏi dạ dày và lúc này, cần để trẻ ở vị trí thẳng đứng hay hơi nghiêng người để ngăn chặn hiện tượng trào ngược dạ dày xảy ra.
  • Nếu đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh với mục đích dẫn lưu thì đầu phía ngoài của ống phải được đưa vào một túi sạch cố định bằng băng dính, đặt ở vị trí thấp hơn dạ dày với dẫn lưu dịch, và cao hơn dạ dày với dẫn lưu khí.
  • Một điều lưu ý khi rút ống thông dạ dày nữa đó là cần phải gập đầu ống lại khi rút nhằm ngăn ngừa tình trạng dịch chảy vào thanh quản. Đặt ống thông dạ dày có thể để đến thời gian là 1 tuần.

4. Nguy cơ của nuôi dưỡng qua ống thông dạ dày

Sau khi thực hiện đặt sonde dạ dày cho trẻ sơ sinh, có thể gặp phải những nguy cơ như sau:

Một số trường hợp nuôi ăn qua sonde dạ dày ở trẻ sơ sinh còn gặp một số biến chứng khi đặt ống thông dạ dày sai vị trí hoặc thay đổi vị trí ống thông trong quá trình truyền thức ăn, thuốc vào cơ thể như:

  • Ngưng thở, chậm nhịp tim, tím tái, SpO2 giảm.
  • Thủng hầu họng, thực quản, dạ dày, tá tràng.
  • Sặc sữa, viêm phổi hít.
  • Cuộn, tắc ống.
  • Trào ngược dạ dày thực quản gây nôn.

Tuy nhiên, trên thực tế nếu tuân thủ quy trình đặt sonde dạ dày trẻ em một cách nghiêm ngặt thì những biến chứng kể trên rất ít khi xảy ra.

Đặt ống thông dạ dày cho trẻ sơ sinh là một phương pháp phổ biến hiện nay đối với những trẻ không tự bú mẹ hay ăn theo cách thông thường được. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp nuôi dưỡng trẻ sơ sinh tạm thời, bổ sung Dinh dưỡng tạm thời cho bé cho đến khi bé hoàn toàn có khả năng ăn uống bình thường.