Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Đặt và tháo dụng cụ tử cung tránh thai

21/06/2021
Đặt và tháo dụng cụ tử cung tránh thai

Tránh thai bằng dụng cụ tử cung là phương pháp tránh thai khoa học, hiệu quả và an toàn. Việc đặt và tháo dụng cụ tử cung tránh thai cũng diễn ra chủ động, nhanh chóng. Tuy nhiên, chị em phụ nữ cũng cần tìm hiểu thật kỹ phương pháp này để hiểu rõ hơn ưu điểm và nhược điểm của nó trước khi quyết định đặt dụng cụ tử cung.

1. Dụng cụ tử cung tránh thai là gì?

Dụng cụ tử cung tránh thai thường có hình chữ T, kích thước nhỏ, được đặt vào trong buồng tử cung với mục đích tránh thai. Phía cuối của dụng cụ được nối với một sợi dây. Sợi dây này sẽ được kéo ra ngoài cổ tử cung để kiểm tra định kỳ, xác định dụng cụ có đang ở đúng vị trí hay không.

Dụng cụ tử cung tránh thai còn được gọi là vòng tử cung, do trước đó dụng cụ tử cung sử dụng loại hình tròn, hình dáng tương tự như chiếc nhẫn. Tuy nhiên hiện nay, dụng cụ tránh thai hầu hết đã chuyển sang loại chữ T.

Cơ chế tránh thai của dụng cụ tử cung là ngăn cản trứng và tinh trùng tiếp xúc với nhau. Dụng cụ tử cung sẽ làm thay đổi nội mạc tử cung, khiến cho tinh trùng và trứng không thể gặp nhau.

2. Các loại dụng cụ tử cung tránh thai

2.1. Multiload

  • Có nhiều cỡ khác nhau
  • Mềm dẻo, không gây tổn thương góc đáy
  • Cành ngang cong mềm, cố định tốt trong tử cung.

2.2.Tcu 380A

  • Quá trình đặt và tháo lắp dễ dàng
  • Diện tích vòng đồng rộng
  • Hiệu quả tránh thai cao.

2.3. Mirena

  • Hiện đại, hiệu quả tránh thai cao
  • Có khả năng làm giảm đau bụng kinh
  • Tuy nhiên, giá cả khá cao.
Đặt và tháo dụng cụ tử cung tránh thai - ảnh 1
Mirena là dụng cụ tránh thai được sử dụng phổ biến

3. Ưu điểm và khuyết điểm của dụng cụ tránh thai

3.1. Ưu điểm

  • Hầu hết vòng tránh thai đều khá rẻ tiền (trừ mirena), phù hợp với đa dạng các cặp vợ chồng
  • Khả năng tránh thai cao, lên tới 97%
  • Thời gian sử dụng lâu dài
  • Quá trình đặt và tháo dễ dàng, nhanh chóng, chủ động được thời gian đặt và tháo dụng cụ tử cung.

3.2. Khuyết điểm

  • Chỉ có thể đặt và tháo tại các cơ sở y tế theo quy định
  • Có thể xảy ra hiện tượng rong huyết trong thời gian đầu đặt
  • Có thể bị đau lưng, đau tử cung do cơn co thắt
  • Thời gian đầu ra nhiều khí hư.

4. Đặt và tháo dụng cụ tử cung

Thời gian sử dụng của dụng cụ tử cung có thể kéo dài 12 năm, tùy thuộc vào từng loại sẽ có mốc thời gian cụ thể. Tuy nhiên, có thể yêu cầu bác sĩ lấy dụng cụ tử cung ra bất cứ lúc nào.

Sau khi đặt dụng cụ tử cung, chị em phụ nữ có thể sinh hoạt bình thường, bao gồm cả việc quan hệ tình dục, tập thể dục, đi bơi... mà không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.

Đặt và tháo dụng cụ tử cung tránh thai - ảnh 2
Tập thể dục bình thường sau khi đặt dụng cụ tử cung tránh thai

Có thể kiểm tra dụng cụ tử cung bằng cách đưa ngón tay vào âm đạo kiểm tra dây. Nếu không sờ thấy dây của dụng cụ tử cung thì có thể dụng cụ tử cung đã không còn ở đúng vị trí. Trường hợp này cần đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra và chỉnh lại.

Sau khi đặt dụng cụ tử cung cần kiểm tra định kỳ hàng năm để đảm bảo sức khỏe cho chị em và hiệu quả ngừa thai.