Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Điều trị bệnh nhân đái tháo đường nhiễm ceton acid

31/05/2021
Điều trị bệnh nhân đái tháo đường nhiễm ceton acid

Nhiễm toan ceton là một biến chứng cấp tính rất nguy hiểm và có thể gây tử vong nhanh chóng đối với bệnh nhân đái tháo đường type 1. Chính vì vậy những bệnh nhân bị đái tháo đường nhiễm ceton acid cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Đái tháo đường nhiễm ceton acid là gì?

Nhiễm ceton acid hay còn được gọi là Nhiễm toan ceton là tình trạng mất bù cấp tính nặng của bệnh đái tháo đường, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được xử trí kịp thời bằng insulin, truyền dịch và điều chỉnh các rối loạn điện giải và các yếu tố nguy cơ khác.

Nhiễm toan ceton có các dấu hiệu sinh hóa như glucose huyết tăng cao, trên 250mg/dl (13,9 mmol/L), độ pH máu < 7,3, dự trữ kiềm giảm dưới 15 mEq/l, Xét nghiệm ceton trong máu dương tính và ceton trong nước tiểu dương tính mạnh.

Cơ chế của tình trạng này là do thiếu hụt insulin - một chất quan trọng trong việc giúp cho glucose đi từ máu vào trong các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Glucose chính là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ bắp và các mô khác.

Khi thiếu hụt insulin, cơ thể sẽ phải sử dụng nguồn nhiên liệu khác đó là chất béo. Quá trình phân hủy chất béo để lấy năng lượng sẽ tạo ra sự tích tụ axit trong máu gọi là ceton. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiễm ceton acid ở bệnh nhân đái tháo đường.

Điều trị bệnh nhân đái tháo đường nhiễm ceton acid - ảnh 1
Bệnh nhân có thể nhiễm toan ceton nặng do bệnh đái tháo đường

Nhiễm toan ceton là một biến chứng đái tháo đường, nó có thể là biểu hiện ban đầu của đái tháo đường type 1. Cũng có khi là kết quả của việc tăng nhu cầu insulin ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 trong các tình trạng sau:

  • Nhiễm khuẩn;
  • Chấn thương;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Phẫu thuật;

Tuy nhiên, biến chứng nhiễm toan ceton không phải chỉ gặp ở những bệnh nhân đái tháo đường type 1, mà những bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng có thể gặp phải tình trạng này trong một số điều kiện như:

  • Stress nghiêm trọng
  • Nhiễm khuẩn mủ

2. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết nhiễm toan ceton

Trước khi rơi vào tình trạng hôn mê từ 1 ngày trở lên, bệnh nhân nhiễm toan ceton thường có biểu hiện đa niệu và Rối loạn tiêu hóa cùng với biểu hiện mệt mỏi rõ rệt, buồn nôn, nôn và cuối cùng là rơi vào trạng thái Lơ mơ có thể tiến triển thành hôn mê.

Khi thăm khám có thể phát hiện dấu hiệu Mất nước ở bệnh nhân Lơ mơ với hơi thở nhanh sâu và có mùi “hoa quả” của ceton acid. Đây là gợi ý quan trọng cho việc chẩn đoán.

Hạ huyết áp với Nhịp tim nhanh cho thấy bệnh nhân có tình trạng Mất nước và điện giải nghiêm trọng. Bệnh nhân cũng thường có hạ thân nhiệt. Bệnh nhân có thể thấy đau bụng và tăng nhạy cảm khi không có bệnh ở bụng.

Điều trị bệnh nhân đái tháo đường nhiễm ceton acid - ảnh 2
Bệnh nhân nhiễm toan ceton nhanh chóng rơi vào trạng thái hôn mê

Xét nghiệm cận lâm sàng phát hiện các dấu hiệu sau:

  • Glucose niệu 4+;
  • Ceton niệu tăng;
  • Ceton huyết;
  • pH máu động mạch thấp;
  • Carbonat huyết tương thấp.

Đây là các dấu hiệu đặc trưng của tình trạng nhiễm toan ceton đái tháo đường. Ngoài ra, nồng độ Kali huyết tương tăng mặc dù tổng lượng kali toàn bộ cơ thể giảm do tình trạng đa niệu kéo dài và nôn.

Amylase thường tăng nhưng chủ yếu là amylase nước bọt và amylase tụy. Chính vì vậy, trong tình trạng này amylase Huyết thanh không phải là dấu hiệu rõ ràng của viêm tụy cấp.

3. Điều trị đái tháo đường nhiễm ceton acid

Bệnh nhân đái tháo đường nhiễm ceton acid cần phải được điều trị kịp thời, bởi đây là một tình trạng cấp cứu. Điều trị nhiễm toan ceton gồm nhiều khâu cần phải được giải quyết đồng thời. Các bước quan trọng trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường nhiễm ceton acid đó là:

  • Chẩn đoán đúng;
  • Truyền tĩnh mạch và bồi hoàn dịch;
  • Dùng insulin: mục tiêu của việc sử dụng insulin đó là để làm giảm sự giải phóng acid béo từ mô mỡ. Từ đó sẽ giảm acid béo đến gan làm giảm quá trình sản sinh ra thể ceton. Insulin cũng có tác dụng ức chế sự sản xuất glucose từ gan và tăng cường sự thu nạp glucose vào trong các tế bào cơ;
  • Điều chỉnh rối loạn nước và điện giải: phòng ngừa giảm kali, giảm các triệu chứng nhiễm toan. Đa số bệnh nhân nhiễm ceton acid sẽ bị thiếu hụt một lượng dịch từ 4-5 lít. Dung dịch muối 0,9% sẽ là dung dịch được lựa chọn đầu tiên để bù lại lượng dịch đã mất, cần được tiến hành ngay tại phòng cấp cứu khi được chẩn đoán xác định;
  • Chống phù não;
  • Giảm nguy cơ huyết tắc;
  • Điều trị các bệnh đi kèm như nhiễm trùng, Chấn thương hay nhồi máu cơ tim,...;
  • Chăm sóc bệnh nhân hôn mê.
Điều trị bệnh nhân đái tháo đường nhiễm ceton acid - ảnh 3
Bệnh nhân được truyền tĩnh mạch sau khi được chuẩn đoán nhiễm ceton acid

Các triệu chứng và dấu hiệu của tình trạng nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường thường tiến triển nhanh chóng, đôi khi chỉ trong vòng 24 giờ. Đây là tình trạng cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy để phòng tránh tình trạng này, mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường nếu có. Còn với những bệnh nhân đang điều trị đái tháo đường cần kiểm tra đường huyết thường xuyên, nếu có các biểu hiện bất thường cần nhanh chóng đến bệnh viện ngay.