Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Điều trị rách sụn chêm bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

22/06/2021
Điều trị rách sụn chêm bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Khi bị rách sụn chêm, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như chườm đá, dùng thuốc, phẫu thuật,...

1. Các phương pháp điều trị rách sụn chêm phổ biến hiện nay

1.1. Sơ lược về Chấn thương sụn chêm

Sụn chêm là bộ phận nằm ở khớp gối, có cấu trúc nhỏ, có tác dụng hấp thu và truyền lực từ lồi cầu đùi xuống mâm chày, giúp giữ vững gối và chống tổn thương khớp. Vì khớp gối khá lỏng lẻo nên rất dễ bị chấn thương như gãy xương, đứt dây chằng, trật khớp,... Và rách sụn chêm cũng là tổn thương hay gặp ở khớp gối.

Về nguyên nhân chấn thương, người trẻ chủ yếu bị rách sụn chêm sau một chấn thương đột ngột. Còn ở người già, sụn chêm thường bị rách do thoái hóa.

Khi sụn chêm bị rách nhỏ, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhẹ và sưng khớp gối, thường kéo dài trong khoảng 2 - 3 tuần. Khi bị rách nhiều hơn, người bệnh sẽ bị đau ở khe khớp hoặc trung tâm khớp gối, sưng khớp, cứng khớp, khó vận động,... Còn khi sụn chêm bị rách quá lớn, miếng rách sụn chêm có thể di chuyển vào trong khe khớp, gây kẹt khớp, khóa khớp, khiến bệnh nhân không duỗi thẳng khớp gối được, bị sưng hoặc cứng khớp.

Điều trị rách sụn chêm bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) - ảnh 1 Điều trị rách sụn chêm bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) - ảnh 2
Hình ảnh sụn chêm ở khớp gối khi bị rách

1.2. Điều trị rách sụn chêm như thế nào?

Quyết định điều trị rách sụn chêm sẽ dựa trên những yếu tố như: loại rách, vị trí rách và mức độ trầm trọng của chấn thương. Ngoài ra, tuổi tác và mức độ vận động của bệnh nhân cũng ảnh hưởng tới lựa chọn điều trị của bác sĩ.

  • Điều trị bảo tồn

Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bảo tồn cho những trường hợp bị rách sụn chêm với miếng rách nhỏ, bệnh nhân ít đau và gối còn vững. Phương pháp điều trị chủ yếu là chườm đá, Bất động khớp gối, hạn chế vận động, kết hợp sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm và chống phù nề.

  • Điều trị phẫu thuật

Với sụn chêm bị rách lớn, các bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân điều trị phẫu thuật: có thể mổ hở hoặc nội soi. Hiện nay, phẫu thuật Nội soi được sử dụng phổ biến hơn vì nó ít xâm lấn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau phẫu thuật, đảm bảo tính Thẩm mỹ và điều trị triệt để. Hiện nay, có 2 phương pháp thường áp dụng để phẫu thuật sụn chêm rách là:

  • Khâu sụn chêm rách: chỉ định cho trường hợp bệnh nhân bị rách dọc, vùng 1⁄3 ngoài sát bao khớp - nơi có nguồn cung cấp máu dồi dào, rách mới trước 4 tuần.
  • Cắt tạo hình lại sụn chêm: chỉ định cho trường hợp rách sụn chêm trên 6 tuần, vị trí rách ở vùng 2⁄3 trong - vùng máu nuôi ít.

Sau khi phẫu thuật cắt tạo hình sụn chêm, bệnh nhân sẽ thực hiện phục hồi chức năng trong tối thiểu 6 tuần.

Điều trị rách sụn chêm bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) - ảnh 3
Bệnh nhân rách sụn chêm cần được điều trị kịp thời, hiệu quả

2. Điều trị rách sụn chêm bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Ngoài dùng thuốc hay phẫu thuật, các bệnh nhân bị rách sụn chêm hiện còn có một lựa chọn trị bệnh khác, đó là sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP).

2.1. Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là gì?

Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet Rich Plasma - PRP) là thành phẩm thu được từ máu của người bệnh (tự thân) với hàm lượng tiểu cầu cao và các yếu tố phân tử sinh học cao gấp nhiều lần so với mức thông thường. Tiểu cầu sẽ làm tăng tốc độ phục hồi tại chỗ của mô tế bào, giúp làm lành nhanh chóng vùng tổn thương trên cơ thể. Nhờ đó, áp dụng điều trị bằng phương pháp PRP sẽ giúp tái tạo các tổ chức tổn thương một cách nhanh chóng, an toàn, ít gây đau đớn.

Huyết tương giàu tiểu cầu giúp giảm viêm và đau; kích thích phục hồi các mô tế bào bị tổn thương (gân, cơ, sụn,...); tái tạo và phục hồi chức năng cơ xương khớp; giúp rút ngắn thời gian phục hồi chức năng các cơ quan.

Lưu ý khi sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu

  • Nồng độ Hemoglobin máu dưới 110g/l.
  • Tiểu cầu máu dưới 150.000 /mm3.
  • Thai nghén.
  • Thoái hóa khớp gối chưa loại trừ được các bệnh kèm theo như Viêm khớp gối nhiễm khuẩn (viêm khớp mủ, lao khớp).
  • Nhiễm khuẩn ngoài da vùng quanh khớp gối, nhiễm nấm... khi tiêm có nguy cơ đưa vi khuẩn, nấm vào trong khớp gối.
  • Tiêm corticoid/ acid hyaluronic tại khớp gối tổn thương với mũi tiêm gần nhất trong vòng 6 tuần trước.
  • Thận trọng với bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, Viêm khớp dạng thấp, bệnh máu trong đó có các bệnh lý rối loạn chức năng tiểu cầu, bệnh lý Tim mạch nặng, nhiễm khuẩn toàn thân, bệnh lý ác tính, suy giảm miễn dịch, đang dùng liệu pháp chống đông... Chỉ thực hiện thủ thuật tiêm PRP khi các bệnh lý trên đã được kiểm soát tốt.
  • Trường hợp bệnh nhân đang dùng thuốc chống viêm không steroid thì phải ngừng trong vòng 1 tuần trước điều trị tiêm PRP hoặc acid hyaluronic.

2.2. Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có thể trị rách sụn chêm được không?

Huyết tương giàu tiểu cầu được các bác sĩ Vinmec chỉ định sử dụng để điều trị chấn thương sụn chêm. Quy trình điều trị như sau:

  • Sau khi được khám, có chỉ định tiêm PRP, bệnh nhân sẽ được lấy máu và chuyển tách chiết PRP dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia đầu ngành.
  • Sau khi các thành phần của máu được tách riêng (sau khoảng 1 giờ), các bác sĩ sẽ lấy phần huyết tương giàu tiểu cầu với liều lượng phù hợp tiêm trực tiếp vào vùng bị tổn thương. Tuỳ thuộc vào trạng thái lâm sàng của bệnh và các tiêu chí do bác sĩ đặt ra mà bệnh nhân sẽ được khuyên thực hiện 2 - 3 mũi tiêm PRP.
  • Sau tiêm, người bệnh có thể được về nhà ngay và tái khám sau 3 – 4 tuần để đánh giá hiệu quả điều trị.
Điều trị rách sụn chêm bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) - ảnh 4
Tiêm PRP để điều trị chấn thương sụn chêm

Sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu là phương pháp điều trị rách sụn chêm an toàn vì lấy máu của người bệnh nên không có khả năng lây nhiễm bệnh, Dị ứng hay không tương thích với bất kỳ thành phần nào trong PRP. Áp dụng phương pháp này giúp bệnh nhân chấm dứt cơn đau nhanh chóng tới 80-90%.

Ngoài điều trị rách sụn chêm, PRP còn được dùng để điều trị những chấn thương khác như: Viêm gân và các bệnh lý về gân, viêm hoặc rách chóp xoay, tổn thương dây chằng, rách cơ, vấn đề về khớp, chậm phục hồi sau gãy xương, thủ thuật phẫu thuật (tái tạo gân, tái tạo dây chằng,...), vết thương sau phẫu thuật hoặc chấn thương.

Liệu pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) tự thân để điều trị rách sụn chêm mới chỉ được áp dụng tại một số bệnh viện lớn như Vinmec. Nguyên nhân là vì phương pháp trị liệu này có quy trình thực hiện phức tạp, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao cùng hệ thống máy móc rất hiện đại. Vì vậy, nếu muốn sử dụng liệu pháp PRP, khách hàng có thể đến bệnh viện Vinmec để thăm khám và điều trị bệnh triệt để.