1. Điều trị ung thực thực quản?
Cấu tạo sinh học của thực quản là một ống dài nằm ở phía sau khí quản, tiếp xuống dưới thực quản đi qua lỗ mở của cơ hoành, là bộ phận nối miệng và cổ họng xuống dạ dày, tại đây có 1 van dùng để ngăn thức ăn trào ngược lên thực quản.
Ung thư thực quản là bệnh ung thư mà Khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Đây là bệnh lý ác tính đứng thứ tư về mức độ phổ biến tại Việt Nam, chỉ sau các ung thư tiêu hóa gồm: ung thư dạ dày, Ung thư đại trực tràng và ung thư gan. Ung thư thực quản được phân loại dựa trên các tế bào có liên quan, bao gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến bắt đầu từ tế bào của các tuyến tiết chất nhầy trong thực quản, thường xuất hiện ở phần dưới của thực quản.
- Ung thư biểu mô vảy thường xảy ra ở khu vực 1/3 trên và 1/3 giữa thực quản. Ung thư thực quản ở biểu mô vảy là loại phổ biến nhất trên thế giới.
Theo thống kê, ung thư thực quản thường gặp ở người cao tuổi trên 50. Biểu hiện lâm sàng đầu tiên người bệnh dễ nhận biết nhất thường là nuốt nghẹn tăng dần, có thể kèm theo trớ, nôn ngay sau ăn. Khối u phát triển đến kích thước lớn chèn ép cơ quan xung quanh gây đau sau xương ức, khó thở, khàn tiếng, Ho ra máu. Khi phát hiện ở giai đoạn cuối, bệnh nhân thường biểu hiện sút cân, khô và sạm da, suy kiệt.
1.1 Chẩn đoán cận lâm sàng ung thư thực quản
Chẩn đoán cận lâm sàng ung thư thực quản gồm:
- Chụp X-quang thực quản.
- Chụp cắt lớp ngực – bụng: đánh giá xâm lấn của u, tình trạng di căn hạch và di căn xa.
- Chỉ định siêu âm Nội soi thực quản giúp phân biệt các tổn thương giai đoạn sớm và sinh thiết hạch trung thất, ổ bụng
- Chỉ định nội soi khí quản đánh giá sự xâm lấn khí - phế quản của tế bào ung thư.
- Chụp PET/CT với F18 -FDG nhằm hỗ trợ đánh giá giai đoạn, đánh giá đáp ứng sau điều trị và phát hiện tái phát.
1.2 Phân loại giai đoạn ung thư thực quản
- Giai đoạn 0: Ung thư tại chỗ.
- Giai đoạn I: Tế bào ung thư chưa xâm lấn lớp cơ.
- Giai đoạn II: Tế bào ung thư đã xâm lấn lớp cơ hoặc mô liên kết ngoài thực quản.
- Giai đoạn III: Tế bào ung thư xâm lấn các cơ quan xung quanh thực quản hoặc di căn hạch.
- Giai đoạn IV: Di căn xa
2. Cần hiểu đúng về điều trị ung thư thực quản bằng xạ trị
Điều trị ung thư thực quản bằng Xạ trị là phương pháp sử dụng những tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, chỉ tác động lên các tế bào ở vùng điều trị.
Xạ trị ung thư có thể thực hiện trước phẫu thuật để tiêu diệt và thu nhỏ khối u hoặc cũng có thể thực hiện sau phẫu trị để tiêu diệt triệt để những tế bào ác tính còn sót lại sau khi phẫu thuật.
Trong những trường hợp kích thước và vị trí của khối u gây khó khăn cho việc phẫu thuật hoặc tình trạng bệnh nhân không thực hiện điều trị phẫu thuật thì xạ trị được áp dụng.
Hiện nay, xạ trị ung thư thực quản có 2 loại thường được sử dụng trong điều trị đó là: Liệu pháp xạ trị ngoài, liệu pháp xạ trị bên trong.
2.1 Liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài
Liệu pháp xạ trị chùm tia ngoài được tiến hành gần tương tự như phương pháp chụp X – quang và sử dụng phổ biến cho những người bị ung thư thực quản. Thông thường thời gian xạ trị kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
2.2 Liệu pháp xạ trị bên trong
Với liệu pháp xạ trị bên trong, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi dài xuống cổ họng gần vị trí của tế bào ung thư. Khi đó khoảng cách di chuyển của bức xạ ngắn hơn, nên ít ảnh hưởng tới các mô bình thường xung quanh. Liệu pháp xạ trị ung thư bên trong được chia thành 2 dạng:
- Liệu pháp xạ trị ung thư liều cao (HDR) là phương pháp đưa chất phóng xạ với liều cao gần khối u trong vài phút mỗi lần.
- Liệu pháp xạ trị ung thư liều thấp (LDR) là sử dụng phóng xạ nồng độ thấp hơn được đặt gần khối u trong thời gian dài hơn (1 hoặc 2 ngày) cho mỗi lần điều trị.
Xạ trị ung thư có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với hóa trị liệu để làm phương pháp điều trị ban đầu thay cho phẫu thuật, đặc biệt là đối với người bệnh có kích thước hoặc vị trí của khối u khiến cho việc phẫu thuật khó khăn. Bác sĩ có thể xây dựng pháp đồ trị liệu kết hợp chiếu xạ với hóa trị liệu để làm co khối u trước khi phẫu thuật.
Xạ trị vẫn là phương pháp được lựa chọn giúp bệnh nhân giảm đau và dễ nuốt hơn trong trường hợp khối u ung thư thực quản không thể cắt bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.
3. Khi nào chỉ định điều trị ung thư thực quản bằng xạ trị ?
So với các phương pháp điều trị ung thư thực quản khác, ưu điểm của xạ trị nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, tuy nhiên phương pháp này lại không tránh khỏi tác động lên tế bào lành tính. Vì vậy, không phải người bệnh mắc ung thư thực quản nào cũng được chỉ định xạ trị, mà thông thường bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp này nếu:
- Người mắc ung thư thực quản có sức khỏe kém, không có sức chịu đựng tốt hoặc người bệnh không muốn tiến hành phẫu thuật.
- Khối u của người bệnh đã phát triển quá lớn gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật. Khi đó, người bệnh sẽ được chỉ định xạ trị ung thư để từ đó ca phẫu thuật được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và ít gây đau đớn.
- Ngoài ra, xạ trị ung thư thực quản dùng để hỗ trợ trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ lại kích thước hoặc sau phẫu thuật loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại.