Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng phương pháp đốt laser

09/11/2020
Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng phương pháp đốt laser

Viêm lộ tuyến cổ tử cung là thương tổn lành tính thường gặp ở cổ tử cung do các tế bào tuyến trong ống cổ tử cung xuất hiện ở mặt ngoài cổ tử cung, tăng tiết dịch. Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng phương pháp đốt laser.

Viêm lộ tuyến cổ tử cung Tình trạng viêm nhiễm trên nền cổ tử cung bị lộ tuyến. Trong đó:

Lộ tuyến cổ tử cung sinh ra do các tế bào biểu mô tuyến trong ống cổ tử cung sẽ phát triển ra mặt ngoài cổ tử cung để thay thế lớp tế bào biểu mô lát mặt ngoài của cổ tử cung bị phá hủy.

Các nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung có thể là:

  • Sang chấn cổ tử cung gây mất biểu mô lát mặt ngoài cổ tử cung, thường sau sảy thai, sau đẻ, sau nạo Phá thai và các thủ thuật ở cổ tử cung.
  • Cường Estrogen buồng trứng làm các tuyến phát triển mạnh, chế tiết nhiều, dễ phá hủy biểu mô lát mặt ngoài cổ tử cung. Sau mãn kinh thường lộ tuyến có thể khỏi.
  • Lộ tuyến bẩm sinh, hiếm gặp, thường gặp ở bé gái mới sinh do mẹ dùng nhiều estrogen khi có thai.

Vì là các tế bào tuyến nên chúng vẫn tiết dịch như khi ở trong ống cổ tử cung, gây tình trạng dịch tiết âm đạo nhiều, yếu tố thuận lợi cho các tác nhân nhiễm trùng dễ dàng xâm nhập và gây viêm cổ tử cung.

Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng phương pháp đốt laser - ảnh 1

2. Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung

Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến cổ tử cung thường chính là nguyên nhân gây Viêm âm đạo - cổ tử cung:

  • Do các vi khuẩn: Liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn, E.coli...
  • Do ký sinh trùng: Trùng roi âm đạo Trichomonas Vaginalis...
  • Do nấm: Candida...
  • Do virus: Herpes, HPV...

3. Dấu hiệu của viêm lộ tuyến cổ tử cung

  • Khí hư nhiều, tính chất khí hư phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh
  • Ngứa, rát vùng cơ quan sinh dục
  • Đau sau giao hợp
  • Đau tức bụng vùng hạ vị.

Đau và chảy máu cũng có thể xảy ra trong hoặc sau khi khám phụ khoa.

Đối với một số phụ nữ, các triệu chứng này là nghiêm trọng. Khí hư có thể trở nên phiền phức và đau, gây trở ngại cho quan hệ tình dục.

Lộ tuyến cổ tử cung là nguyên nhân phổ biến nhất gây Chảy máu trong những tháng cuối của thai kỳ.

Nguyên nhân gây ra những triệu chứng này là do tế bào tuyến mỏng manh hơn các tế bào biểu mô. Chúng sản xuất nhiều chất nhầy và có xu hướng dễ chảy máu.

Mặc dù vậy, nếu có các triệu chứng nhẹ như trên, bạn không nên cho rằng mình bị lộ tuyến cổ tử cung. Bạn nên đi khám để có chẩn đoán chính xác.

4. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Chảy máu giữa kỳ

  • Khí hư bất thường hoặc đau trong và sau khi quan hệ tình dục

Lộ tuyến cổ tử cung không nghiêm trọng, nhưng những dấu hiệu và triệu chứng có thể là kết quả của các tình trạng khác cần được loại trừ hoặc điều trị như:

  • Nhiễm trùng

  • U xơ tử cung hoặc polyp

  • Lạc nội mạc tử cung

  • Vấn đề với đặt vòng tránh thai

  • Vấn đề với thai nhi

  • Ung thư cổ tử cung, tử cung hoặc loại ung thư khác

Nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

5. Các phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung

Có nhiều phương pháp để điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung. Trước khi điều trị bằng các biện pháp can thiệp xâm lấn, thuốc đặt âm đạo và đường toàn thân nên được sử dụng trước. Tùy nguyên nhân gây viêm, bác sĩ kê thuốc cho bạn. Ví dụ như nguyên nhân vi khuẩn sẽ dùng kháng sinh, nguyên nhân nấm sẽ dùng thuốc kháng nấm.

Sau khi điều trị hết viêm nhiễm, các phương pháp pháp xâm lấn sẽ được áp dụng để diệt lộ tuyến. Đó là các biện pháp đốt điện, áp lạnh hoặc đốt laser.

6. Phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng Đốt laser

6.1. Đốt laser có tác dụng gì?

Lộ tuyến nếu không được điều trị sẽ nặng lên và ngày càng lan rộng ra mặt ngoài cổ tử cung. Đốt laser sẽ diệt các tuyến lấn ra mặt ngoài cổ tử cung và tạo điều kiện cho biểu mô lát phục hồi. Từ đó làm giảm nguy cơ gây viêm nhiễm Phụ khoa về sau.

6.2. Khi nào cần đốt laser?

Khi bệnh nhân đã được điều trị hết viêm tại âm đạo, cổ tử cung và sau khi sạch kinh 2-3 ngày. Lộ tuyến cổ tử cung chia làm 4 mức độ từ nhẹ đến nặng. Đốt điện chỉ áp dụng với lộ tuyến ở mức độ 3 trở lên và tùy thuộc vào tình trạng sinh con của bệnh nhân. Bởi vậy, bạn cần được khám và đánh giá đúng mức độ của tổn thương lộ tuyến cổ tử cung trước khi tiến hành đốt laser.

6.3. Đốt laser được thực hiện như thế nào?

Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tư thế nằm như khám phụ khoa. Sau khi ổn định bệnh nhân, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ sản khoa (mỏ vịt) để bộc lộ âm đạo - cổ tử cung. Bác sĩ sẽ quan sát tổn thương và dùng que có phóng tia laser để đốt cháy tổn thương.

6.4. Đốt laser có đau không?

Thủ thuật này thường không gây đau, chỉ có cảm giác nóng nhẹ ở phần âm đạo.

6.5. Theo dõi sau đốt laser?

Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân sẽ được ra về ngay.

Trong một tháng đầu sau đó, quá trình tái tạo tế bào biểu mô sẽ gây tăng tiết dịch âm đạo rất nhiều. Vì vậy, người bệnh cần vệ sinh giữ khô thoáng vùng kín trong giai đoạn này. Hiện tượng tăng tiết dịch sẽ gảm dần và tái tạo lại thành biểu mô lát (không còn lộ tuyến) sau 6 tháng.

Kết luận

Đốt laser là biện pháp thường được dùng để điều trị lộ tuyến cổ tử cung. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, các bác sĩ Sản phụ khoa giàu kinh nghiệm có thể đánh giá mức độ viêm lộ tuyến cổ tử cung một cách chính xác, đồng thời và thực hiện các biện pháp điều trị một cách an toàn và hiệu quả!

Mọi thắc mắc các bạn có thể đặt câu hỏi bác sĩ, phòng khám và bệnh viện trên nền tảng bcare.vn để được giải đáp