1. Bệnh Giang mai lây như thế nào?
Mặc dù là căn bệnh phổ biến nhưng hiện nay vẫn có có nhiều người thắc mắc không biết bệnh giang mai có lây không? Giang mai lây qua đường nào?... Cũng như những bệnh xã hội khác, có rất nhiều con đường có thể lây nhiễm bệnh Giang mai từ người này sang người khác, cụ thể:
- Lây qua đường quan hệ Tình dục
Bệnh giang mai có thể dễ dàng lây nhiễm từ người này sang người khác khi có sự tiếp xúc trực tiếp với các vết loét giang mai (thường có ở vùng sinh dục). Chính vì vậy, quan hệ Tình dục là một phương thức lây nhiễm phổ biến của bệnh giang mai.
Bệnh giang mai ở nam giới và nữ giới không chỉ lây qua đường quan hệ tình dục dị tính (truyền thống với sự tiếp xúc giữa dương vật – âm đạo), mà bất cứ hình thức tiếp xúc tình dục nào với người bệnh giang mai đều sẽ lây nhiễm, bao gồm quan hệ qua đường hậu môn, quan hệ đồng tính, hay quan hệ bằng miệng... Theo đó, thắc mắc “giang mai có lây qua đường miệng?” cũng đã có câu trả lời.
Ngoài ra, nếu có xảy ra sự tiếp xúc thân mật với người bệnh giang mai như ôm hôn, tiếp xúc da thịt... thì cũng có thể bị Truyền nhiễm bệnh.
- Lây qua đường tiếp xúc gián tiếp với xoắn khuẩn giang mai
Một số khả năng khác lây nhiễm xoắn khuẩn giang mai chính là các tiếp xúc đối với đồ vật của bệnh nhân bị giang mai (như chăn gối, quần áo,...) có sự hiện diện của dịch tiết, mủ và máu của người bệnh.
- Lây nhiễm giang mai qua đường máu
Tất cả các hình thức tiêm chích, truyền máu... có xâm nhiễm vào cơ thể đều là một điều kiện tốt để vi khuẩn giang mai tấn công nếu như mũi tiêm không đảm bảo vô trùng. Ở cách lây nhiễm này, vi khuẩn giang mai sẽ tiềm ẩn trong mạch máu của bệnh nhân nhưng không có biểu hiện lâm sàng.
Tuy nhiên, nếu như không có sự kiểm tra chặt chẽ, bệnh nhân có thể đi hiến máu và người được truyền máu cũng sẽ lây giang mai theo cách thức tương tự. Ngoài ra, giang mai cũng sẽ lây qua việc tiêm chích ma túy.
- Giang mai cũng có thể lây từ mẹ sang con
Giang mai có thể lây truyền từ mẹ sang cho thai Nhi trong suốt thời gian thai kỳ. Đây là loại lây truyền nguy hiểm vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thể chất của đứa bé, thậm chí gây tử vong.
Bên cạnh đó, bị giang mai cũng làm tăng khả năng bị nhiễm virus HIV. Chính vì thế, việc Xét nghiệm các loại bệnh xã hội như giang mai, HIV,... là cực kì cần thiết để đảm bảo quá trình chăm sóc thai kỳ toàn diện.
Do đó, đối với trường hợp phụ nữ Mang thai đang có nguy cơ mắc bệnh cao (như đang sống với người bị giang mai, sống trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao...), bạn cần phải được xét nghiệm chẩn đoán giang mai trong 3 tháng đầu và các xét nghiệm này nên được thực hiện thêm 2 lần nữa ở tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba.
Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, thai phụ phải có biện pháp điều trị tích cực ngay lập tức, tránh trường hợp lây nhiễm giang mai cho con. Trẻ sơ sinh sau khi sinh ra dù có biểu hiện triệu chứng hay không đều cần được kiểm tra, điều trị giang mai ngay lập tức. Nếu không, sẽ nhanh chóng phát triển các biến chứng nghiêm trọng chỉ trong vài tuần đầu đời: bé có thể chậm phát triển, co giật hoặc tử vong...
2. Những đối tượng có nguy cơ cao bị giang mai
Một số trường hợp dù biết rõ bệnh giang mai lây qua đường nào nhưng nguy cơ mắc bệnh vẫn rất cao, đó là:
- Người đang làm nghề mại dâm
Nhóm đối tượng này có nguy cơ rất cao mắc bệnh giang mai. Xoắn khuẩn giang mai thông qua đối tượng này thậm chí có thể lây nhiễm cho rất nhiều người khác. Bằng khả năng xâm nhiễm cao vào cơ thể, bạn sẽ mắc giang mai dù quan hệ tình dục bằng bất kỳ hình thức nào.
- Đối tượng quan hệ tình dục bừa bãi
Một số người thiếu chung thủy hay có suy nghĩ phóng khoáng, thường xuyên quan hệ tình dục với nhiều đối tượng có khả năng mắc bệnh cao không kém đối tượng phía trên. Và như đã đề cập ở phần các con đường lây truyền, nếu bạn chỉ dừng lại ở các hành động thân mật thì cũng vẫn có thể bị lây bệnh giang mai nói riêng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói riêng.
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị giang mai
Khi đang mang thai, nếu mẹ bầu bị giang mai, loại xoắn khuẩn gây bệnh này cũng sẽ truyền sang thai Nhi (như đã đề cập phía trên). Ở trường hợp này, em bé sẽ có các triệu chứng như:
- Xương biến dạng.
- Thiếu máu nghiêm trọng.
- Gan và lá lách mở rộng, vàng da, vàng mắt.
- Có thể gặp các vấn đề về Não bộ - thần kinh, như mù, điếc bẩm sinh...
Như vậy, có thể thấy cách thức lây truyền của bệnh giang mai chủ yếu đến từ lối sinh hoạt kém lành mạnh của con người. Để phòng tránh bệnh, mỗi người cần phải tổ chức một thói quen và cuộc sống tích cực, lành mạnh hơn, đặc biệt là trong hoạt động tình dục.