Tìm hiểu về Gây mê mặt nạ thanh quản phẫu thuật dị dạng tử cung

Có nhiều phương pháp gây mê trong phẫu thuật dị dạng tử cung. Tùy thuộc vào mức độ dị dạng tử cung để lựa chọn phương pháp phù hợp. Trong đó, gây mê mặt nạ thanh quản là một phương pháp sử dụng đối với những trường hợp phẫu thuật thời gian ngắn và không quá phức tạp.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Gây mê mặt nạ thanh quản

Mặt nạ thanh quản là một phương tiện thông suốt đường thở trên, có cấu tạo gồm một ống nòng to và đầu dưới có một bóng chèn hình elip. Sau khi đặt và bơm hơi, bóng này được úp kín với áp lực thấp quanh lối vào thanh quản. Do sự tiện lợi và có tính chất kiểm soát đường thở dễ dàng hơn so với ống nội khí quản. Vì vậy, mặt nạ thanh quản đã được đưa vào ứng dụng trong phác đồ kiểm soát đường thở khó trong gây mê hồi sức, đặc biệt trong tình huống không thông khí được, không đặt được nội khí quản.

Gây mê mặt nạ thanh quản là phương pháp đưa thuốc mê vào cơ thể qua đường mũi, miệng nhằm làm mất ý thức, cảm giác và phản xạ của người bệnh tạm thời. Gây mê mặt nạ thanh quản được áp dụng đối với những phẫu thuật không quá phức tạp, thời gian phẫu thuật ngắn, ít ảnh hưởng đến Hô hấp và huyết động.

2. Gây mê mặt nạ thanh quản trong phẫu thuật dị dạng tử cung

2.1 Phẫu thuật dị dạng tử cung

Dị dạng tử cung có nhiều hình dạng như:

  • Không có tử cung
  • Tử cung đôi, tử cung thông
  • Tử cung có vách ngăn
  • Tử cung thiểu sản

Tùy vào mức độ dị dạng tử cung là đơn giản hay phức tạp, mổ mở hay mổ Nội soi để lựa chọn được phương pháp gây mê phù hợp. Gây mê mặt nạ thanh quản được chỉ định đối với những trường hợp phẫu thuật ngắn, không ảnh hưởng đến Hô hấp và huyết động. Ngoài ra, chống chỉ định đối với những trường hợp có Dị ứng với thuốc gây mê và bệnh nhân dạ dày đầy.

Tìm hiểu về Gây mê mặt nạ thanh quản phẫu thuật dị dạng tử cung - ảnh 1
Tùy vào mức độ dị dạng tử cung là đơn giản hay phức tạp, mổ mở hay mổ nội soi để lựa chọn được phương pháp gây mê phù hợp

2.2 Thực hiện gây mê

Bước 1: Chuẩn bị

  • Người thực hiện gây mê mask thanh quản trong phẫu thuật dị dạng tử cung là một bác sĩ và điều dưỡng chuyên gây mê hồi sức. Ngoài ra, cần chuẩn bị một số dụng cụ để phục vụ trong việc gây mê như:
  • Máy gây mê, máy hút, đèn đặt nội khí quản, ống nội khí quản các kích cỡ, mask thanh quản các loại.
  • Ống hút khí quản, canuyn mayo
  • Bơm tiêm các loại dùng để tiêm thuốc mê, morphin và thuốc giãn cơ, bơm bóng chèn ống nội khí quản.
  • Các loại thuốc mê sử dụng trong gây mê như: Diprivan 200mg/20ml, esmeron 50mg/5ml hoặc tracrium 25mg/2,5ml, Fentanyl 0,1mg/2ml
  • Thuốc giảm đau: paracetamol, morphin
  • Dịch truyền các loại: ringer lactat, ringerfundin,...
  • Hộp chống shock

Trước khi thực hiện phẫu thuật gây mê, bệnh nhân cần chuẩn bị tâm lý, được bác sĩ giải thích về mục đích và các biến chứng có thể xảy ra. Sau đó, bệnh nhân sẽ ký cam kết. Lưu ý, nhịn ăn uống tối thiểu 6 tiếng trước khi phẫu thuật.

Bước 2: Các bước tiến hành

Các bước tiến hành gây mê mặt nạ thanh quản trong phẫu thuật dị dạng tử cung:

  • Khám lại toàn trạng cho bệnh nhân như:Khám tim phổi
  • Tiên lượng nguy cơ đặt nội khí quản khó như: Độ mở miệng ngửa cổ, mallampati,...
  • Đặt một đường truyền tĩnh mạch ngoại vi và truyền Dung dịch Ringer lactat hoặc ringerfundin
  • Mắc máy monitor để theo dõi dấu hiệu sinh tồn: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, huyết áp, độ bão hòa oxy.
  • Cho bệnh nhân thở oxy với liều lượng 9 lít/phút, nhằm tăng dự trữ oxy trước khi khởi mê
  • Tiến hành gây mê toàn thân cho người bệnh
  • Tiêm Fentanyl 0,2 mg, sau đó tiêm thuốc mê diprivan liều 2 mg/kg, sử dụng giãn cơ tác dụng nhanh nếu cần.
  • Khi người bệnh mất tri giác thì tiến hành đặt mặt nạ thanh quản.

Kỹ thuật đặt mặt nạ thanh quản như sau:

  • Đặt đầu người bệnh ở tư thế trung gian hoặc hơi ngửa.
  • Cầm mask thanh quản như cầm bút, ngón tay trỏ đặt vào chỗ nối giữa mask thanh quản và phần ống.
  • Một tay mở miệng người bệnh.
  • Tay kia đưa mask thanh quản qua các cung răng vào gốc lưỡi, tỳ mặt sau mask vào khẩu cái cứng, đẩy mask trượt dọc theo khẩu cái cứng để vào vùng hạ hầu.
  • Dừng lại khi gặp lực cản.
  • Bơm cuff theo đúng thể tích được hướng dẫn trên mask thanh quản.
  • Kiểm tra độ kín của mask thanh quản: không có dò khí, thông khí dễ dàng
  • Kiểm tra vị trí đúng của mask thanh quản bằng nghe phổi và kết quả EtCO2
  • Cố định bằng băng dính.

Duy trì mê:

  • Duy trì mê bằng thuốc mê tĩnh mạch hoặc thuốc mê bốc hơi, thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ (nếu cần), kiểm soát hô hấp bằng máy
  • Theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào nhịp tim, huyết áp, các thông số thở máy: áp lực đường thở, thở, tần số thở,... Và các triệu chứng như vã mồ hôi, chảy nƣớc mắt, MAC, BIS và Entropy (nếu có)...
  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn bao gồm: Nhịp tim, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu SpO2, EtCO2, và thân nhiệt.
  • Theo dõi sát đề phòng tụt mask thanh quản.
  • Đảm bảo bệnh nhân được thông khí tốt, mê sâu bắt đầu tiến hành sát trùng và phẫu thuật.

3. Theo dõi và xử trí tai biến

Trong khi phẫu thuật, người bệnh cần được theo dõi độ sâu của gây mê dựa vào các chỉ số như: nhịp tim, huyết áp, đường biểu diễn EtCO2, tần số thở, áp lực đường thở. Ngoài ra, các triệu chứng có thể xuất hiện như chảy nước mắt, vã mồ hôi,... Cần đề phòng sai vị trí, gập, tụt hoặc tắc mặt nạ thanh quản.

Bệnh nhân có thể được rút mặt nạ thanh quản nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn sau:

  • Bệnh nhân tỉnh và làm theo được mệnh lệnh
  • Nâng đầu trên 5 giây
  • Tự thở đều và tần số thở trong giới hạn bình thường
  • Mạch và huyết áp ổn định
  • Thân nhiệt >35 độ C
  • Không xảy ra biến chứng của gây mê và phẫu thuật

Sau gây mê phẫu thuật, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng như:

  • Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: Cần theo dõi và đề phòng nhiễm trùng phổi sau mổ
  • Rối loạn huyết động: Hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, loạn nhịp, mạch chậm, nhanh,...
  • Tai biến do mặt nạ thanh quản như: Không đặt được mask thanh quản, co thắt thanh-khí-phế quản, Chấn thương khi đặt mặt nạ thanh quản,...
  • Biến chứng hô hấp: gập, tuột mặt nạ thanh quản, hở hệ thống hô hấp,...
  • Biến chứng sau rút mặt nạ thanh quản: suy hô hấp, đau họng, khàn tiếng, viêm đường hô hấp trên, co thắt thanh-khí-phế quản,...

Tóm lại, gây mê mặt nạ thanh quản phẫu thuật dị dạng tử cung là một phương pháp sử dụng đối với những trường hợp phẫu thuật trong thời gian ngắn, và không quá phức tạp. Sau gây mê phẫu thuật, bệnh nhân có thể xảy ra một số biến chứng. Do đó, người bệnh cần được theo dõi và khi có dấu hiệu bất thường như khó thở, đau họng, hạ huyết áp, tim đập chậm hoặc nhanh,... cần thông báo với nhân viên y tế để được xử trí kịp thời.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung