Lao cột sống là gì? Khi nào Phẫu thuật lao cột sống?

Lao cột sống là một bệnh lý lao bên ngoài phổi, đây là căn bệnh phổ biến nhất trong hệ vận động. Nếu như trước kia để điều trị thành công bệnh lý này tại Việt Nam là một thách thức vô cùng khó khăn, thì giờ đây chúng ta có thể phát hiện nhanh chóng và điều trị dứt điểm bằng cách phẫu thuật.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Lao cột sống là gì?

Bệnh lao cột sống còn được gọi là bệnh mục xương sống do lao, trực khuẩn lao mycobacterium tuberculosis là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.

Lao cột sống là bệnh lý lao ngoài phổi, và thường gặp nhất trong các hệ vận động, ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại đã tìm ra phương pháp chữa khỏi khi được phát hiện sớm.

Theo nghiên cứu, bệnh lao cột sống thường gặp phải nhiều hơn trong các nhóm đối tượng sau:

  • Những bệnh nhân đang bị lao phổi, viêm phổi thùy, viêm phổi mạn tính.
  • Những người phải tiếp xúc thường xuyên với người bệnh đang bị lao phổi, viêm phổi hoặc viêm phổi mạn tính.
  • Nhóm đối tượng thường mắc phải căn bệnh này nhiều nhất nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Do đó, bạn nên thường xuyên thăm khám, nhận tư vấn từ các chuyên gia sức khỏe trong giai đoạn này để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình.

Những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý lao cột sống là:

  • Do vi khuẩn từ bệnh Lao phổi phát triển, đi vào trong máu và đi đến khắp các bộ phận của cơ thể.
  • Những vi khuẩn viêm tích tụ tại một chỗ sau đó tạo thành viêm xương cột sống, dẫn đến Hoại tử và gây ra lao ở thắt lưng cột sống.
Lao cột sống là gì? Khi nào Phẫu thuật lao cột sống? - ảnh 1
Bệnh lao cột sống còn được gọi là bệnh mục xương sống do lao, trực khuẩn lao gây ra

2. Phẫu thuật lao cột sống khi nào?

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi đang trong giai đoạn 1, đến giai đoạn 2, và có những hình ảnh trên chụp X-quang hoặc trên phim chụp cộng hưởng từ, người bệnh được xác định có nguy cơ bị Chèn ép tủy hoặc là đã bị chèn ép, bệnh nhân bị áp xe cột sống do lao.

Tuy nhiên, khuyến cáo không phẫu thuật trong những trường hợp bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối của bệnh lao cột sống, người bệnh không còn đủ sức khỏe hay xuất hiện những bệnh lý toàn thân nên không thể tham gia phẫu thuật.

3. Gây mê nội khí quản phẫu thuật lao cột sống

Nhìn chung, phẫu thuật lao cột sống cũng giống như những phẫu thuật cột sống thông thường khác, nhưng trên cơ thể của người bệnh đang bị lao. Tư thế phổ biến nhất trong quá trình phẫu thuật là nằm sấp, những bệnh lý này vẫn có nguy cơ lan truyền ra môi trường phòng mổ nếu bệnh nhân bị Lao phổi kèm theo.

Gây mê được chỉ định trong phẫu thuật lao cột sống là gây mê toàn thân và có đặt nội khí quản, thao tác tiến hành gây mê cũng tương tự như những phẫu thuật thông thường. Tuy nhiên, bác sĩ hồi sức cấp cứu cần phải có những chiến lược xử lý kịp thời cho mọi tình huống, đặc biệt là dự phòng lây nhiễm lao.

Gây mê nội khí quản trong phẫu thuật lao cột sống được yêu cầu cho những trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán bị lao cột sống và có chỉ định phẫu thuật.

Tuy nhiên, chống chỉ định tương đối thực hiện gây mê toàn thân nội khí quản trong các trường hợp:

  • Bệnh nhân không đồng ý hoặc trung tâm y tế không đầy đủ phương tiện gây mê, hồi sức.
  • Người thực hiện không thành thạo các kỹ năng chuyên môn.
Lao cột sống là gì? Khi nào Phẫu thuật lao cột sống? - ảnh 2
Gây mê nội khí quản phẫu thuật lao cột sống

4. Các bước thực hiện gây mê nội khí quản phẫu thuật lao cột sống

  • Tư thế: bệnh nhân nằm ngửa, thở oxy 100%.
  • Lắp đặt máy theo dõi.
  • Thiết lập một đường truyền hiệu quả.
  • Sử dụng tiền mê (nếu cần thiết): bao gồm thuốc ngủ, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ.
  • Điều kiện để đặt ống nội khí quản là bệnh nhân đã chìm vào ngủ sâu và xác định đủ độ giãn cơ.
  • Có hai kỹ thuật đặt ống nội khí quản, gồm đường mũi và đường miệng.

Kỹ thuật đặt nội khí quản qua đường mũi:

  • Lựa chọn bên mũi thông sau đó nhỏ thuốc co mạch cuốn mũi.
  • Ống nội khí quản được sử dụng thường nhỏ hơn đường mũi, luồn ống đã được bôi trơn vào trong mũi bằng mỡ lidocain.
  • Mở miệng bệnh nhân và đưa đèn soi thanh quản vào phần bên phải của miệng, gạt lưỡi người bệnh sang bên trái nhằm đẩy đèn vào sâu, phối hợp cùng tay phải đè sụn giáp nhẫn để tìm nắp thanh môn, lỗ thanh môn.
  • Trong các trường hợp thuận lợi: nhẹ nhàng luồn ống nội khí quản qua lỗ thanh môn và dừng lại khi bóng của ống đã qua dây thanh âm được 2-3cm. Sử dụng kìm Magill để hướng đầu ống nội khí quản vào trong đúng lỗ thanh môn.
  • Rút đèn soi thanh quản và bơm ống nội khí quản.
  • Kiểm tra vị trí của ống nội khí quản qua đường phổi và kết quả EtCO2.
  • Cố định lại ống bằng băng dính.

Duy trì mê:

  • Duy trì mê bằng thuốc mê bốc hơi và thuốc mê tĩnh mạch, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ nếu cần thiết.
  • Kiểm soát tốt Hô hấp nhờ bóp tay hoặc bằng máy.
  • Theo dõi độ sâu của gây mê.
  • Theo dõi những dấu hiệu sinh tồn.
  • Đề phòng các trường hợp ống nội khí quản bị gập, tắc.
  • Tiêu chuẩn rút ống nội khí quản: bệnh nhân tỉnh táo và tự thở đều, huyết áp ổn định và không xuất hiện biến chứng liên quan.

4. Tai biến và xử trí trong gây mê nội khí quản phẫu thuật lao cột sống

  • Trào ngược dịch dạ dày vào đường thở: đặt ống nội khí quản để hút sạch dịch, theo dõi và đề phòng bệnh nhân bị nhiễm trùng.
  • Rối loạn huyết động: xử trí theo từng trường hợp và nguyên nhân.
  • Không đặt được ống nội khí quản: ứng biến theo quy trình đặt ống nội khí quản khó, hoặc áp dụng phương pháp vô cảm khác.
  • Chấn thương khi đặt ống: chảy máu, gãy răng,... xử lý theo mức độ phức tạp của từng tình huống.

Gây mê nội khí quản phẫu thuật lao cột sống đòi hỏi bác sĩ hồi sức cấp cứu phải có kiến thức chuyên môn sâu, xử lý tình huống tốt, ngăn chặn khả năng lan truyền bệnh lao trong môi trường phẫu thuật. Để đảm bảo không xuất hiện những biến chứng nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật, bạn nên lựa chọn những trung tâm y tế uy tín.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung