Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu vết thương dạ dày

01/06/2021
Gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu vết thương dạ dày

Khâu lỗ thủng của dạ dày là một kỹ thuật thường gặp trong cấp cứu với mục đích chính là làm liền những lỗ thủng, đồng thời giúp lau sạch ổ bụng. Để làm giảm cơn đau của người bệnh khi thực hiện phẫu thuật một cách hiệu quả, kỹ thuật gây mê thường được sử dụng.

1. Triệu chứng của các bệnh nhân có vết thương dạ dày?

  • Bệnh nhân bị thủng dạ dày sẽ có cảm giác bị đau đớn dữ dội tại vùng thượng vị, như có vật nhọn đâm vào dạ dày, ngoài ra còn kèm theo một số biểu hiện như: khuôn mặt tái nhợt, nhịp thở nhanh, người vã mồ hôi nhiều, huyết áp giảm,...
  • Thường cảm thấy đau đớn hơn khi bụng bị căng lên, và chỉ cảm thấy thấy thoải mái hơn khi gập người lại.
  • Thành bụng của những người có vết thương dạ dày sẽ bị co lại, sờ vào thấy có độ cứng nhất định. Đối với các bệnh nhi, còn có thể xảy ra hiện tượng Thoát vị bẹn do dung dịch nằm trong dạ dày kích thích đến bề mặt của khoang bụng.
  • Trong khoảng thời gian đầu bệnh nhân bị thủng dạ dày thường có biểu hiện bị shock, nhưng tình trạng này sẽ giảm nhanh do dịch axit trong dạ dày bắt đầu tiết ra phía ngoài ổ bụng, gây ra kích thích đến Thần kinh phế vị khiến cho mạch ban đầu đập chậm, thân nhiệt người bệnh cũng giảm đi nhưng sau đó trở lại bình thường.

Các vết thương dạ dày hay còn gọi là thủng dạ dày, nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến bị viêm nhiễm và tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn, đó là Hoại tử dạ dày và các cơ quan tiêu hóa gây ra tử vong.

Do đó, nếu xuất hiện các dấu hiệu của thủng dạ dày, hãy liên hệ ngay với các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bệnh nhân được điều trị càng sớm sẽ càng giảm thiểu nguy cơ gây ra các biến chứng xấu của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu vết thương dạ dày - ảnh 1
Thủng dạ dày gây đau đớn dữ dội thượng vị

2. Quy trình gây mê trong phẫu thuật Nội soi khâu vết thương dạ dày

Gây mê nội khí quản là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất trong các cuộc phẫu thuật khâu những vết thương của dạ dày. Đây là một kĩ thuật được sử dụng để gây mê toàn thân, tiến hành đặt nội khí quản nhằm mục đích kiểm soát được Hô hấp của người bệnh trong toàn bộ cuộc phẫu thuật cũng như hồi sức sau khi kết thúc phẫu thuật.

Một kíp gây mê sẽ gồm bác sĩ gây mê và thêm một điều dưỡng hỗ trợ phụ mê. Người điều dưỡng này phải chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan đến dụng cụ, phương tiện, thuốc men, đường truyền và máy theo dõi, để giúp bác sĩ gây mê hoàn thành nhiệm vụ.

Bác sĩ gây mê là người phải chịu trách nhiệm về chuyên môn của mình, đưa ra các quyết định liên quan đến kỹ thuật gây mê và những thủ thuật thực hiện trên người bệnh nhân.

Trước khi thực hiện gây mê cho bệnh nhân trong phòng phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chuẩn bị cho bệnh nhân trước khi mổ. Việc thăm khám này cùng với làm một số Xét nghiệm chính là điều kiện bắt buộc.

Thao tác gây mê trong mổ nội soi khâu vết thương dạ dày bao gồm:

  • Kiểm tra hồ sơ bệnh án của người bệnh.
  • Kiểm tra tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước khi làm phẫu thuật.
  • Thực hiện gây mê
Gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu vết thương dạ dày - ảnh 2
Bệnh nhân thực hiện xét nghiệm trước phẫu thuật

2.1 Những bước tiến hành chung

Điều chỉnh tư thế của người bệnh nằm ngửa, và cho thở oxy 100% trước khi khởi mê ít nhất 5 phút. Bác sĩ gây mê lắp đặt máy theo dõi và thiết lập đường truyền có hiệu quả cao, thực hiện tiền mê cho bệnh nhân (nếu cần).

2.2 Khởi mê

Quá trình này thường sử dụng những loại thuốc mê tĩnh mạch, thuốc mê bốc hơi và thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ để làm giảm cơn đau cho người bệnh trong quá trình phẫu thuật. Chỉ khi người bệnh đã ngủ sâu và có đủ độ giãn cơ thì mới đạt điều kiện đặt ống nội khí quản. Có hai kỹ thuật đặt ống nội khí quản thường được sử dụng đó là qua đường miệng hoặc qua đường mũi.

2.3 Duy trì mê

Bằng các loại thuốc mê bốc hơi hoặc thuốc mê tĩnh mạch, các loại thuốc giảm đau, và thuốc giãn cơ. Có thể kiểm soát hô hấp của người bệnh bằng máy hoặc bóp tay.

2.4 Theo dõi tình trạng của người bệnh

Kiểm tra độ sâu của gây mê dựa vào những yếu tố quan trọng như: huyết áp, nhịp tim, chảy nước mắt, vã mồ hôi,... Ngoài ra cũng cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh dựa trên huyết áp, nhịp tim, SpO2, EtCO2, thân nhiệt.

Gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu vết thương dạ dày - ảnh 3
Theo dõi tình trạng người bệnh trong suốt quá trình gây mê

3. Sốc phản vệ biến chứng rất nguy hiểm khi gây mê

Theo thống kê, tai biến và Sốc phản vệ là những điều có thể xảy ra với tất cả những thủ thuật có thể can thiệp vào cơ thể của người bệnh, cũng như đối với toàn bộ các trường hợp vật thể lạ được đưa vào trong cơ thể người bệnh, gồm có cả thuốc và vắc xin.

Tỷ lệ bị sốc phản vệ sẽ phụ thuộc vào những loại thuốc đã sử dụng trong quá trình gây mê bởi mỗi loại thuốc sẽ có tỷ lệ gây tai biến là khác nhau, ngoài ra cơ thể khác nhau cũng cho tỷ lệ sốc phản vệ khác nhau. Nó có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị và gây mê của người bệnh.

Đây được coi là một loại tai biến nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Biểu hiện của sốc phản vệ là bệnh nhân bị hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, Trụy tim mạch, co thắt cơ trơn và tăng tính thấm thành mạch. Một số trường hợp xảy ra rất nhanh chỉ sau khi rút kim tiêm, thậm chí chỉ sau vài giây là bệnh nhân tử vong ngay. Nếu triệu chứng của bệnh xuất hiện càng sớm thì bệnh này càng nặng và tỷ lệ gây tử vong càng cao.

Do đó, gây mê trong phẫu thuật nội soi khâu vết thương dạ dày cần phải được thăm khám và thực hiện chính xác để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người bệnh.