1. Nguyên nhân gây sa sinh dục
- Chửa đẻ nhiều lần, đẻ dày, trong quá trình sinh đẻ không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn không khâu.
- Lao động nặng hoặc lao động sớm sau khi đẻ làm tăng áp lực ổ bụng, đè vào đáy chậu còn mềm yếu dễ gây nên sa sinh dục.
- Các nguyên nhân làm tăng áp lực ổ bụng thường xuyên: Mang vác, gánh gồng nặng, Táo bón trường diễn, Ho kéo dài, những người bán hàng rong thường xuyên ngồi bệt trên lề đường...
- Rối loạn Dinh dưỡng ở người già, hệ thống treo và nâng đỡ tử cung suy yếu.
- Ngoài ra có thể do cơ địa bẩm sinh ở người chưa đẻ lần nào.
2. Dấu hiệu nhận biết bị sa sinh dục
Triệu chứng thường thấy là khó chịu, nặng bụng dưới, tiểu rắt, són tiểu, tiểu không tự chủ, có khi đại tiện khó.
Khi đi khám thấy khối sa nằm ở 1⁄2 dưới âm đạo hoặc thập thò âm môn, trường hợp nặng nhất sẽ sa ra ngoài âm hộ. Phần khối sa ra ngoài có thể sừng hóa hoặc bị loét do cọ xát, bội nhiễm.
Sa sinh dục được chia thành 3 cấp độ. Trong đó, sa sinh dục độ 3 là cấp độ nặng nhất, tử cung sa hẳn ra ngoài âm hộ.
Bệnh nhân được thực hiện gây tê trong phẫu thuật sa sinh dục. Gây tê tại chỗ. Người thực hiện là bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng viên để hỗ trợ.
Có nhiều phương pháp phẫu thuật sa sinh dục. Nhưng hiện nay có ba phương pháp thông dụng được lựa chọn nhiều là:
3.1 Phương pháp Manchester
Phương pháp Manchester được chỉ định chủ yếu cho phụ nữ còn trẻ, muốn có con và sa độ II. Phẫu thuật này cũng có thể áp dụng cho những bệnh nhân già sa sinh dục độ III mà không chịu được một cuộc phẫu thuật lớn.
Các bước phẫu thuật chính của phương pháp này:
- Cắt cụt cổ tử cung
- Khâu ngắn dây chằng Mackenrodt
- Khâu nâng bàng quang
- Làm lại thành trước
- Phục hồi cổ tử cung bằng các mũi Sturmdorft
- Làm lại thành sau âm đạo.
3.2 Phương pháp Crossen
- Chỉ định cho bệnh nhân bị sa sinh dục độ III.
- Phẫu thuật Crossen chỉ được tiến hành khi cổ tử cung không bị viêm loét
- Cắt tử cung hoàn toàn theo đường âm đạo. Buộc chéo các dây chằng Mackenrodt và dây chằng tròn bên kia để treo mỏm cắt khâu vào nhau thành cái võng chắc, chống sa ruột
- Khâu nâng bàng quang
- Làm lại thành trước.
- Khâu cơ nâng hậu môn, làm lại thành sau âm đạo.
3.3 Phương pháp Lefort
- Phương pháp Lefort là phương pháp đơn giản áp dụng cho người già, không còn quan hệ sinh lý, âm đạo, cổ tử cung không viêm nhiễm
- Kỹ thuật: Khâu kín âm đạo
- Ngoài ra, người ta có thể chỉ làm lại thành trước âm đạo, nâng bàng quang, hoặc làm lại thành sau âm đạo và nâng trực tràng
- Nếu áp dụng phương pháp này ở phụ nữ vẫn còn tử cung, cần phải để hai rãnh nhỏ trong âm đạo để thoát dịch trong tử cung ra. Nếu khâu kín toàn bộ có thể gây tình trạng áp xe tử cung, tiểu khung.
3.4 Phòng tránh bệnh sa sinh dục
Sa sinh dục là bệnh hiếm gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên bệnh lại gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống và làm giảm đáng kể chất lượng sống của người bệnh. Nhưng phụ nữ có thể phòng tránh được bằng những chú ý:
- Không đẻ nhiều, đẻ sớm, đẻ quá dày. Nên đẻ ở nhà hộ sinh hoặc cơ sở y tế đủ điều kiện để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và con. Được đỡ đẻ đúng kỹ thuật,
- Không để thời gian chuyển dạ kéo dài, không rặn đẻ quá lâu. Thực hiện các thủ thuật phải đảm bảo đủ kiều kiện, đúng chỉ định và đúng kỹ thuật.
- Các tổn thương đường sinh dục phải được phục hồi đúng kỹ thuật.
- Sau đẻ không nên lao động quá sớm và làm quá nặng.
- Tránh tình trạng táo bón.
Cần phát hiện và điều trị sớm các bệnh mãn tính khiến gây tăng áp lực ổ bụng thường xuyên như Táo bón thời gian dài, Ho kéo dài... Vì đây là nguyên nhân dẫn đến sa sinh dục.