Mục lục:

Hậu quả của rối loạn nuốt ở trẻ bại não

Rối loạn nuốt là một tình trạng khá phổ biến ở các bệnh nhân tổn thương não. Các bệnh lý thường gặp là tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, bại não, di chứng não do ngừng tuần hoàn, đuối nước, bệnh xơ cứng rải rác và các bệnh não do rối loạn chuyển hóa...
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Rối loạn nuốt là bệnh gì?

Rối loạn nuốt là một tình trạng khá phổ biến ở các bệnh nhân tổn thương não. Các bệnh lý thường gặp là tai biến mạch máu não, Chấn thương sọ não, bại não, di chứng Não do ngừng tuần hoàn, đuối nước, bệnh Xơ cứng rải rác và các bệnh não do rối loạn chuyển hóa...

2. Nguyên nhân gây rối loạn nuốt ở trẻ bại não

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nuốt là do tổn thương hệ thống thần kinh ảnh hưởng đến các nhóm cơ vùng hàm, mặt, lưỡi, miệng, hầu, và rối loạn hệ thống cảm giác, Thần kinh sọ.

Bên cạnh đó, tổn thương não còn làm rối loạn nhận thức, giác quan, ảnh hưởng đến quá trình nhai, nuốt. So với các nhóm bệnh khác, rối loạn nuốt ở trẻ bại não mang lại nhiều khó khăn trong toàn bộ quá trình phát triển của đứa trẻ.

3. Hậu quả của rối loạn nuốt

3.1 Suy dinh dưỡng

Rối loạn nuốt là một trong các nguyên nhân chính gây chậm tăng trưởng và Suy dinh dưỡng ở trẻ bại não. Hậu quả của rối loạn nuốt làm cho trẻ yếu, giảm sức mạnh cơ, chậm phát triển tinh thần, giảm khả năng đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và kéo dài thời gian bị bệnh, khó hồi phục, tăng nguy cơ tử vong.

Hậu quả của rối loạn nuốt ở trẻ bại não - ảnh 1
Rối loạn nuốt gây Suy dinh dưỡng ở trẻ bại não

3.2 Thiếu nước

Ở các trẻ sặc lỏng, thường trẻ sẽ không nhận đủ lượng dịch cần thiết cho cơ thể, dẫn đến thiếu nước. Nếu tình trạng này kéo dài và nặng, nó có thể dẫn đến hàng loạt các vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng và thậm chí tính mạng của trẻ như: Phù não, suy giảm chức năng thận, hôn mê...

Để hạn chế các vấn đề này, trẻ có thể cần được trợ giúp bằng thay đổi tư thế cho ăn uống, cho bú, có thể sử dụng các dụng cụ trợ giúp như: Bình ti, ống hút có giới hạn lượng dịch, cốc uống nước khuyết mũi, hoặc có thể sử dụng chất làm đặc nước, hay đặt thông dạ dày nếu cần thiết.

3.3 Hít sặc

Hít sặc là một hậu quả nghiêm trọng của rối loạn nuốt ở trẻ bại não, là yếu tố gây viêm đường Hô hấp tái diễn, đặc biệt là viêm phổi và bệnh phổi mạn tính, làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân bại não.

Các dị vật đường thở do hít sặc có thể là thức ăn, nước uống, nước bọt và dịch dạ dày do trào ngược.

  • Hít sặc trước khi nuốt: do khả năng kiểm soát lưỡi kém dẫn đến 1 phần thức ăn rơi vào đường thở trước khi được xử lý xong, hoặc do phản xạ nuốt chậm
  • Hít sặc trong khi nuốt do thanh quản đóng không kín
  • Hít sặc sau khi ăn do các thức ăn tồn đọng, hoặc do dịch dạ dày trào ngược.
Hậu quả của rối loạn nuốt ở trẻ bại não - ảnh 2
Một hậu quả của rối loạn nuốt là viêm phổi

3.4 Giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ tử vong

Tuổi thọ trung bình ở bệnh nhân bại não, kể cả những trường hợp bại não nhẹ có xu hướng thấp hơn tuổi thọ trung bình của người bình thường. Tuy nhiên, ở những người bệnh có kèm theo rối loạn nuốt, tuổi thọ thường rất thấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ở bệnh nhân rối loạn nuốt, sự suy dinh dưỡng, thiếu nước, viêm phổi tái diễn, giảm sức đề kháng đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tăng khả năng tử vong ở người bệnh.

Bên cạnh đó, các yếu tố về tâm lý, xã hội cũng ảnh hưởng gián tiếp đến mong muốn được sống ở các bệnh nhân này.

3.5 Ảnh hưởng đến Tâm lý xã hội

Việc ăn uống đối với một đứa trẻ có rối loạn nuốt gặp nhiều khó khăn và điều đó tác động không nhỏ tới tâm lý của bản thân đứa trẻ và người chăm sóc do việc ăn và việc cho ăn khó khăn, thời gian chuẩn bị đồ ăn và thời gian cho ăn kéo dài... Điều này dẫn đến sự căng thẳng cho trẻ và người chăm sóc, có thể dẫn đến trầm cảm.

Hậu quả của rối loạn nuốt ở trẻ bại não - ảnh 3
Trẻ bại não gặp khó khăn trong việc nuốt có thể bị trầm cảm

3.6 Hạn chế giao tiếp, hòa nhập xã hội

Đây là vấn đề thường gặp ở trẻ bại não, và khó khăn hơn ở trẻ bại não có rối loạn nuốt vì các lý do sau:

  • Chảy dãi khiến có mùi cơ thể
  • Hơi thở có mùi ở người có rối loạn nuốt do tình trạng ứ đọng thức ăn trong khoang miệng, trào ngược thức ăn lên mũi, viêm phổi, trào ngược dạ dày...
  • Giảm tính độc lập trong sinh hoạt cộng đồng
  • Các vấn đề tâm lý, ngại giao tiếp, tự ti...
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung