1. Huyết áp cao có được ăn thịt bò không?
Ăn thịt đỏ làm tăng khả năng tử vong sớm. Đó là phát hiện từ một nghiên cứu lâm sàng rất lớn và đáng tin cậy vừa được công bố trên Tạp chí Nội khoa JAMA (JAMA Internal Medicine). Nghiên cứu này cho thấy ăn thịt đỏ và thịt đã qua chế biến có liên quan đến sự gia tăng của tổng tỷ lệ tử vong, tử vong do ung thư và tử vong do bệnh tim mạch.
Họ phát hiện ra rằng ăn 4 ounce thịt đỏ mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ tử vong sớm, làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư và tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Do đó, nhóm tác giả khuyến cáo đã đến lúc giảm tiêu thụ thịt đỏ, bao gồm thịt bò, thịt lợn và các loại thịt chế biến như xúc xích, thịt xông khói và thịt nguội.
Thịt đỏ thực sự không tốt cho sức khỏe của bạn. Thịt đỏ có chứa cholesterol và chất béo bão hòa. Khi nấu thịt đỏ sẽ tạo ra các hợp chất gây ung thư. Thịt đỏ chứa rất nhiều chất sắt, đây là yếu tố được cho là thúc đẩy ung thư phát triển và ăn thịt đỏ có liên quan đến bệnh Huyết áp cao và tăng cholesterol trong máu, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tuy nhiên, bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ. Thay vào đó, bạn nên tránh ăn nó mỗi ngày. Nếu bạn ăn thịt hai lần một ngày và có thể cắt giảm xuống còn một lần một ngày thì sẽ tốt cho sức khỏe hơn. Nếu bạn cắt giảm xuống còn hai hoặc ba lần một tuần thì sẽ tốt cho sức khỏe nhiều hơn nữa.
Không chỉ cắt giảm tiêu thụ thịt đỏ sẽ tốt cho sức khỏe cá nhân của bạn, nó cũng sẽ tốt cho sức khỏe của hành tinh. Bởi việc sản xuất thịt công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên (nhiều hơn cả trồng rau quả), sử dụng một lượng nước rất lớn, tạo ra nhiều ô nhiễm hơn (bao gồm ô nhiễm nước từ dòng chảy của chất thải và hóa chất, và tăng khí nhà kính từ tất cả các khí metan được bài tiết bởi động vật), đòi hỏi một lượng lớn thuốc trừ sâu trên cây (như ngô) được trồng để nuôi động vật, và yêu cầu sử dụng tất cả các loại kháng sinh để giảm bệnh.
2. Huyết áp cao có được ăn tôm không?
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết rằng 100 gram (g) tôm chứa 189 miligam (mg) cholesterol.
Theo hướng dẫn chế độ ăn uống 2015 dành cho người Mỹ, bạn nên ăn càng ít cholesterol càng tốt. Tuy nhiên, khuyến cáo này không đề xuất một lượng cụ thể nào, nhưng một người tuân thủ theo mô hình ăn uống lành mạnh sẽ tiêu thụ khoảng 100-300 mg cholesterol mỗi ngày.
Trước đây, các bác sĩ cho rằng tất cả cholesterol đều có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia tin rằng lipoprotein mật độ cao (HDL) hay cholesterol tốt có thể cân bằng được tác động tiêu cực của lipoprotein mật độ thấp (LDL) hoặc cholesterol xấu, từ đó dẫn đến cân bằng sức khỏe. Nói cách khác, cholesterol tốt HDL có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim khi cơ thể bị tăng cholesterol LDL.
Năm 1996, một nhóm các nhà khoa học phát hiện ra rằng ăn tôm làm tăng mức cholesterol LDL, nhưng mức Cholesterol HDL cũng tăng. Họ cho rằng tôm có thể hỗ trợ sức khỏe Tim mạch hơn là làm cho bệnh nặng hơn.
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng có thể làm tăng mức cholesterol LDL. Tuy nhiên, 100 g tôm chứa ít hơn 0,3 g chất béo và hầu hết trong số này là không bão hòa. Hay nói cách khác, hàm lượng chất béo của tôm không có khả năng làm tăng mức cholesterol LDL.
Trong một nghiên cứu năm 2018, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hầu hết các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao cũng có nhiều chất béo bão hòa, tuy nhiên tôm là trường hợp ngoại lệ. Tôm chứa ít chất béo bão hòa nhưng nhiều chất Dinh dưỡng khác. Các tác giả cho rằng tôm là thực phẩm lành mạnh và không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) thậm chí liệt kê tôm là một loại thực phẩm có thể làm giảm mức cholesterol, tuy nhiên điều này chỉ đúng khi bạn không chiên tôm. AHA tuyên bố rằng tôm có chứa một số axit béo omega-3. Đây là một loại chất béo lành mạnh có lợi cho hệ thống Tim mạch và các chức năng khác của cơ thể.
3. Huyết áp cao có được ăn trứng không?
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện trên 21.300 bác sĩ nam và họ được theo dõi trong vòng 20 năm, bắt đầu khi các đối tượng này có tuổi trung bình khoảng 54 tuổi.
Mỗi năm trong quá trình nghiên cứu, những nam giới này được ghi lại lượng tiêu thụ trứng, hoạt động thể chất, hút thuốc, sử dụng rượu, tiêu thụ rau và ngũ cốc ăn sáng, tiểu đường, huyết áp cao và sử dụng aspirin.
Những người tham gia không được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống bình thường của họ. Những người tham gia điển hình báo cáo ăn một quả trứng mỗi tuần. Những người đàn ông lớn tuổi, nặng cân hơn, ít hoạt động hơn, có hút thuốc lá, có cholesterol cao, có tiền sử bệnh tiểu đường và huyết áp cao có xu hướng ăn nhiều trứng hơn.
Ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác, những người đàn ông ăn bảy quả trứng trở lên mỗi tuần có nguy cơ tử vong cao hơn 23% vì bất kỳ nguyên nhân nào trong quá trình nghiên cứu. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao hơn.
Nhưng tiêu thụ trứng không liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ, ngay cả trong số những người đàn ông ăn hơn bảy quả trứng mỗi tuần.
4. Huyết áp cao ăn gì?
Chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những biện pháp phòng tránh hàng đầu mang lại hiệu quả cao để ngăn ngừa huyết áp cao. Đây cũng là một phương pháp điều trị ban đầu tuyệt vời khi huyết áp đang có xu hướng tăng ở những người khỏe mạnh và cũng là biện pháp làm tăng hiệu quả cho thuốc điều trị tăng huyết áp.
Sau đây là lời khuyên dựa trên bằng chứng về chế độ ăn uống và huyết áp được các chuyên gia Dinh dưỡng khuyến cáo dành cho người huyết áp cao:
- Ăn nhiều cá, các loại hạt và đậu;
- Cố gắng đốt cháy lượng calo nhiều hơn lượng calo bạn ăn vào mỗi ngày;
- Chuyển sang rau và trái cây thay vì đồ ăn nhẹ có đường, món mặn hay món tráng miệng;
- Chọn bánh mì, mì ống và các loại thực phẩm giàu carbohydrate khác được làm từ ngũ cốc nguyên hạt thay vì bột trắng đã qua tinh luyện;
- Ăn trái cây thay vì uống nước ép trái cây;
- Sử dụng chất béo không bão hòa như ô liu, dầu canola, đậu nành, đậu phộng, ngô thay cho bơ, dầu dừa hoặc dầu cọ;
- Sử dụng chủ yếu các thực phẩm tươi hoặc đông lạnh thay vì thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn;
- Chọn thực phẩm có ít natri nhất có thể; sử dụng các loại thảo mộc, gia vị, giấm và các hương liệu ít natri khác thay cho muối;
- Giảm lượng calo nếu bạn cần giảm cân.
Khi bị huyết áp cao, để đảm bảo an toàn và yên tâm nhất về tình trạng sức khỏe của mình, bạn nên đi khám bác sĩ tại bệnh viện có uy tín. Gói Khám Tăng huyết áp cơ bản và Gói Khám Tăng huyết áp nâng cao được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ giúp xác định nguyên nhân, biến chứng và cấp độ tăng huyết áp, từ đó có những biện pháp điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.
11 loại thuốc điều trị cao huyết áp tốt nhất hiện nay - Bác sĩ khuyên dùng
Nguồn tham khảo: webmd.com, everydayhealth.com, health.harvard.edu, medicalnewstoday.com