1. Đặt stent Mạch vành được tiến hành như thế nào?
Một ống thông nhỏ có gắn bóng và giá đỡ kim loại (stent – nằm bên ngoài quả bóng) được đưa qua động mạch quay ở cổ tay hoặc động mạch đùi đi đến động Mạch vành của bệnh nhân. Khi đến vị trí động Mạch vành bị hẹp, bóng được bơm phồng lên làm cho khung kim loại (stent) nở ra và áp sát vào thành động mạch làm nở rộng thành động mạch về đường kính bình thường giúp máu lưu thông trở lại bình thường.
2. Sự khác nhau giữa nong động mạch vành và đặt stent mạch vành
Trong trường hợp mức độ hẹp mạch vành quá nặng, bác sĩ sẽ tiến hành nong vị trí mạch vành bị hẹp trước làm rộng lòng động mạch vành tạm thời, giúp quá trình đưa bóng có kèm stent dễ dàng đi qua vị trí hẹp để tiến hành đặt stent cho bệnh nhân.
3. Tuổi thọ của stent mạch vành
Stent mạch vành có thể tồn tại vĩnh viễn trong lòng động mạch (trừ stent tự tiêu) nhưng hiệu quả chống hẹp tắc động mạch vành của stent thay đổi tùy từng từ vài tháng đến hàng chục năm, phụ thuộc rất nhiều vào việc dùng thuốc, điều chỉnh huyết áp, mỡ máu, chế độ ăn và luyện tập của người bệnh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả lâu dài của stent mạch vành:
- Huyết khối stent: nếu bệnh nhân quên uống thuốc, nếu cơ địa bệnh nhân giảm dung nạp với thuốc chống đông thì sẽ hình thành cục máu đông trong lòng stent mạch vành dẫn đến tắc cấp tính stent
- Mảng xơ vữa tiếp tục phát triển: do các yếu tố nguy cơ của Xơ vữa động mạch vẫn tồn tại, ví dụ tuổi, giới, yếu tố gia đình, hút thuốc lá, béo phì, bệnh phối hợp - đái tháo đường, tăng huyết áp, máu nhiễm mỡ...
- Loại stent được sử dụng: các loại stent phủ thuốc sẽ giảm được nguy cơ tái hẹp cao hơn so với stent thường