1. Có nên Nội soi dạ dày và đại tràng cho trẻ?
Nội soi tiêu hóa là phương pháp chẩn đoán, thăm khám trực tiếp hệ tiêu hóa gồm phần trên là dạ dày tá tràng (gọi là nội soi dạ dày tá tràng) và phần dưới là đại tràng hay ruột già (gọi là nội soi đại tràng).
Khi thực hiện nội soi, bác sĩ sẽ luồn một ống soi mềm qua đường miệng (với nội soi dạ dày) hoặc qua đường hậu môn (với nội soi đại tràng) để khảo sát trong lòng ống tiêu hóa. Từ đó, có hình ảnh giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho trẻ.
Khi trẻ em có những triệu chứng nghi mắc bệnh lý viêm Loét dạ dày – tá tràng như biếng ăn, chậm tăng cân, đau bụng kéo dài, Xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Hp... thì bác sĩ sẽ chỉ định nội soi tiêu hóa. Máy soi dạ dày và đại tràng cho trẻ em có kích thước phù hợp, bác sĩ sẽ gây mê ngắn cho trẻ trong khoảng 5 phút và thực hiện nội soi.
Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam đã có trường hợp trẻ tử vong do nội soi dạ dày.
Như vậy, có nên nội soi dạ dày và đại tràng cho trẻ nhỏ? Tham khảo nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ viêm và loét dạ dày ở trẻ dưới 10 tuổi chỉ chiếm khoảng 1,7% và 1,9% . Như vậy, bệnh Loét dạ dày - tá tràng không phải là bệnh thường gặp ở trẻ em, không nên trường hợp nào cũng thực hiện nội soi.
Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, trẻ em đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân, nếu cần thiết làm Xét nghiệm chẩn đoán thì cần chọn cái đơn giản, dùng phương pháp ít xâm lấn.
Cha mẹ cũng không nên quá lo lắng về việc dùng nội soi dạ dày ở trẻ em. Hiện nay đã có những loại máy soi có kích thước phù hợp với trẻ, nếu được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên môn cao, đào tạo bài bản thì tỉ lệ gây tai biến là rất nhỏ. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia gây mê, việc sử dụng thuốc gây mê mới và thời gian gây mê ngắn (chỉ khoảng 5 phút) giúp bé tỉnh ngay sau khi nội soi xong sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sau này.
2. Khi nào nên nội soi dạ dày cho trẻ?
Nội soi dạ dày và đại tràng ở trẻ nhỏ để chẩn đoán bệnh được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Đau bụng kéo dài ở trẻ dưới 5 tuổi
- Cơn đau khiến trẻ thức giấc về đêm.
- Đau thượng vị kéo dài liên quan đến ăn uống
- Thiếu máu không rõ nguyên nhân
- Ói mửa kéo dài và nặng
- Ói ra máu
- Chậm tăng trưởng hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
- Đi cầu phân đen
- Máu ẩn trong phân dương tính với đau bụng kéo dài
- Trẻ bị đau bụng kéo dài, tiền sử ba/mẹ, anh chị em ruột bị Ung thư dạ dày hoặc trẻ sống chung với người mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng có HP.
- Đau bụng kéo dài với trẻ có dùng thuốc chống viêm NSAIDs hoặc corticoid.
3. Cần chuẩn bị gì cho trẻ trước khi nội soi dạ dày và đại tràng?
Thực hiện nội soi vào buổi sáng, sáng hôm đó cho trẻ nhịn ăn
- Ngưng tất cả thuốc đang uống, ngưng kháng sinh ít nhất 1 tháng trước nội soi, các thuốc giảm tiết acid dạ dày nhóm PPI (lansoprazole, omeprazole, esomeprazole....) ít nhất 2 tuần trước ngày nội soi.
- Nếu trẻ đau bụng nghi do viêm loét dạ dày – hành tá tràng mà chưa nội soi được có thể dùng 1 số thuốc giảm triệu chứng mà không ảnh hưởng đến kết quả nội soi và xét nghiệm HP như rebamipide, sulcrafate, phosphalugel.
4. Lời khuyên của bác sĩ
Nội soi dạ dày ở trẻ em để đảm bảo an toàn, bắt buộc phải gây mê để bé ngủ hoàn toàn rồi mới đặt ống nội soi. Đặc biệt, không sử dụng thuốc gây mê Ketamin vì có nhiều phản ứng phụ, nên dùng các loại thuốc như Propofol, Midazolam...
Hơn nữa, cha mẹ nên đưa trẻ tới khám và thực hiện nội soi nếu được chỉ định tại các bệnh viện uy tín, trang thiết bị máy móc đầy đủ, hiện đại, bác sĩ uy tín, có kinh nghiệm, sử dụng thuốc gây mê an toàn.