Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Khi nào có thể tiêm chất nhờn chữa thoái hóa khớp gối?

24/06/2021
Khi nào có thể tiêm chất nhờn chữa thoái hóa khớp gối?

Thoái hóa khớp gối là một vị trí thường gặp nhất trong các bệnh thoái hóa về khớp. Trong những đợt cấp của bệnh thoái hóa khớp, có thể dùng các thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau đơn thuần, tuy nhiên các thuốc này có nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa ví dụ như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa.

1. Acid Hyaluronic sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp gối

Một số thuốc chống viêm không steroid như indometacin về lâu dài lại có tác dụng có hại cho sụn khớp, và làm trầm trọng thêm quá trình thoái hoá khớp. Biện pháp cuối cùng là phải phẫu thuật thay khớp giả, rất tốn kém kinh phí cho bệnh nhân. Để khắc phục được những nhược điểm này, hiện nay, có biện pháp sử dụng chất nhờn (như acid hyaluronic hoặc dẫn xuất của nó) đã được ứng dụng rộng rãi vì tính an toàn và hiệu quả kéo dài.

Bình thường trong khớp gối có chứa khoảng 2ml dịch khớp. Acid hyaluronic là một polysacharid có ở trong thành phần dịch khớp, với hàm lượng từ 2,5 - 4,0mg/ml. Nó có tác dụng bôi trơn mô mềm và phủ trên bề mặt sụn khớp và được tổng hợp bởi tế bào sụn. Acid hyaluronic có nhiệm vụ đệm giảm xóc, bôi trơn và bảo vệ khớp. Nó có các tính chất nhớt và đàn hồi tùy thuộc vào lực tác động. Nếu tác động một lực lớn, thì nó có tính chất đàn hồi, còn nếu tác động một lực nhẹ thì nó như là dầu bôi trơn. Khi khớp bị thoái hóa, số lượng acid hyaluronic và chất lượng chất này trong dịch khớp bị giảm.

Ở những bệnh nhân thoái hóa khớp gối, lượng acid hyaluronic so với bình thường chỉ còn một nửa đến hai phần ba, do đó xảy ra hiện tượng dịch khớp giảm độ nhớt, và mất khả năng bảo vệ sụn khớp, dẫn đến tiến triển hủy hoại khớp.

Khi nào có thể tiêm chất nhờn chữa thoái hóa khớp gối? - ảnh 1
Tiêm Acid Hyaluronic điều trị thoái hóa khớp gối

Tiêm bổ sung chất nhờn acid hyaluronic vào trong khớp thì trọng lượng và nồng độ phân tử của acid hyaluronic nội sinh sẽ tăng lên. Nhờ đó mà giảm đau, cải thiện đáng kể chức năng của khớp. Tác dụng sẽ kéo dài trong vài tháng.

Bên cạnh đó, khi tiêm acid hyaluronic vào trong khớp sẽ ức chế cảm nhận đau nên làm giảm đau.

Giúp ngăn sinh tổng hợp PGE2 và ngăn chặn tác dụng của cytokine, kháng viêm hiệu quả.

Tiêm bổ sung acid hyaluronic giúp tăng hoạt tính men TIMP nên ức chế sự thoái hóa của sụn khớp. Đồng thời kết nối các proteoglycan và giúp tăng sinh tổng hợp tế bào sụn khớp, rất tốt cho người bị thoái hóa khớp gối.

Acid Hyaluronic chỉ lưu trong dịch khớp khoảng 1 tuần nhưng lại có thể duy trì tác dụng lên đến 6 tháng. Bởi acid hyaluronic giúp kích thích sản xuất acid hyaluronic nội sinh nên sẽ có hiệu quả tốt hơn so với tiêm Corticoid nội khớp.

2. Khi nào có thể tiêm chất nhờn chữa thoái hóa khớp?

2.1 Khi nào có thể điều trị Thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn?

  • Chỉ sử dụng phương pháp điều trị Thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn khi bệnh ở mức độ trung bình đến nặng vừa.
  • Sử dụng khi người bệnh đã áp dụng các phương pháp điều trị thông thường khác nhưng đáp ứng không tốt. Chẳng hạn như uống thuốc giảm đau, chống viêm...
  • Người chưa thể tiến hành phẫu thuật thay khớp.

Mỗi một liệu trình điều trị theo phương pháp này thường kéo dài 5 tuần liền và tiêm 1 lần/tuần. Hiện nay phổ biến nhất là người bệnh được tiêm bằng thuốc ống chứa 2 – 2,5ml acid hyaluronic/ống. Khi tiến hành điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn (tiên nội khớp acid hyaluronic) thì cần phải đảm bảo đã hút dịch gối và vô khuẩn.

Sau khi tiêm nội khớp acid hyaluronic thì khoảng 3 tuần người bệnh thoái hóa khớp gối sẽ thấy hiệu quả.

2.2 Những đối tượng sau đây cần phải thông báo với bác sĩ về tình trạng của mình để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra

  • Người bệnh có cơ địa dễ Dị ứng Dị ứng với thành phần của thuốc acid hyaluronic.
  • Người gặp các vấn đề rối loạn hay một số bệnh lý khác
  • Phụ nữ đang mang bầu, cho con bú chỉ được dùng khi có chỉ định.
  • Trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào người bệnh cũng cần
Khi nào có thể tiêm chất nhờn chữa thoái hóa khớp gối? - ảnh 2
Tiêm chất nhờn chữa thoái hóa khớp theo chỉ định của bác sĩ

3. Ưu nhược điểm của điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn

Mỗi phương pháp điều trị bệnh đều có ưu nhược điểm riêng. Điều trị thoái hóa khớp gối bằng chất nhờn cũng không ngoại lệ.

3.1 Ưu điểm

  • Khá an toàn, rất ít trường hợp gây phản ứng viêm tại chỗ, đau ở vị trí tiêm, đau khớp háng, cơ và cảm thấy mệt mỏi. Những phản ứng này sẽ biến mất nhanh chóng sau 2 – 3 ngày và chỉ gặp trong lần tiêm đầu.
  • Có tác dụng giảm đau khá tốt.
  • Hiệu quả kéo dài, có thể lên đến 6 tháng do khả năng kích thích sản sinh ra Acid Hyaluronic nội sinh.

3.2 Nhược điểm

  • Không phải trường hợp nào cũng đáp ứng tốt với việc điều trị bằng phương pháp này.
  • Chỉ áp dụng khi bệnh thoái hóa khớp gối ở giai đoạn trung bình đến nặng vừa. Trường hợp không đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó như sử dụng thuốc. Hoặc chưa thể tiến hành phẫu thuật thay toàn bộ khớp gối...
  • Chi phí điều trị tốn kém.
  • Tiêm đủ liều mới có hiệu quả.
  • Không điều trị được tận gốc bệnh.

Thoái hóa khớp gối là bệnh thường gặp nhất trong thoái hóa khớp, biểu hiện của thoái hóa khớp gối là thương tổn trên bề mặt sụn khớp, bền mặt sụn khớp bị tổn thương có thể do tác động của nhiều nguyên nhân. Trong giai đoạn sớm, khớp gối chưa có biểu hiện tổn thương ngay do dịch khớp bên trong mới bị hao hụt. Khi dịch trong khớp hao hụt càng nhiều thì độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên và chịu lực tác động nhiều hơn. Điều này làm cho bề mặt sụn khớp bị mòn dần và dẫn tới tình trạng hẹp khe khớp gối.

Theo thời gian, tổn thương dần từ bề mặt của sụn rồi khuyết dưới mặt sụn, gây thương tổn các tổ chức dưới sụn và phá hủy đến mô xương. Đến giai đoạn ăn vào mô dưới sụn sẽ tạo nên tình trạng khuyết xương, hiện tượng này trên hình ảnh X-quang thường được gọi là gai xương.