1. Tổng quan về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ nhưng có thể phòng ngừa, phát hiện sớm (khi ung thư còn ở giai đoạn tiền ung thư hoặc khu trú tại chỗ) và điều trị khỏi bệnh. Thời gian hình thành Ung thư cổ tử cung kéo dài khoảng 5 - 20 năm. Các triệu chứng của bệnh thường là huyết trắng dai dẳng, ra máu âm đạo bất thường sau khi sinh hoạt Tình dục hoặc ra máu âm đạo sau mãn kinh.
Để phát hiện bệnh sớm, phụ nữ nên thăm khám phụ khoa định kỳ, thực hiện xét nghiệm Pap smear, chẩn đoán tế bào, soi cổ tử cung và sinh thiết cổ tử cung nếu có dấu hiệu bất thường. Mỗi giai đoạn bệnh sẽ có phương pháp điều trị tương ứng. Cụ thể là:
- Giai đoạn tiền ung thư: Là giai đoạn ung thư biểu mô tại chỗ, các tế bào bất thường mới chỉ xuất hiện ở lớp lót bề mặt cổ tử cung, chưa ăn sâu xuống mô chính và chưa ran tới các bộ phận khác trên cơ thể. Ở giai đoạn này, bác sĩ có nhiều phương pháp điều trị tại chỗ, vẫn giữ được chức năng tử cung và buồng trứng như: Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (loại bỏ một phần nhỏ cổ tử cung theo hình nón), phẫu thuật bằng vòng cắt đốt, điều trị laser hoặc đông lạnh tế bào ung thư bằng dung dịch nitơ lỏng,... Tỷ lệ chữa khỏi bệnh trong giai đoạn này có thể lên đến 100%;
- Giai đoạn I: Tế bào ung thư đã xâm lấn các mô chính của cổ tử cung nhưng vẫn chưa lây lan tới các cơ quan khác. Phương pháp điều trị là cắt một phần hoặc cắt toàn bộ tử cung, hoặc xạ trị. Các mô Sẹo để lại sau phẫu thuật có thể gây hẹp cổ tử cung, ngăn chặn trứng và tinh trùng gặp nhau, gây ảnh hưởng tới khả năng thụ thai. Nếu cắt bỏ quá nhiều mô, phụ nữ mang thai trở lại có nguy cơ Sảy thai cao. Tỷ lệ chữa ung thư cổ tử cung khỏi hoàn toàn ở giai đoạn II khá cao, có thể đạt tới 85 - 90%;
- Giai đoạn II - III: Khối u ác tính bắt đầu lan tới âm đạo và các mô xung quanh cổ tử cung, thậm chí lan ra khắp vùng chậu. Việc điều trị chủ yếu là xạ trị kết hợp với hóa trị, không bảo tồn được khả năng sinh sản của bệnh nhân. Một số trường hợp có thể phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng, kết hợp thêm xạ trị và hóa trị. Người bệnh ở giai đoạn II có cơ hội chữa khỏi là 50 - 75% và giảm còn 25 - 40% nếu điều trị trong giai đoạn III;
- Giai đoạn IV: Khối u ác tính lan ra ngoài vùng chậu đến các cơ quan lân cận như bàng quang, trực tràng hoặc di căn tới những cơ quan xa như gan, phổi, xương,... Ở giai đoạn này, việc điều trị ung thư cổ tử cung chỉ nhằm kéo dài thời gian sống và giảm triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân. Chỉ có tối đa 15% bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn IV có thể sống thêm 5 năm.
2. Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm bằng kỹ thuật khoét chóp bằng vòng điện
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm như chống viêm tại chỗ, áp lạnh, đốt điện, đốt laser, khoét chóp bằng dao điện, vòng điện,... Trong đó, khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (Loop electrosurgical excision procedure - LEEP) đang là kỹ thuật được nhiều bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân.
2.1 Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là gì?
Khi bệnh nhân có kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành thủ thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện như một phần trong quá trình đánh giá bệnh hoặc điều trị bệnh. Đây là phương pháp loại bỏ các tế bào bất thường trong cổ tử cung bằng cách sử dụng một vòng điện (LOOP) có chức năng giống như một con dao phẫu thuật. Dòng điện sẽ được dẫn qua vòng này, cắt đi một lớp mỏng của cổ tử cung (khoét chóp cổ tử cung).
Kỹ thuật này có ưu điểm là dễ sử dụng, giá thành thấp, cầm máu tốt nhờ tác dụng của vòng điện và điện cực bi, lấy được đủ bệnh phẩm còn nguyên vẹn để gửi xét nghiệm mô bệnh sau khi tiến hành thủ thuật. Mục đích của kỹ thuật là điều trị các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (loạn sản biểu mô các mức độ từ nhẹ đến nặng) và một số tổn thương lành tính ở cổ tử cung như lộ tuyến cổ tử cung đã điều trị áp lạnh nhưng không hiệu quả, u xơ cổ tử cung, đa polyp cổ tử cung.
2.2 Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định kỹ thuật: Khoét chóp cổ tử cung được chỉ định trong các trường hợp sau (theo kết quả mô bệnh học):
- Loạn sản biểu mô cổ tử cung độ cao;
- Loạn sản biểu mô cổ tử cung độ thấp nhưng không có sự tương xứng giữa kết quả tế bào, soi cổ tử cung và giải phẫu bệnh hoặc vùng ranh giới giữa biểu mô vảy - trụ không nhìn thấy hoàn toàn;
- Lộ tuyến cổ tử cung đã được điều trị bằng phương pháp áp lạnh hoặc đốt điện nhưng không có hiệu quả.
Chống chỉ định kỹ thuật:
- Người mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp chưa được điều trị ổn định;
- Bệnh nhân rối loạn đông máu;
- Bệnh nhân viêm nhiễm vùng chậu vừa và nặng.
2.3 Thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện như thế nào?
Kỹ thuật khoét chóp bằng vòng điện điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm được thực hiện khi bệnh nhân không Hành kinh để có thể quan sát cổ tử cung một cách rõ ràng. Thông thường, thủ thuật chỉ kéo dài vài phút.
Khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân sẽ nằm ngửa, đặt chân lên giá đỡ. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt một mỏ vịt vào âm đạo, tiêm thuốc tê tại chỗ để giảm cảm giác đau đớn cho bệnh nhân. Vòng điện sẽ được đưa vào cổ tử cung thông qua âm đạo. Vòng điện có nhiều hình dạng và kích cỡ, loại được chọn sử dụng sẽ tùy thuộc vào cổ tử cung của bệnh nhân và kích thước tổn thương cần cắt.
Sau khi thủ thuật hoàn tất, một loại bột hồ sẽ được bôi lên cổ tử cung để ngưng chảy máu. Phương pháp đốt điện cũng có thể được sử dụng để cầm máu. Mô được lấy ra từ thủ thuật khoét chóp sẽ được chuyển đi xét nghiệm để xác định chẩn đoán.
Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân có thể thấy dịch âm đạo hồng, lỏng, co thắt nhẹ hoặc dịch âm đạo có màu nâu đen (do hồ bôi gây nên). bệnh nhân sẽ cần ít tuần để cổ tử cung lành hẳn. Trong thời gian chờ cổ tử cung lành, người bệnh không nên đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo, không sinh hoạt Tình dục trước khi có sự đồng ý của bác sĩ. Nếu có những triệu chứng bất thường như Hành kinh ra nhiều máu hơn bình thường, xuất huyết ra cục máu đông, đau bụng nhiều,... bệnh nhân cần đi kiểm tra lại ngay. Cuối cùng, người bệnh cần tái khám theo lời khuyên của bác sĩ.
Sau khi làm thủ thuật, bạn sẽ phải đến gặp bác sĩ sau 01 tuần và nếu bình thường sẽ khám phụ khoa định kỳ mỗi 06 tháng. Bạn sẽ được thực hiện lại các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung để chắc chắn rằng tất cả các tế bào bất thường đã biến mất hoàn toàn và đảm bảo không quay trở lại. Nếu vẫn tiếp tục phát hiện ra các mô cổ tử cung bất thường, bệnh nhân có khả năng phải điều trị tích cực hơn nữa.