Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Kỹ thuật xạ hình SPECT/CT xác định hạch gác trong bệnh ung thư vú

26/04/2021
Kỹ thuật xạ hình SPECT/CT xác định hạch gác trong bệnh ung thư vú

Xạ hình SPECT/CT hạch gác trong bệnh ung thư vú là biện pháp được sử dụng rất nhiều hiện nay nhằm xác định chính xác hạch gác. Hệ thống thiết bị 2 trong 1 này được kết hợp từ máy chụp Xạ hình cắt lớp bằng tia Gamma (SPECT) và máy chụp Cắt lớp điện toán (CT).

1. Giới thiệu về ung thư vú (K vú)

Ung thư vú là ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam, tỉ lệ mắc đang tăng nhanh qua từng năm.

Phẫu thuật cắt bỏ tổ chức ung thư vú kèm hạch di căn là cần thiết trong điều trị ung thư vú giai đoạn sớm.

2. Hạch gác (sentinel lymph node) là gì?

Hạch gác là hạch đầu tiên mà các tế bào ung thư có khả năng lây lan đến từ khối u nguyên phát. Các tế bào ung thư thường xuất hiện trong các hạch gác trước khi di căn sang các hạch khác, vì vậy việc phát hiện và tiến hành sinh thiết tại chỗ để xem hạch này có di căn không là rất cần thiết.

Nếu hạch gác chưa bị di căn thì khả năng rất cao là những hạch khác cũng chưa bị, lúc này bệnh nhân chỉ cần cắt bỏ tổ chức ung thư mà không phải nạo vét toàn bộ hạch nách như kỹ thuật điều trị truyền thống trước đây. Trong trường hợp các hạch này đã có các tế bào ung thư, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành vét hạch rộng rãi để hy vọng lấy hết tổ chức ung thư ra khỏi cơ thể.

Bệnh nhân ung thư vú sau khi phẫu thuật nạo vét hạch nách có thể phải chịu di chứng nặng nề như cánh tay bị sưng phù do phù hạch bạch huyết. Nhờ kỹ thuật phát hiện và sinh thiết hạch gác, bệnh nhân có thể không phải chịu cuộc mổ nạo vét hạch nách nên có thể tránh được các biến chứng.

3. Hạch gác được phát hiện như thế nào?

Trước đây, để xác định hạch gác, bệnh nhân sẽ được tiêm chất nhuộm có màu xanh (blue dye) vào khối u ở vú, chất nhuộm này sẽ di chuyển vào hệ thống hạch bạch huyết và khi phẫu thuật bác sĩ sẽ tìm những hạch có bắt màu xanh (hạch gác) để lấy các hạch đó ra và kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không.

Hệ thống máy SPECT/CT để chụp hình, đánh dấu hạch gác, cũng như dùng một thiết bị chuyên dụng (đầu dò gamma) để hỗ trợ phẫu thuật viên phát hiện chính xác hạch gác trong lúc mổ. Đây là phương pháp tối ưu nhất hiện nay trong chẩn đoán và phát hiện hạch gác.

4. Cần chuẩn bị gì khi đến khám và xạ hình xác định hạch gác?

  • Mang theo đầy đủ hồ sơ cũ (kết quả khám bệnh, siêu âm, cắt lớp vi tính...).
  • Thông báo tình trạng mang thai, cho con bú (nếu có) cho nhân viên y tế biết trước khi thực hiện dịch vụ.

5. Phương thực hoạt động của thiết bị SPECT/CT như thế nào?

Trước khi chụp xạ hình, thông thường bệnh nhân sẽ được tiêm vào mạch máu một hỗn hợp phóng xạ (99mTc) gắn với một Dược chất (chuyên biệt cho từng cơ quan cần khảo sát). Tùy theo tình huống, chất phóng xạ có thể đưa vào cơ thể bằng cách uống, hít khí dung hoặc tiêm dưới da. 99mTc là một đồng vị phóng xạ nhân tạo có chu kỳ bán hủy ngắn (6 giờ). Ngoài ra, bệnh nhân có thể uống 131 Iod, cũng là đồng vị phóng xạ nhân tạo có chu kỳ bán hủy ngắn (8 ngày).

Các hợp chất này phát ra bức xạ Gamma. Hai đầu dò (Detector) sẽ thu nhận bức xạ này cùng lúc phát ra từ cơ thể bệnh nhân và tái tạo thành hình ảnh thông qua các phần mềm chuyên biệt.

Bệnh nhân được nhân viên điều khiển thiết bị hướng dẫn nằm trên bàn trong tầm quét của hệ thống máy SPECT/CT, tùy theo vị trí và yêu cầu của các bác sĩ. Thời gian chụp sẽ từ 15 phút đến 45 phút, hoặc có thể lâu hơn tùy theo tính chất phức tạp của vị trí tổn thương (cũng có khi phải chụp nhiều lần và thời gian chờ sẽ kéo dài). Chụp xong, bệnh nhân có thể được lưu lại trong một thời gian ngắn hoặc có thể ra về ngay.

Sau khi xử lý ảnh, kết quả sẽ thể hiện các tổn thương trên cơ thể dưới dạng hình ảnh giải phẫu và chức năng. Bác sĩ Y học hạt nhân sẽ trao đổi kết quả với bác sĩ gửi bệnh trong những trường hợp phức tạp. Sau đó, hình ảnh và báo cáo kết quả sẽ được trao tận tay bệnh nhân hoặc gửi trực tiếp cho bác sĩ gửi bệnh.