Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Lạm dụng thuốc kháng sinh gây tác hại - hậu quả nghiêm trọng

20/10/2020
Lạm dụng thuốc kháng sinh gây tác hại - hậu quả nghiêm trọng

Thuốc kháng sinh giúp chữa bệnh hiệu quả. Nhưng khi lạm dụng chúng, tác hại của thuốc kháng sinh thực sự là rất nghiêm trọng. Vậy cụ thể thì thuốc kháng sinh có những tác hại gì? Khi sử dụng thì cần lưu ý gì để giảm bớt tác hại từ thuốc? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.

1. Thuốc kháng sinh là gì?

Thuốc kháng sinh là loại thuốc quan trọng giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh lý gây ra bởi vi khuẩn (nhiễm trùng), giảm các triệu chứng và  biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên việc lạm dụng quá mức khiến những loại kháng sinh đã sử dụng trước đây ít hiệu quả hoặc không có hiệu quả trong việc điều trị các Nhiễm trùng do vi khuẩn về sau. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của các tổ chức y tế trên thế giới.

2. Kháng kháng sinh là gì

Kháng kháng sinh là khả năng của một vi khuẩn làm mất tác dụng của kháng sinh vốn có tác dụng tốt trên vi khuẩn đó. Hậu quả là các kháng sinh được sử dụng theo đúng phác đồ điều trị nhưng không hiệu quả, vi khuẩn gây bệnh vẫn tồn tại và có thể lây truyền sang người khác.

Đây là hiện tượng tiến hóa tự nhiên. Khi vi khuẩn tiếp xúc với một kháng sinh có phổ tác dụng, hầu hết các vi khuẩn sẽ bị kìm hãm hoặc tiêu diệt, nhưng một số vi khuẩn tự biến đổi để sống sót dưới tác động của kháng sinh. Đặc tính kháng kháng sinh của những vi khuẩn này sẽ truyền lại cho các thế hệ con, cháu của chúng.

Ngoài ra, một số vi khuẩn có thể chuyển các đặc tính kháng thuốc của chúng sang các vi khuẩn khác, điều này làm gia tăng số lượng chủng loại vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng nhiều hơn.

3. Cách dùng thuốc kháng sinh không đúng

Thói quen tự chữa trị và “bắt chước” đơn thuốc của người dân dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, đã kéo theo nhiều hệ luỵ. Nguy hiểm hơn là góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc làm yếu và mất dần đi “vũ khí” để chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

  • Chữa bệnh do virut: Rất nhiều trường hợp khi thấy ho, sốt, chảy nước mũi do cảm cúm, cảm lạnh, Viêm họng do virút, thậm chí là ho do Dị ứng thời tiết hoặc khói bụi... là tự dùng kháng sinh. Trong khi đó thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virút, tác nhân gây cảm cúm. Do đó không thể dùng kháng sinh để trị cúm hoặc các bệnh cảm Ho thông thường khác do virút gây nên.
  • Tự ý tăng giảm liều dùng và thời gian điều trị: Không ít người bị bệnh có thói quen mua vài viên kháng sinh về dùng. Dùng 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm, hết sốt, hết triệu chứng của bệnh thì ngừng thuốc, không uống tiếp nữa. Và cho rằng nếu uống tiếp sẽ hại người, sẽ bị tác dụng phụ... Có trường hợp khi dùng kháng sinh này vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác. Bên cạnh đó lại có những trường hợp dùng kéo dài hơn liệu trình “cho ăn chắc”. Trong khi đó một đợt điều trị kháng sinh thường từ 5-7 ngày, thậm chí 10 ngày tuỳ theo từng người bệnh.
  • Dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết: Kháng sinh mạnh thường là những loại kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhiễm trùng nặng, nguy hiểm...và trên một số loại vi khuẩn đã nhờn với kháng sinh thế hệ cũ. Do đó, trong các trường hợp Sốt có ho thông thường mà đã dùng tới các kháng sinh này sẽ gây lãng phí và góp phần làm tăng khả năng vi khuẩn kháng thuốc.

4. Lạm dụng thuốc kháng sinh gây tác hại - hậu quả nghiêm trọng như thế nào?

  • Gây tốn kém, lãng phí: Việc sử dụng kháng sinh chữa các bệnh do virút hoặc dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết... đã gây ra sự lãng phí và tốn kém vô ích vì những loại kháng sinh mạnh thường rất đắt tiền.
  • Không khỏi bệnh: Việc tự dùng thuốc kháng sinh chữa bệnh hoặc chữa bệnh theo đơn thuốc của người khác... khiến cho bệnh không khỏi (vì thuốc điều trị không đúng bệnh) và còn dẫn đến nhiều biến chứng... khiến cho việc chữa trị bệnh sẽ kéo dài hơn, tốn kém hơn do phải dùng các loại thuốc đắt tiền hơn. Rất nhiều trường hợp khi dùng kháng sinh mãi không khỏi mới tới bệnh viện khám bệnh làm cho các bác sĩ chẩn đoán bệnh sẽ khó khăn hơn, bởi việc dùng kháng sinh tùy tiện trước khi đến bệnh viện sẽ làm cho hầu hết bệnh nhiễm trùng đều giảm hoặc mất triệu chứng đặc thù của bệnh.
  • Bị tác dụng phụ do thuốc: Người ta ví thuốc nói chung và kháng sinh nói riêng như con dao hai lưỡi. Bên cạnh tác dụng chữa bệnh thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng. Vì vậy, nhiều người tuỳ tiện dùng kháng sinh không những không khỏi bệnh mà còn được “tặng” thêm bệnh. Việc dùng kháng sinh tùy tiện ngoài việc giết chết những vi khuẩn gây bệnh, thì kháng sinh còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho cơ thể (ví dụ như vi trùng đường ruột tạo men tiêu hóa). Vì vậy, khi dùng kháng sinh, người bệnh thường hay bị tiêu chảy, đau bụng... Kháng sinh còn có thể gây ra những tai biến như dị ứng, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn, nôn, nặng có thể gây độc cho gan, thận, sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
  • Gây nhờn thuốc: Việc người bệnh dùng thuốc kháng sinh bừa bãi có nguy cơ dẫn đến cơ thể người bệnh phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh và sản sinh ra chủng loại vi khuẩn thế hệ sau có mức độ đề kháng cả với loại kháng sinh cực mạnh, khi bị bệnh nặng sẽ không có loại kháng sinh tốt hơn để dùng. Người bệnh thậm chí sẽ tử vong bởi những nhiễm khuẩn thông thường...

Lạm dụng thuốc kháng sinh gây tác hại - hậu quả nghiêm trọng - ảnh 1

5. Hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách, an toàn

  • Chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn. Chỉ có thầy thuốc điều trị dựa vào kinh nghiệm chữa bệnh, dựa vào xét nghiệm, làm kháng sinh đồ mới xác định được có nhiễm khuẩn hay không?
  • Phải chọn đúng loại kháng sinh. Nếu chọn dùng kháng sinh không đúng loại bệnh thuốc sẽ không có hiệu quả
  • Phải có sự hiểu biết về thể trạng người bệnh. Ðặc biệt đối với các phụ nữ có thai, người già, người bị suy gan, suy thận, chỉ có thầy thuốc điều trị mới có đủ thẩm quyền cho sử dụng kháng sinh
  • Phải dùng kháng sinh đúng liều đúng cách.
  • Phải dùng kháng sinh đủ thời gian. Tùy theo loại bệnh và tình trạng bệnh thời gian dùng kháng sinh có khi dài khi ngắn nhưng thông thường là không dưới 5 ngày
  • Chỉ phối hợp nhiều loại kháng sinh khi thật cần thiết
  • Phòng ngừa bằng thuốc kháng sinh phải thật hợp lý. Chỉ có những trường hợp đặc biệt thầy thuốc mới cho dùng thuốc kháng sinh gọi là phòng ngừa. Thí dụ, dùng kháng sinh phòng ngừa trong phẫu thuật do nguy cơ nhiễm khuẩn hậu phẫu. Hoặc người bị viêm nội mạc tim đã chữa khỏi vẫn phải dùng kháng sinh để ngừa tái nhiễm.

Bảo đảm được những điều trình bày ở trên cho thấy sử dụng kháng sinh hợp lý là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức và trình độ chuyên môn. Do vậy, chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh theo sự chỉ định của bác sĩ và theo sự hướng dẫn của dược sĩ, nhà thuốc.