Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư vú có phải là lựa chọn tối ưu nhất?

30/04/2021
Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư vú có phải là lựa chọn tối ưu nhất?

Hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ cơ thể trước tác nhân gây bệnh trong đó có ung thư. Nếu biết cách tận dụng và kích thích hệ miễn dịch sẽ giúp kiểm soát bệnh ung thư và kéo dài tiên lượng sống cho bệnh nhân. Liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư sẽ kích thích hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư rất hệu quả.

1. Liệu pháp miễn dịch có phải là phương pháp điều trị tối ưu cho ung thư vú ?

Đầu tháng 3 năm 2019, trên trang Cancer.net đã đăng ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu về bệnh ung thư vú của các bác sĩ -Trung tâm Bệnh Ung thư Phụ nữ tại Viện Ung thư Huntsman. Giáo sư Charles Loprinzi chuyên Nghiên cứu Ung thư Vú tại Rochester, Phó giáo sư Tiến sĩ Lidia Schapira thuộc Đại học Stanford.

Tính đến năm 2019, đã có 2 thuốc miễn dịch được phê duyệt để điều trị ung thư vú:

  • Atezolizumab (Tecentriq) được sử dụng cùng với Paclitaxel gắn với protein (Abraxane) trong điều trị ung thư vú bộ ba âm tính ( ER, PR, Her-2 âm tính) giai đoạn tiến triển tại chỗ nhưng không thể cắt bỏ được bằng phẫu thuật hoặc giai đoạn di căn.

Atezolizumab chỉ được chấp thuận để điều trị ung thư vú có Xét nghiệm dương tính với protein PD-L1. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt vào tháng 3 năm 2019 dựa vào kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Y học New England. Hiệu quả điều trị cao hơn nhóm được dung thuốc miễn dịch mặc dù độc tính ( tác dụng phụ) cũng cao hơn ở nhóm này.

Sự chấp thuận được dựa trên kết quả của nghiên cứu IMpassion130 (NCT02425891), một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, mù đôi, đối chiếu với giả dược, đa trung tâm, bao gồm 902 bệnh nhân ung thư vú nhóm bộ ba âm tính có di căn hoặc tiến triển không thể phẫu thuật được nhưng chưa được hóa trị . Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên theo tỷ lệ (1: 1) để truyền atezolizumab (840 mg) hoặc truyền tĩnh mạch giả Dược vào ngày 1 và 15 của mỗi chu kỳ 28 ngày, cộng với Paclitaxel gắn protein (100 mg / m2) truyền tĩnh mạch vào ngày 1 , 8 và 15 của mỗi chu kỳ 28 ngày.

Những bệnh nhân có khối u biểu hiện PD-L1, tỷ lệ sống không tiến triển trung bình (PFS) là 7,4 tháng đối với nhóm bệnh nhân dùng atezolizumab kết hợp paclitaxel có gắn protein và 4,8 tháng cho những người dùng giả dược kết hợp paclitaxel có gắn protein. Tỷ lệ đáp ứng khách quan (ORR) ở những bệnh nhân có đáp ứng được xác nhận là 53% ( nhóm có atezolizumab ) so với 33% đối với nhóm còn lại. Dữ liệu về thời gian sống thêm toàn bộ chưa được đánh giá.

2. Những người bị ung thư vú sẽ có nhiều khả năng được hưởng lợi từ liệu pháp miễn dịch?

Hiện tại nghiên cứu đã cho thấy nhóm bệnh nhân bộ ba âm tính ( ER, PR, Her-2 âm tính) được hưởng lợi nhiều hơn khi điều trị bằng thuốc miễn dịch so với các nhóm bệnh còn lại . Tuy nhiên các nghiên cứu vẫn đang tìm ra câu trả lời cho câu hỏi, giai đoạn nào, thời điểm nào nên bắt đầu với liệu pháp này.

3. Có nên thử liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân ung thư vú đã không có đáp ứng với nhiều phương pháp điều trị tiêu chuẩn?

Câu hỏi này được đặt ra cho những nhóm bệnh nhân không thuộc bộ ba âm tính.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về liệu pháp miễn dịch cho bệnh ung thư vú đã kháng lại nhiều phương pháp điều trị trước đó chưa cho thấy nhiều lợi ích cho đại đa số những bệnh. Tuy nhiên, có những gợi ý rằng liệu pháp miễn dịch cuối cùng sẽ đóng một vai trò trong điều trị ung thư vú.

4. Những thách thức của liệu pháp miễn dịch là gì?

Một thách thức của liệu pháp miễn dịch là nó có thể gây ra tác dụng phụ đáng kể, bao gồm cả những nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch phổ biến nhất là phản ứng da, như đỏ và phồng rộp, và các triệu chứng giống như cúm, như sốt, buồn nôn, yếu và đau nhức cơ thể. Các loại liệu pháp miễn dịch khác nhau có thể gây ra tác dụng phụ khác nhau. Một thách thức khác là thuốc có chi phí cao, các công ty bảo hiểm khó có thể chi trả.

5. Nghiên cứu liệu pháp miễn dịch ung thư vú có tiếp tục không? 

Sẽ có các thông tin mới về liệu pháp miễn dịch ung thư vú dự kiến trong những tháng tới và nhiều năm tới, khi nhiều thử nghiệm lâm sàng được hoàn thành. Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành trên khắp Hoa Kỳ và trên toàn thế giới để đánh giá sự kết hợp của các loại thuốc trị liệu miễn dịch cho căn bệnh này.

Một số nghiên cứu kết hợp liệu pháp miễn dịch với hóa trị liệu hoặc liệu pháp nhắm đích. Mặc dù liệu pháp miễn dịch chưa phải là một liệu trị tiêu chuẩn trong điều trị ung thư vú, nhưng các nhà khoa học đều hy vọng rằng điều này sẽ thay đổi.

6. Các liệu pháp miễn dịch trong ung thư

6.1. Liệu pháp kháng thể đơn dòng (Liệu pháp miễn dịch thụ động)

Là những loại thuốc được thiết kế có thể bám vào một mục tiêu đặc hiệu trong cơ thể. Những kháng thể đơn dòng này sẽ kích thích hệ miễn dịch sản xuất những tế bào có thể phá hủy tế bào ung thư. Một dạng khác của kháng thể đơn dòng có thể đánh dấu các tế bào ung thư, giúp cho hệ miễn dịch dễ dàng định vị và phá hủy tế bào ung thư. Những loại kháng thể đơn dòng này có thể được xem như là một liệu pháp trúng đích.

Có nhiều loại kháng thể đơn dòng và mỗi loại kháng thể có các chức năng khác nhau thông qua nhiều cơ chế là nguyên nhân dẫn đến sự chết của tế bào. Một số cơ chế bao gồm khóa các con đường tín hiệu cần thiết cho tế bào tăng trưởng, điều khiển hệ miễn dịch đáp ứng với độc tố, ngăn chặn khối bướu phát triển,... Các kháng thể đơn dòng đã được sự dụng trong điều trị ung thư bạch cầu, ung thư vú, ung thư ruột, ung thư đầu và cổ. Các thử nghiệm lâm sàng này vẫn đang được triển khai ờ pha III và hứa hẹn đem lại nhiều kết quả mong đợi cho bệnh nhân trong tương lai.

6.2. Thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (Checkpoint Inhibitors)

Khi tế bào ở trạng thái bình thường, hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta phụ thuộc vào các “điểm nhận biết” hoặc “điểm dừng miễn dịch” để tránh sự hoạt hóa quá mức hệ miễn dịch. Các tế bào bướu thường tận dụng các điểm nhận biết này để tránh sự phát hiện của hệ miễn dịch của cơ thể. CTLA-4 và PD-1 là những điểm nhận biết đã được nghiên cứu và được đưa vào sử dụng trong lâm sàng như một liệu pháp chống ung thư. CTLA-4 thường có trên bề mặt tế bào T và thường tăng điều hòa bất thường trong một vài loại ung thư chính. PD-1 cũng được nhận thấy làm tăng điều hòa trong một số loại ung thư, PD-1 làm ức chế chức năng của tế bào T và đồng thời, gián tiếp làm cho bướu có thể trốn thoát được sự kiểm soát của hệ miễn dịch. Ức chế các “điểm nhận biết” hay “giải phóng các hàng rào ngăn cản” là một liệu pháp hiệu quả có thể nâng cao khả năng đáp ứng của tế bào T và giúp cho các các tế bào hệ miễn dịch tấn công các tế bào bướu hiệu quả hơn. Hiện đã có các nghiên cứu chuyên sâu ở pha III với các loại thuốc đặc hiệu, một số thuốc đã được chấp thuận của FDA cho sử dụng trên lâm sàng với các kết quả đem lại cho thấy nhiều hứa hẹn trong tương lai.

6.3. Protein điều hòa miễn dịch (Cytokines)

Cytokine là những protein được sản xuất từ chính các tế bào của cơ thể, đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng miễn dịch Nguyên phát của cơ thể và cũng có khả năng gây đáp ứng miễn dịch với các tế bào ung thư. Có hai loại cytokine được dùng trong điều trị ung thư được gọi là Interferons và Interleukins.

Hai loại cytokine thường gặp nhất là interleukin 2 (IL-2) và interferon α (IFN-α), có tác dụng điều hòa đáp ứng miễn dịch. Ví dụ, IL-2 có nhiều ảnh hưởng lớn đến hệ miễn dịch và hoạt động như là yếu tố tăng trưởng thông thường của tế bào T. Khi đó, IL-2 sẽ bám vào thụ thể trên bề mặt của tế bào T. Liên kết bám này sẽ điều hòa sự sinh trưởng của tế bào T, tiếp tục sản xuất các cytokine và hoạt hóa nhiều loại tế bào miễn dịch khác. Kết quả điều trị với liều cao IL-2 cho thấy IL-2 có thể gây đáp ứng miễn dịch hoàn toàn ở 4% - 6% bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào thận và ung thư máu. Điều này cho thấy rằng với nhóm này bệnh nhân này, liệu pháp IL-2 có hiệu quả trong đáp ứng miễn dịch kháng bướu nội sinh.

6.4. Vaccine điều trị ung thư

Vaccine trước đây thường được hiểu là một liệu pháp phòng bệnh nhiễm thông qua cơ chế miễn dịch kháng nguyên kháng thể, cụ thể là một người được tiêm kháng nguyên giảm độc lực của tác nhân gây bệnh để kích thích đáp ứng miễn dịch đặc hiệu và mạnh mẽ của cơ thể chủ trong các lần nhiễm sau . Ngày nay, trong lĩnh vực ung thư, khái niệm vaccine có ý nghĩa và vai trò điều trị, nghĩa là làm tăng đáp ứng của hệ miễn dịch với các tế bào ung thư. Các vaccine có nguồn gốc từ các tế bào miễn dịch, được thiết kế, nuôi dưỡng và huấn luyện ngoài cơ thể và truyền lại cho cơ thể chủ để sao cho có thể điều hòa và làm tăng đáp ứng hệ miễn dịch của bệnh nhân chống lại các kháng nguyên của bướu.

Bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch, điều trị ung thư bằng vaccine có thể hoạt hóa một phản ứng kháng bướu, sau đó làm tấn công tế bào bướu và có thể cải thiện thời gian sống còn của bệnh nhân. Cấn lưu ý rằng, liệu pháp vắc-xin trong ung thư khác với các vắc-xin phòng ngừa truyền thống được sử dụng trong nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Nói một cách đơn giản, Mục đích chính của vắc-xin trong trị liệu ung thư không phải để ngăn chặn bệnh nhưng để tạo ra một phản ứng miễn dịch chủ động chống lại mầm ung thư đã có. Vắc-xin trị liệu ung thư sẽ được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm hoặc truyền qua tĩnh mạch.