1. Thủng ổ loét dạ dày tá tràng cực kì nguy hiểm
Thủng ổ loét dạ dày tá tràng xếp thứ 2 - 4 trong các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa sau viêm ruột thừa cấp, tắc ruột, viêm tụy cấp. Thủng ổ Loét dạ dày là biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh loét. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời biến chứng này sẽ đe doạ tính mạng bệnh nhân.
Theo y văn với thống kê của nhiều tác giả bệnh nhân thủng ổ loét dạ dày tá tràng mổ cấp cứu muộn có tỷ lệ tử vong từ 2.5 - 10%. Ở bệnh nhân già yếu tỷ lệ tử vong đến 30%.
2. Đối tượng thường gặp thủng ổ loét dạ dày, thủng hành tá tràng
Thủng ổ loét dạ dày tá tràng thường gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ trẻ sơ sinh đến người già 80 - 90 tuổi. Gặp nhiều nhất ở lứa tuổi lao động từ 30 - 50 tuổi. Đáng lưu ý nhất là thủng ổ loét dạ dày tá tràng ở trẻ nhỏ. Đa số thủng dạ dày, thủng hành tá tràng thường gặp ở nam giới (trên 90%).
3. Mổ Nội soi điều trị thủng ổ loét dạ dày, hành tá tràng
Nguyên tắc điều trị là mổ càng sớm càng tốt. Bệnh nhân được mổ trước 12 giờ tỷ lệ tử vong từ 0 – 0.5%, mổ sau 12 giờ tử vong 15%. Theo thống kê của nhiều tác giả nếu mổ muộn sau 24 giờ ở bệnh nhân già yếu tỷ lệ tử vong tới 30%.
Mục đích phẫu thuật là loại trừ và cô lập lỗ thủng, không cho dịch tiêu hoá chảy ra ổ bụng. Khi có điều kiện có thể kết hợp điều trị biến chứng và triệt căn.
Bệnh nhân được mổ trong vòng 24 giờ từ khi bị thủng. Bệnh nhân không có shock trước mổ, không có bệnh lý nội khoa nặng kèm theo. Nếu ổ loét bị chảy máu tại bờ lỗ thủng có thể cầm máu bằng nội soi, sau đó khâu lại lỗ thủng 2 lớp. Với Hẹp môn vị sau khâu lỗ thủng có thể dùng ống thông mũi - dạ dày có bóng để nong chỗ hẹp hoặc tạo hình môn vị để điều trị biến chứng này.
Nếu khi mổ nội soi có nghi ngờ Ung thư dạ dày hay ổ bụng bẩn khó làm sạch thì chuyển mổ mở. Đối với lỗ thủng ở mặt sau tá tràng hoặc dạ dày cũng nên chuyển mổ mở.
4. Chống chỉ định mổ nội soi điều trị thủng ổ loét
4.1 Chống chỉ định của phẫu thuật nội soi
- Thể trạng người bệnh quá yếu, có nhiều bệnh phối hợp.
- Tiền sử mổ viêm phúc mạc, tắc ruột.
- Cổ trướng tự do hoặc Cổ trướng khu trú.
- Thoát vị thành bụng, thoát vị rốn.
- Nhiễm khuẩn tại chỗ thành bụng.
- Bệnh lý rối loạn đông máu.
4.2 Chống chỉ định bơm hơi ổ bụng
- Bệnh mạch vành
- Bệnh van tim
- Bệnh tâm phế mạn
Chăm sóc sau mổ
- Ống thông dạ dày được giữ cho đến khi người bệnh có nhu động ruột, thời gian đặt xông dạ dày ít nhất là 48 giờ.
- Cho ăn trở lại sau khi rút ống thông dạ dày.
- Dẫn lưu ổ bụng nếu có sẽ được rút khi không còn chảy dịch, thường sau 24 giờ.
- Kháng sinh dùng theo chế độ kháng sinh điều trị, được dùng tới 5 ngày hoặc đến khi hết sốt.
- Dùng các thuốc giảm tiết dịch dạ dày. Chất ức chế bơm proton hoặc chất chẹn thụ thể H2 được bắt đầu ngay sau mổ.
- Người bệnh dậy vận động sau mổ 24 giờ.
Để xác định chính xác tình trạng sức khỏe, bệnh nhân có một trong các dấu hiệu trên nên đi khám bác sĩ.