Mục lục:

Nang ruột đôi là bệnh gì? và Cách điều trị

Nang ruột đôi là những tổn thương bẩm sinh hiếm gặp trên đường tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bất thường này có thể xảy ra ở bất cứ đoạn nào, từ miệng đến hậu môn với biểu hiện lâm sàng rất khác nhau. Tùy vào độ tuổi, thể trạng và vị trí tổn thương của trẻ, việc điều trị cuối cùng luôn là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đoạn ruột đôi. Trong đó, phẫu thuật nội soi luôn là cách thức được ưu tiên chọn lựa.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Nang ruột đôi là bệnh gì?

Nang ruột đôi là tổn thương bẩm sinh trên đường tiêu hóa hiếm gặp thường được chẩn đoán lần đầu tiên khi còn ở lứa tuổi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù vậy, ở tuổi trưởng thành, bệnh lý này cũng được phát hiện với cùng tần số.

Nang ruột đôi có thể xảy ra bất cứ nơi nào từ miệng đến hậu môn với tỷ lệ mắc bệnh được báo cáo là khoảng 1 trong 4500 ca sinh sống. Các triệu chứng và biểu hiện lâm sàng rất khác nhau tùy thuộc vào kích thước, vị trí, sự hiện diện của niêm mạc dạ dày và sự thông nối với đoạn ruột bình thường. Theo đó, bệnh nhân có thể nhập viện vì các triệu chứng của tắc nghẽn đường ruột, đau bụng, chảy máu đường tiêu hóa hay nhồi máu ruột. Trong các tình huống này, can thiệp phẫu thuật cấp cứu ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ là có chỉ định, nhằm khu trú thương tổn và tránh để ổ nhiễm lan ra toàn thân, dễ nguy kịch đến tính mạng.

Nang ruột đôi là bệnh gì? và Cách điều trị - ảnh 1
Nang ruột đôi có dạng ống dài ở ruột non (trái)

Về phân loại, khoảng hai phần ba các trường hợp mắc phải nang ruột đôi có vị trí nằm trong khoang bụng và hơn một nửa là thuộc phân đoạn hỗng-hồi tràng. Các vị trí bị ảnh hưởng khác là:

  • Ruột non (44%)
  • Đại tràng (15%)
  • Dạ dày (7%)
  • Tá tràng (5% -7%)
  • Đoạn trong ngực (4%)
  • Ruột trước trong thời kỳ phôi thai, môn vị, ruột thừa, đường mật (cực kỳ hiếm)

Nguyên nhân hình thành của nang ruột đôi cho đến nay vẫn chưa được hiểu hết rõ ràng nhưng nhìn chung là do các bất thường xảy ra trong thời kỳ phôi thai.

Về mặt cấu tạo, nang ruột đôi luôn có một phần đính kèm mật thiết với một đoạn của đường tiêu hóa và chúng có chung nguồn cung cấp máu với đoạn ruột bình thường này. Dưới Xét nghiệm mô học, nang ruột đôi có một lớp cơ trơn phát triển tốt và bên trong cũng có lớp niêm mạc giống với lớp niêm mạc có nguồn gốc từ tổn thương. Trong đó, niêm mạc dạ dày là loại phổ biến nhất, kế tiếp là mô tụy khiến bệnh nhân bị loét, thủng ruột và gây xuất huyết dữ dội trên đường tiêu hóa đòi hỏi phải can thiệp khẩn cấp.

Nang ruột đôi là bệnh gì? và Cách điều trị - ảnh 2
Nang ruột đôi trên hình ảnh MRI

2. Cách điều trị nang ruột đôi

Bởi vì những tổn thương trong nang ruột đôi rất hiếm gặp và có thể xuất hiện với một loạt các biểu hiện lâm sàng khác nhau hoặc thậm chí cấu trúc có thể gặp trong phẫu thuật khác nhau, việc can thiệp phẫu thuật thích hợp đòi hỏi trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ, làm quen với giải phẫu và đặc điểm lâm sàng của những tổn thương này.

Tuy nhiên, dù là cấu trúc bệnh lý như thế nào, việc điều trị cuối cùng luôn là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phần dị dạng này. Ngay cả khi chúng không có triệu chứng, việc giải quyết trọn vẹn nang ruột đôi sẽ giảm thiểu nguy cơ tái phát cũng như các biến chứng tiềm ẩn. Ngoài ra, đối với các trường hợp có dị sản ác tính, một biến chứng hiếm gặp của nang ruột đôi, phẫu thuật triệt căn cũng có thể giảm các triệu chứng hoặc ngăn ngừa sự thay đổi ác tính diễn tiến thêm.

3. Phẫu thuật nội soi trong điều trị nang ruột đôi

Với những tiến bộ trong Y học nói chung và sự gia tăng ứng dụng của kỹ thuật nội soi ổ bụng nói riêng, đây đã trở thành cách thức điều trị đầu tiên được cân nhắc trong những trường hợp mắc phải nang ruột đôi. Ngay từ những năm 1990, các báo cáo đầu tiên về điều trị nang ruột đôi bằng phương tiện nội soi đã ghi nhận những thành công đáng kể. Từ đó, vai trò của phẫu thuật Nội soi là chính yếu trong xử lý cấp tính các bệnh lý trong ổ bụng khi chưa có biến chứng hay biến chứng không quá nặng nề.

So với phẫu thuật mở ổ bụng, phẫu thuật nội soi có cách thức tiến hành tương đối nhẹ nhàng hơn, mức độ xâm lấn trên da tối thiểu, rút ngắn thời gian nằm viện và trẻ mau chóng phục hồi khả năng vận động trong giai đoạn hậu phẫu. Theo đó, quá trình gây mê là giống nhau nhưng nếu như phẫu thuật mở ổ bụng tiếp cận phẫu trường bằng vết rạch da lớn thì phẫu thuật nội soi chỉ cần 3 vết rạch da rất nhỏ, vừa đủ để đưa nguồn sáng kèm máy thu hình và các dụng cụ thao tác vào trong ổ bụng. Chính vì thế, vết thương hậu phẫu sau phẫu thuật nội soi rất nhỏ, mang tính Thẩm mỹ cao, ít gây đau đớn cũng như nguy cơ nhiễm trùng vết mổ về sau.

Nang ruột đôi là bệnh gì? và Cách điều trị - ảnh 3
Điều trị nang ruột đôi

Các kỹ thuật và chiến lược trong phẫu thuật nội soi đối với xử lý nang ruột đôi cơ bản gồm hai hướng: (1) cắt bỏ nang đơn giản với việc đóng khiếm khuyết thành ống tiêu hóa bằng chỉ khâu hoặc kim bấm hoặc (2) bóc tách nang kết hợp với dẫn lưu. Việc lựa chọn kỹ thuật nào là tùy vào đánh giá của phẫu thuật viên với bệnh cảnh của trẻ khi nhập viện, bất thường giải phẫu của đoạn ruột đôi cũng như kinh nghiệm, tay nghề của ekip phẫu thuật.

Tuy nhiên, không ít các trường hợp nang ruột đôi nhập viện muộn, bệnh cảnh nặng nề, biến chứng Viêm phúc mạc toàn thể, kỹ thuật phẫu thuật nội soi sẽ khó áp dụng hay đôi khi cần phải chuyển qua mổ hở sau khi nội soi thám sát phẫu trường, đánh giá tổn thương.

Tóm lại, nang ruột đôi là những tổn thương bẩm sinh hiếm gặp ở trẻ em dẫn đến nhập viện trong bệnh cảnh tắc ruột, đau bụng và xuất huyết tiêu hóa. Sau khi được xác chẩn bằng siêu âm hay chụp cắt lớp, nang ruột đôi cần được can thiệp sớm bằng phẫu thuật nhằm cắt bỏ một phần ruột thương tổn và hạn chế nguy cơ tái phát. Với những ưu điểm vốn có, phẫu thuật nội soi thường được áp dụng với mức độ xâm lấn tối thiểu, mang lại sự hồi phục sớm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung