1. Bệnh nhân 26 tuổi mắc nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim trước đây được biết đến là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện bệnh đang trẻ hóa với số lượng người trẻ mắc nhồi máu cơ tim ngày càng tăng cao. Nhồi máu cơ tim xảy ra ở tuổi 45 đã được đánh giá là trẻ, còn nếu dưới 35 tuổi mắc bệnh là rất trẻ. Cũng theo thống kê tại các bệnh viện lớn hiện nay cho thấy tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã đang tăng lên đến 10,5% và rất trẻ là 1,8%. Đây là những con số đáng báo động về mức độ trẻ hóa của bệnh nhồi máu cơ tim, cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh đối với giới trẻ hiện nay. Đã có những trường hợp, người bệnh mới chỉ 26 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim và rơi vào tình trạng nguy kịch khi đến bệnh viện.
2. Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ
Nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp gây những cơn đau thắt ngực và sau đó là Hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử. Theo các bác sĩ cho biết, nhồi máu cơ tim chủ yếu do nguyên nhân Xơ vữa động mạch vành. Các mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch (giảm kích cỡ lòng mạch máu) và dần dần gây tắc. Các mảng xơ vữa này có thể nứt vỡ bất cứ lúc nào, đột ngột, sau đó khởi động quá trình tạo thành các cục huyết khối. Chính quá trình này gây tắc động mạch vành, tạo ra các cơn đau thắt ngực, triệu chứng chính của nhồi máu cơ tim.
Tuy nhiên, nhồi máu cơ tim không đơn giản chỉ do nguyên nhân tắc động mạch vành. Có nhiều nguyên nhân xoay quanh gây ra nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi. Trong đó chính chế độ sinh hoạt không khoa học, thiếu lành mạnh là nguyên nhân chủ yếu gây hình thành các mảng xơ vữa nhanh chóng và dẫn đến nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Có thể kể ra các nguyên nhân chính ở người trẻ thường gặp như:
- Stress: Tình trạng này kéo dài khiến Thần kinh căng thẳng, kéo theo nguy hại đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có hệ tim mạch. Bệnh nhồi máu cơ tim ở người trẻ hoàn toàn có thể xuất phát từ nguyên nhân người bệnh thường xuyên stress, áp lực, căng thẳng...
- Thừa cân, béo phì: Thói quen ăn uống không lành mạnh, không đúng chế độ, dẫn đến Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân gây nên nhồi máu cơ tim ở người trẻ tuổi.
- Hút thuốc lá: Đây là thói quen xấu mà phần lớn người trẻ đều mắc phải, đặc biệt là nam giới. Hút thuốc lá không đơn thuần là gây hại cho phổi mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các cơ quan khác, trong đó có hệ tim mạch.
Nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi có thể diễn ra sau một quá trình dài, Xơ vữa động mạch còn với người trẻ tuổi, chủ yếu bệnh do các sự hình thành huyết khối trong lòng động mạch gây ra từ stress, béo phì, hút thuốc lá nhiều năm kéo dài. Theo các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, nếu ở người già, xơ vữa động mạch diễn ra từ từ làm cơ tim có sự thích nghi nhất định với tình trạng thiếu máu cơ tim, nhưng điều này xảy ra với người trẻ lại khá nguy hiểm. Lòng động mạch của người trẻ trơn láng hơn, khi xuất hiện đột ngột các cục khối huyết làm tắc nghẽn máu nuôi tim thì không kịp thích nghi, dễ gây nguy hiểm hơn và tình trạng Hoại tử cũng nhanh chóng hơn. Đặc biệt người trẻ lại thường rất chủ quan với bệnh nhồi máu cơ tim nên càng dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
3. Người trẻ bị nhồi máu cơ tim có dấu hiệu gì?
Triệu chứng của bệnh nhồi máu cơ tim chủ yếu là cơn đau thắt ngực ở vị trí sau xương ức lan lên trên dưới hàm, tay trái. Thi thoảng người bệnh bắt gặp cơn đau thượng vị như cơ đau của bệnh lý tiêu hóa. Các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, bị đánh trống ngực, nôn, buồn nôn, thậm chí là lú lẫn, hay quên...
Người trẻ tuổi hoàn toàn không nên chủ quan với các dấu hiệu trên. Cần nắm bắt các triệu chứng của cơ thể để đánh giá, chẩn đoán bệnh và đi khám sớm nhất có thể, tránh cơn nhồi máu cơ tim đột ngột gây nguy hiểm đến tính mạng.
4. Người trẻ cần làm gì để phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim?
Ở độ tuổi trẻ, muốn phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều người trẻ cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học. Cụ thể cần lưu ý chi tiết như sau:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào
- Ổn định cân nặng ở mức tương đối, phù hợp
- Chế độ ăn uống, Dinh dưỡng hợp lý
- Tập luyện thể dục, vận động thường xuyên
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực
- Hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất béo
- Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung
- Đối với người trẻ có nguy cơ tăng huyết áp, nhiều cholesterol, đái tháo đường, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cần khám sức khỏe thường xuyên hơn.
Đặc biệt khi bị nhồi máu cơ tim, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được khám và điều trị đúng hướng. Sau khi xuất viện, người bệnh cần được thăm khám đều đặn theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để đảm bảo sức khỏe và ổn định bệnh.
Nhồi máu cơ tim ở người trẻ không hề đơn giản, có thể gây ra những tình trạng rất nguy hiểm cho người mắc phải. Bởi vậy, người trẻ tuổi không thể chủ quan với bệnh. Và càng cần có một phương án phòng tránh bệnh tối đa để có một sức khỏe tốt. Để được các bác sĩ chuyên khoa tim mạch tư vấn thêm về nhồi máu cơ tim nói riêng và các bệnh lý tim mạch khác nói chung, quý khách hàng chỉ cần gọi đến hotline 0283 6221 166.