Tiêm phòng vắc-xin HPV chính là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa căn bệnh quái ác này. Hãy tìm hiểu những kiến thức về vắc-xin HPV trước khi đi tiêm phòng để có sự chuẩn bị tốt nhất.
1. Virus HPV là gì và nguy hiểm như thế nào?
- Human Papillomavirus (HPV) là một loại virus có khả năng gây ung thư và sinh u nhú ở người. Các nhà khoa học thống kê có khoảng hơn 120 typ HPV, trong đó có khoảng 30–40 typ hậu môn sinh dục, được chia thành 2 nhóm: các chủng HPV có thể gây ung thư và các chủng HPV không gây ung thư; 15–20 typ sinh ung thư bao gồm 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 58; các týp không sinh ung thư bao gồm 6, 11, 40, 42, 43, 44, 54, trong đó typ 6, 11 là nguyên nhân chính gây ra mụn cóc sinh dục(>90%).
- Những con đường lây nhiễm của Virus HPV bao gồm:
- Qua đường tình dục: âm đạo, hậu môn và kể cả quan hệ Tình dục bằng miệng (oral sex). Quan hệ Tình dục với một người vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh do 1 trong 2 người đã từng bị nhiễm virus này trước đây và không hề có dấu hiệu của bệnh.
- Qua đường ngoài đường tình dục: HPV virus có thể lây lan qua nước bọt từ người nhiễm HPV ở miệng, cổ họng...; có thể lây nhiễm qua đồ lót, găng phẫu thuật, kiềm sinh thiết... HPV không lây nhiễm qua việc ngồi lên bồn cầu hoặc chạm vào nắm cửa.
- Lây Truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở, gây đa bướu gai hô hấp.
2. Các loại vắc-xin phòng HPV
Tiêm vắc-xin phòng HPV là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất các bệnh do virus này gây ra. Việc tiêm phòng vắc-xin có ý nghĩa to lớn trong việc ngăn chặn việc các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư tiến triển thành Ung thư cổ tử cung.
Vắc-xin phòng HPV là vắc-xin giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư khẩu hầu, Ung thư dương vật và có thể phòng u nhú hay Sùi mào gà sinh dục do Human Papillomavirus (HPV) gây ra.
Hiện nay có 2 loại vắc-xin phòng HPV được sử dụng tại Việt Nam: Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Hai loại vắc-xin này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng typ virus HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.
Phòng 4 tuýp HPV (6, 11, 16 và 18) | Phòng 2 tuýp HPV (16 và 18) |
Nữ giới từ 9 đến 26 tuổi | Nữ giới từ 10 đến 25 tuổi |
Gồm 3 mũi:Mũi 1: Là ngày tiêm mũi đầu tiên Mũi 2: Sau 2 tháng kể từ mũi đầu tiên Mũi 3: Sau 6 tháng kể từ mũi đầu tiên | Gồm 3 mũi Mũi 1: Là ngày tiêm mũi đầu Mũi 2: Sau 1 tháng kể từ mũi đầu tiên Mũi 3: Sau 6 tháng kể từ mũi đầu tiên |
Ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, khẩu hầu và mụn cóc sinh dục. | Phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, khẩu hầu |
3. Độ tuổi và đối tượng tiêm phòng vắc-xin HPV
Tại Việt Nam, vắc-xin phòng HPV theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc-xin được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi (đối với Gardasil) hoặc 10-25 tuổi (đối với Cevarrix), bất luận đã từng quan hệ tình dục hay chưa và nên đi tiêm vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt. Vắc-xin thường có hiệu quả kéo dài, chưa có khuyến cáo phải tiêm nhắc lại.
Trên thế giới, một số nước như Mỹ, Úc... vắc-xin phòng HPV còn được khuyến cáo tiêm cho nữ từ 9-45 tuổi và tiêm cho nam từ 9-26 tuổi.
Theo nghiên cứu của Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), chúng ta cần xem xét triển khai mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai. Bởi vì, số liệu từ một số báo cáo đã cho thấy tỷ lệ nam giới mắc bệnh ung thư do nhiễm virus HPV sẽ vượt xa nữ giới, và nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi ở nam giới cũng như ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật...).
Ngoài ra, vắc-xin phòng HPV vẫn có tác dụng đối với những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí là từng nhiễm virus HPV. Bởi lẽ, cơ thể chúng ta rất dễ tái nhiễm virus HPV – nghĩa là ngay cả khi khi virus bị đào thải thì cơ thể vẫn có khả năng nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm, nhưng vắc-xin lại có thể làm được điều này. Việc bạn đã từng bị nhiễm một tuýp HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc-xin để được bảo vệ, tránh lây nhiễm những typ HPV khác.
4. Một số lưu ý về vắc-xin phòng HPV
- Không cần xét nghiệm trước khi tiêm vắc-xin phòng HPV. Nữ giới nằm trong độ tuổi chỉ định tiêm của vắc-xin, không mang thai, không Dị ứng với thành phần nào của vắc-xin, không mắc các bệnh cấp tính... sẽ đủ điều kiện tiêm vắc-xin này.
- Hiện nay, phác đồ tiêm vắc-xin phòng HPV vẫn là 3 liều, không phải tiêm liều nhắc.
- Vắc-xin phòng HPV có chứa protein của virus, không có khả năng gây nhiễm bệnh và không có khả năng gây ung thư cũng như khả năng gây phát dục sớm.
- Không có bằng chứng cho thấy tiêm vắc-xin có tác dụng bất lợi lên sự thụ thai, thai kỳ và thai Nhi nhưng phụ nữ Mang thai nên hoãn tiêm vắc-xin phòng HPV. Trong trường hợp khi bạn tiêm 1 hoặc 2 liều vắc-xin rồi mới phát hiện mình có thai, lúc này nên tạm dừng các liều tiếp theo cho đến khi sinh.
- Vắc-xin có thể dùng ở bà mẹ đang cho con bú.
- Cần lưu ý, tiêm vắc-xin phòng HPV không thể phòng bệnh hoàn toàn 100%, và bất kỳ loại tiêm chủng nào cũng vậy. Việc tiêm phòng HPV không mang ý nghĩa thay thế cho việc sàng lọc ung thư cổ tử cung thường quy. Những phụ nữ sau khi đã thực hiện tiêm phòng vẫn được khuyến khích làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung.
- Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi tiêm vắc-xin phòng HPV, chẳng hạn như sưng đỏ, Ngứa ở vị trí tiêm, đôi khi là sốt. Hãy thông báo cho nhân viên y tế tiêm phòng cho bạn nếu nhận thấy các triệu chứng kể trên.