Những điều cần biết về vắc-xin Synflorix phòng viêm não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết

Tiêm vắc xin Synflorix sẽ giúp trẻ phòng ngừa được các bệnh nguy hiểm do nhiễm phế cầu khuẩn gây ra như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa cấp...
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Vắc-xin Synflorix là loại vắc-xin gì?

Synflorix là một loại vắc xin có ngồn gốc từ Bỉ ngừa được 10 chủng phổ biến nhất của phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) nhiều khả năng gây nhiễm cho trẻ trong giai đoạn từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi. Phế cầu khuẩn có thể xâm nhập dễ dàng gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng máu... nếu không phát hiện điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều di chứng nặng nề và thậm chí còn ảnh hưởng đến tính mạng.

Ngoài Synflorix, vắc xin phế cầu còn có 2 loại khác là Prevenar 13 (ngừa 13 chủng phế cầu khuẩn) và Pneumo 23 (ngừa 23 chủng phế cầu khuẩn).

2. Các bệnh dễ mắc phải khi không tiêm phòng vắc-xin Synflorix

  • Viêm tai giữa. Vi khuẩn phế cầu có thể từ ổ viêm mũi họng lan lên tai thông qua vòi nhĩ, gây viêm và ứ đọng dịch dịch nhầy và mủ. Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ.
  • Viêm màng não. Vi khuẩn gây viêm màng Não thường bắt đầu từ niêm mạc hầu họng. Khi đó các trẻ rất dễ bị nhiễm vi khuẩn này từ các môi trường xung quanh qua đường hô hấp.
  • Viêm phổi: Ở trẻ dưới 5 tuổi, phế cầu khuẩn là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm phổi. Vi khuẩn phế cầu trong vùng hầu họng người bệnh thậm chí có thể thường trú trên 40-70% người khỏe mạnh nên khi nói chuyện, ho, hắt hơi, vi khuẩn dễ dàng phát tán ra môi trường xung quanh. Trẻ nhỏ cơ thể yếu ớt, sức đề kháng còn non yếu là đối tượng rất dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp và viêm phổi do phế cầu.
  • Nhiễm trùng huyết: Khi vi khuẩn phế cầu xâm nhập vào máu gây ra hiện tượng sốc nhiễm trùng. Đây là bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn khi kết hợp các bệnh lý đã có sẵn. Vi khuẩn này lây qua đường hô hấp hoặc vùng tai giữa... xâm nhập vào máu và gây ra nhiễm trùng huyết.

3. Chỉ định tiêm vắc-xin Synflorix

Nhiều cha mẹ thường thắc mắc có nên tiêm Synflorix hay không, thì câu trả lời là cần thiết, bởi vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix có thể tạo ra được sự miễn dịch một cách chủ động cho trẻ em. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh lúc này còn rất yếu và dễ bị nhiễm vi khuẩn phế cầu, từ đó gây ra các bệnh cực kỳ nguy hiểm, rất dễ tử vong. Vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix được sử dụng cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi - 5 tuổi. Vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix được tiêm vào bắp và vị trí thích hợp là mặt trước bên đùi của trẻ nhỏ hoặc cơ delta cánh tay ở trẻ lớn.

4. Lịch tiêm vắc-xin Synflorix

Tiêm vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix có 3 giai đoạn. Đối với các trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi thì có thể sử dụng 2 liệu trình tiêm chủng.

  • Liệu trình 3 + 1: Đây là liệu trình được khuyến cáo để đem lại hiệu quả tối ưu. Với liều thứ nhất có thể được bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi. Liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng. Và liều thứ ba cách liều thứ 2 tối thiểu 1 tháng. Liều nhắc lại được chỉ định cách liều thứ ba tối thiểu 6 tháng. Đối với các trẻ Sinh non (ít nhất trên 27 tuần tuổi thai) có thể sử dụng liệu trình 3 + 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi.
  • Liệu trình 2 + 1: Dùng để thay thế liệu trình 3 + 1, liều thứ nhất có thể dùng cho trẻ được 6 tuần tuổi. Liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 2 tháng. Và liều nhắc lại cách liều thứ hai tối thiểu 6 tháng.
  • Đối với trẻ từ nhỏ 7 đến 11 tháng tuổi (khi chưa tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix trước đó): Có thể sử dụng lịch trình 2 liều tiêm và 1 liều nhắc. Liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng. Liều nhắc lại được tiêm khi trẻ lớn hơn 1 tuổi và cách liều thứ 2 tối thiểu 2 tháng.

Đối với trẻ lớn từ 1 đến 5 tuổi (khi chưa tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix trước đó): tiêm 2 liều với khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 2 tháng.

Các trường hợp cần thận trọng
  • Trẻ có nguy cơ chảy máu sau khi tiêm bắp, ví dụ trẻ bị Giảm tiểu cầu hoặc có rối loạn động máu.
  • Trẻ bị Suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng các loại thuốc để ức chế miễn dịch thì có thể bị giảm mức độ đáp ứng kháng thể đối với tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix.
  • Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh phế cầu khuẩn cao như bị mắc bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh suy/ cắt lách, nhiễm HIV, mắc bệnh mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch... thì trẻ nên được tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix khi trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
  • Đối với các trẻ Sinh non dưới 28 tuần tuổi cần phải được theo dõi cẩn trọng trong vòng 48 - 72 giờ sau khi chỉ định tiêm phòng nhằm tránh nguy cơ ngừng thở tiềm tàng hoặc suy hô hấp.
Chống chỉ định
  • Trẻ đang có bệnh lý cấp tính hoặc Sốt đột ngột.
  • Trẻ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Do đó, cha mẹ cần nói cho bác sĩ thông tin trẻ từng bị dị ứng gì để phòng ngừa tối đa nguy cơ Dị ứng khi tiêm vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix.

5. Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin Synflorix

Các tác dụng phụ khi tiêm vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix rất thường gặp như chán ăn, đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm; thường gặp như chai cứng tại chỗ tiêm và sốt,. Đối với các biểu hiện rất hiếm gặp như quấy khóc bất thường, tiêu chảy, nôn, nổi ban, tụ máu tại chỗ tiêm, chảy máu và nốt sưng nhỏ, Sốt trên 40 độ C, hoặc các dầu hiệu dị ứng khác : cha mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để kịp thời can thiệp.

Với những lợi ích to lớn của vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế và tiêm phòng đúng lịch trình để mang lại hiệu quả tốt nhất, giúp trẻ có thể tránh được các bệnh cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Bởi vì, các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra để lại nhiều di chứng nặng nề.

Để phòng tránh bệnh dễ dàng và cho trẻ một tương lai tươi sáng, hiện tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang cung cấp dịch vụ tiêm chủng vắc xin phế cầu Synflorix với quy trình bảo quản và tiêm chủng theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Cha mẹ sẽ không cần phải lo lắng quá nhiều về tiêm Synflorix có sốt không hay có nên tiêm Synflorix, bởi vì sẽ được các bác sĩ tư vấn tận tình. Khi đưa trẻ đến đây, trước tiên trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc chu đáo, xem xét thể trạng và sức khỏe của trẻ trước khi chỉ định tiêm vắc xin nhằm đạt hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.

Mọi thắc mắc các bạn có thể đặt câu hỏi bác sĩ, phòng khám và bệnh viện trên nền tảng bcare.vn để được giải đáp

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung