Mục lục:

Những đối tượng nên tầm soát sàng lọc ung thư lưỡi?

Ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Theo thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, trên toàn thế giới hàng năm có khoảng 263.900 ca mới mắc và khoảng 128.000 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, năm 2009 có 10.530 trường hợp ung thư mới mắc, 1900 trường hợp tử vong.
Sự kiện nóng: Sốt xuất huyêt

1. Ung thư lưỡi là gì?

 

Ung thư có thể phát triển ở hai khu vực khác nhau của lưỡi. Ung thư lưỡi là ung thư phát triển ở phần phía trước của lưỡi, trong khi nếu ung thư phát triển ở phần phía sau lưỡi (gốc lưỡi) thì lại là ung thư miệng hầu.

 

Triệu chứng của ung thư miệng hầu là:

 

  • Bạch sản niêm (các mảng màu đỏ hoặc đỏ và trắng xen kẽ xuất hiện trong miệng hoặc trên lưỡi).
  • Các vết thương, vết Loét miệng không lành.
  • Đau họng khi nuốt.
  • Có cảm giác cộm, vướng trong họng.
  • Đau lưỡi.
  • Khàn giọng.
  • Khó cử động hàm hoặc lưỡi.
  • Đau cổ hoặc đau tai.
  • Mất răng.
  • Sưng đau vùng miệng hầu hơn 3 tuần không thuyên giảm.
  • Khối bất thường trong miệng.
  • Răng giả không còn vừa với miệng như trước.

 

Rất nhiều triệu chứng sớm của ung thư vùng miệng có thể khó phát hiện, do đó nhiều người không phát hiện được sự xuất hiện của ung thư.

 

Những người có nguy cơ cao (chẳng hạn như người hút thuốc lá hoặc lạm dụng rượu) nên cảnh giác với bất kỳ triệu chứng sớm nào. Những người này cũng nên thường xuyên đi khám định kỳ với bác sĩ hoặc nha sĩ để không bỏ sót dấu hiệu nào.

 

2. Biểu hiện của ung thư lưỡi

Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của ung thư lưỡi thường mơ hồ và dễ bị bỏ sót. Chúng lại không rõ ràng và dễ nhầm với các bệnh thông thường khiến nhiều bệnh nhân chủ quan và không đi khám.

Chỉ khi bệnh đã diễn tiến nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Những triệu chứng có thể xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh ung thư lưỡi bao gồm:

  • Có cảm giác khó chịu ở vùng lưỡi: cảm giác này giống như có dị vật hay xương cá cắm vào lưỡi nhưng chỉ thoáng qua.
  • Có khối gồ nổi lên bề mặt lưỡi: màu sắc thay đổi, niêm mạc trắng, tổn thương chắc, rắn, có thể ở dạng xơ hóa hoặc loét nhỏ.
  • Một số người có thể nổi hạch ở cổ.

Những người nghi ngờ mình có thể mắc ung thư lưỡi nên đi khám sàng lọc ung thư lưỡi càng sớm càng tốt. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp đơn giản như súc miệng bằng dung dịch Chlorhexidine gluconate 0,2%, bôi thuốc và uống các loại thuốc kháng viêm.

3. Nguyên nhân gây ung thư lưỡi

Nguyên nhân gây ung thư lưỡi hiện vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ có thể khiến nguy cơ mắc ung thư tăng lên như:

  • Hút thuốc lá.
  • Lạm dụng rượu.
  • Chế độ ăn ít hoa quả, rau xanh, nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến.
  • Nhiễm virus gây u nhú ở người (human papillomavirus - HPV).
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư lưỡi hoặc vùng miệng.
  • Đã từng bị ung thư trước đây, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô vảy ở vị trí khác.

Nam giới từ 50 tuổi trở lên là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất. Những người vừa hút thuốc lá vừa Nghiện rượu đối mặt nguy cơ cao hơn 15 lần so với những người khác.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
  • Nhai trầu.
  • Phơi nhiễm với một số chất, như amiăng, acid sulfuric, và formaldehyde.
  • Kém vệ sinh răng miệng hoặc có các tác nhân ảnh hưởng tới miệng, như có một chiếc răng nhọn gây kích thích, hay Răng giả không có kích thước phù hợp.

4. Đối tượng cần Xét nghiệm sàng lọc ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi thường gặp ở:

  • Những người trên 50 tuổi, trong đó phần lớn là nam giới.
  • Những người vệ sinh răng miệng kém, thường xuyên hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, có thói quen nhai trầu hoặc nhiễm virus như HPV...
  • Đặc biệt, nam giới mắc bệnh lý răng lợi mãn tính dù có hút thuốc lá hay không cũng làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi.

Cùng với đó, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra tỷ lệ mắc bệnh ung thư lưỡi ở nam giới cao hơn nữ giới, đặc biệt những người thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia thì nguy cơ mắc bệnh ung thư lưỡi càng cao.

Theo thống kê, nam giới trên 50 tuổi có khả năng mắc bệnh ung thư lưỡi cao nhất, vì vậy những người này cần tầm soát sàng lọc ung thư lưỡi định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần.

Đối với những người dưới 50 tuổi, tùy theo tình trạng sức khỏe hoặc có những dấu hiệu bất thường cũng cần gặp bác sĩ để kịp thời chữa trị.

5. Các phương pháp tầm soát ung thư lưỡi

Khám lưỡi là một trong những phương pháp tầm soát ung thư lưỡi thông thường nhất. Khám lưỡi sẽ giúp người bệnh phát hiện các dấu hiệu bất thường như:

  • Điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc ở lưỡi, niêm mạc trắng, tổn thương là vết loét nhỏ, xơ hoá.
  • Tổn thương có đặc điểm là khi sờ vào cảm thấy chắc, rắn, không mềm mại như bình thường.
  • Biểu hiện ung thư lưỡi giai đoạn cuối các ổ loét ở lưỡi lan rộng, phủ giả mạc ở trên dễ chảy máu, khiến lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được.
  • Thương tổn thương sùi loét, ở đáy có mủ, máu, bờ nham nhở, chảy máu khi va chạm.
  • Có trường hợp không có dấu hiệu loét nhưng hình thành một nhân lớn gắn chặt xuống lớp dưới, nhô lên dưới niêm mạc có màu tím nhạt, căng nhẵn, lớp niêm mạc lỗ rỗ những lỗ nhỏ, khi ấn vào sẽ làm rỉ ra một chất trắng, sản phẩm của Hoại tử ở phía dưới.

Khám hạch: Hạch thường xuất hiện từ sớm, tỷ lệ người bị bệnh ung thư lưỡi có hạch ngay từ đầu là khoảng 50%. Hạch thường xuất hiện ở dưới hàm, dưới cằm, cảnh cao. Tùy thuộc vào độ xâm lấn của u nguyên phát, khả năng di căn hạch vùng chiếm tỷ lệ khoảng từ 15-75%.

Sinh thiết: Trước khi điều trị, xác định chẩn đoán bằng mô bệnh học qua mảnh sinh thiết tại u. Để tìm tế bào ác tính tại tổn thương ở lưỡi bằng cách áp lam vào chỗ tổn thương của lưỡi hoặc tìm tế bào ác tính tại hạch, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút hạch bất thường ở cổ bằng kim nhỏ.

Ngoài ra, một số phương pháp khác được dùng để tầm soát ung thư lưỡi như:

  • Chụp xương hàm dưới: nhằm đánh giá tổn thương xâm lấn xương.
  • Chụp tim phổi: việc chụp tim phổi để đánh giá khả năng di căn của bệnh.
  • Chụp CT – Scanner, siêu âm và MRI: đánh giá xâm lấn ở phần mềm xung quanh, mô xương và hạch cổ.
  • Xạ hình toàn thân: phát hiện di căn xa.

Ung thư lưỡi có thể được phòng tránh nhờ vào việc giữ gìn vệ sinh răng miệng. Việc bỏ các thói quen xấu như: bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, bỏ thói quen nhai trầu, ... cũng góp phần giảm nguy cơ ung thư lưỡi.

Những dấu hiệu sớm của bệnh ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt và dễ bị bỏ qua, việc phát hiện sớm bệnh có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Chính vì vậy nếu phát hiện các triệu chứng sớm, nghi ngờ bệnh thì bạn nên đi khám và được chẩn đoán bệnh tình sớm. Ngoài ra những đối tượng thuộc đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh cũng nên thường xuyên tầm soát ung thư, nhằm phát hiện sớm bệnh.

 

 

Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Cử nhân Điều dưỡng Lê Thị Thúy
Đã kiểm duyệt nội dung